Căn cứ pháp lý của việc định tội danh đối với tội mua bán người là những quy định trong phần Chung và Điều 150 Bộ luật hình sự 2015 với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất cho toàn bộ quá trình xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện là tội mua bán người.
Mục lục bài viết
1. Căn cứ pháp lý của định tội danh tội mua bán người:
Cơ sở pháp lý của việc định tội danh là hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự được dùng để xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bị coi là tội phạm. GS.TSKH Lê Cảm, có định nghĩa về định tội danh có thể hiểu thì những căn cứ pháp lý của việc định tội danh là hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất (trực tiếp), cũng như hệ thống các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý bổ trợ (gián tiếp) cho toàn bộ quá trình xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện là tội phạm.
Trong quá trình định tội danh, BLHS có ý nghĩa quyết định và quan trọng nhất, nó đóng vai trò là cơ sở pháp lý trực tiếp của việc định tội danh, hiện nay BLHS nước ta là nguồn trực tiếp và duy nhất ghi nhận toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự hiện hành được áp dụng trong thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung, cũng như quá trình định tội danh và quyết định hình phạt nói riêng,
Cơ sở pháp lý gián tiếp của việc định tội danh: trong quá trình định tội danh, nếu các quy phạm pháp luật của BLHS đóng vai trò là cơ sở pháp lý trực tiếp về mặt nội dung, thì các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự là cơ sở pháp lý gián tiếp về mặt hình thức quy định cách thức, trình tự, thẩm quyền định tội danh.
Như vậy có thể định nghĩa khái niệm căn cứ pháp lý của việc định tội danh đối với tội mua bán người như sau: Căn cứ pháp lý của việc định tội danh đối với tội mua bán người là những quy định trong phần Chung và quy phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 150 Bộ luật hình sự 2015 với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất (trực tiếp) cho toàn bộ quá trình xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện là tội mua bán người.
1.1. Khách thể của tội mua bán người:
Tội mua bán người tác động trực tiếp đến con người. Tội mua bán người xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự và quyền con người được pháp luật bảo vệ. Người phạm tội coi con người như một hàng hóa để mua, bán, trao đổi nhằm mục đích kiếm lợi hoặc vì mục đích khác.
1.2. Mặt khách quan của tội mua bán người:
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra ngoài thế giới khách quan, bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ giữa hành vi với hậu quả, phương tiện, công cụ, phương pháp, thời điểm,... thực hiện tội phạm.
Mặt khách quan của tội mua bán người đầu tiên là hành vi khách quan cụ thể có ba nhóm hành vi. Nạn nhân của ba nhóm hành vi này là người từ từ đủ 16 tuổi trở lên. Hành vi thứ nhất là chuyển giao hoặc tiếp nhận người để chuyển giao có kèm theo việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, thứ hai là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của họ hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác, thứ ba là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác.
Để thực hiện việc phạm tội mua bán người, người phạm tội có thể dùng các hành vi như lừa gạt, dụ dỗ, ép buộc bằng nhiều hình thức và thủ đoạn dù người bị hại có tự nguyện thì người thực hiện hành vi phạm tội mua bán người vẫn bị truy cứu TNHS. Tội phạm được coi là hoàn thành khi đã thực hiện việc thỏa thuận mua bán, không cần thiết phải hoàn thành việc trao đổi người hay lợi ích vật chất.
Tội mua bán người là tội phạm cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người và có căn cứ khẳng định mua bán người.[25, tr.271]. Kết quả có tiến hành mua bán được hay không, không có ý nghĩa đối với việc định tội.
1.3. Chủ thể của tội mua bán người:
Chủ thể của tội phạm là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị Luật hình sự cấm, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS.[30, tr. 343].
Người phạm tội mua bán người nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật và bị xã hội lên án. Khi thực hiện tội mua bán người bằng hình thức đồng phạm, người phạm tội không những nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm mà còn nhận thức được hành vi của những người đồng phạm khác cũng nguy hiểm cho xã hội và có quan hệ chặt chẽ với hành vi của mình.
Căn cứ vào cách phân loại tội phạm và tuổi chịu TNHS quy định tại Điều 9, Điều 12 BLHS năm 2015, cho thấy Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội hiếp dâm...; Điều 150 (tội mua bán người)...”.
Chủ thể của tội mua bán người phải là người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Phải đạt độ tuổi từ 14 trở lên, người từ đủ 14 | tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS theo Khoản 1 Điều 150 BLHS và phải chịu TNHS theo quy định tại Khoản 2 điều này. Trên thực tế thì chủ thể của loại tội phạm này thường là người đã thành niên vì loại tội này nguy hiểm và đòi hỏi sự khôn khéo, tinh vi. Người chưa thành niên phạm tội này thường ở vai trò đồng phạm.
