Định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người là biện pháp có hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật hình sự vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội mua bán người như góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với tội phạm này.
Mục lục bài viết
1. Căn cứ của quyết định hình phạt đối với tội mua bán người:
Tòa án ra quyết định hình phạt đối với tội mua bán người đòi hỏi đúng căn cứ. Các căn cứ đó là: Các quy định của Bộ luật Hình sự, tính chất và mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào các quy định của BLHS: Theo Luật hình sự Việt Nam thì nội dung các