1.4. Mặt chủ quan của tội mua bán người:
Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó mà vẫn mong muốn nó xảy ra. Từ khái niệm này: Thứ nhất, người phạm tội mua bán người nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, hậu quả tất yếu xảy ra hoặc có thể xảy ra; thứ hai, người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra.
Đối với một số tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức (hậu quả thực tế rất khó được xác định) thì cần xác định rõ ràng mức độ hình dung về hậu quả để xác định tội phạm (ví dụ như tội vu khống, tội làm nhục người khác,..). Lỗi cố ý trực tiếp là khi người phạm tội thực hiện hành vi mua bán, trao đổi người khác và nhận thức rõ hành vi của mình, mong muốn hành vi đó diễn ra.
Khi kiểm tra các yếu tố cấu thành tội phạm, cần lưu ý xem vụ án mua bán người có đồng phạm không, nếu có đồng phạm thì cần làm rõ sự phân công trong việc thực hiện tội phạm, nhất là vai trò của người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.
2. Ý nghĩa của định tội danh đối với tội mua bán người:
Trong quá trình giải quyết vụ án mua bán người, việc định tội danh đối với tội phạm này có ý nghĩa rất quan trọng:
Thứ nhất, định tội danh là một trong những giai đoạn cơ bản, một nội dung quan trọng của quá trình áp dụng pháp luật hình sự và là một trong những biện pháp đưa các quy phạm pháp luật hình sự vào cuộc sống. Định tội danh còn là tiền đề, là cơ sở cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật khác của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.
Thứ hai, định đúng tội danh đối với tội mua bán người ra các quyết định hình phạt kịp thời, thể hiện được ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật và trình độ chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền. Từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Thứ ba, trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, việc định tội danh đúng có ý nghĩa không chỉ về pháp luật mà cả về mặt chính trị – xã hội. Bởi lẽ, định tội danh đúng sẽ là cơ sở cho việc định khung hình phạt đúng và là tiền đề cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời để áp dụng chính xác các quy định của BLHS về các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vị, hình phạt, tái phạm, quyết định hình phạt trong trường hợp nhiều tội phạm...
Ngược lại, nếu định tội danh sai sẽ dẫn đến các hiệu quả tiêu cực như không bảo đảm được tính công minh, có căn cứ và đúng pháp luật của hình phật được quyết định, làm oan người vô tội, bỏ lọt người phạm tội, thậm chí xâm phạm nghiêm trọng danh dự và nhân phẩm, các quyền tự do của công dân cũng như xâm phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời còn làm giảm uy tín và hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, giảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm…
3. Các giai đoạn định tội danh đối với tội mua bán người:
Định tội danh đối với tội mua bán người được thực hiện theo 04 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Phân tích, đánh giá hành vi của người phạm tội trong vụ án.
Sau khi đã tiếp nhận hồ sơ vụ án hình sự, cần phân tích, đánh giá hành vi của người phạm tội trong vụ án để nắm vững tất cả những hành vi, tình tiết có ý nghĩa về mặt hình sự trong vụ án. Qua đó, có thể phát hiện ra những điểm mấu chốt trong vụ án, giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, chinh xác và đạt hiệu quả cao.
Giai đoạn thứ hai, xác định hướng xâm hại (khách thể loại) của hành vi do người phạm tội thực hiện.
Tội mua bán người được quy định tại Điều 150 thuộc chương XIV BLHS 2015 (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người). Như vậy, việc đầu tiên phải xác định hành vi của người phạm tội có xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người là khách thể loại của tội mua bán người hay không.
Sau khi xác định được khách thể loại bị xâm hại, việc tiếp theo cần xác định xem hành vi của người phạm tội có xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của con người hay không. Tội mua bán người xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người, xâm phạm đến quyền con người được pháp luật bảo vệ.
Giai đoạn thứ ba, kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự về tội mua bán người (CTTP của tội mua bán người) với từng hành vi của người phạm tội trong vụ án.
Đây là giai đoạn quan trọng nhất nhằm xác định trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc định tội danh không phải là một hoạt động đơn giản chỉ cần biết tuân thủ các quy định của pháp luật là đủ, mà đó là một hoạt động nghiệp vụ pháp lý phức tạp, một hoạt động mang tính nhận thức của người tiến hành định tội danh.
Giai đoạn thứ tư, những kết quả kiểm tra nói trên được kết luận đối với từng người phạm tội trong vụ án. Từ đó, kết luận hành vi của từng người có cấu thành tội mua bán người hay không, nếu không phải tội mua bán người thì phạm tội gì?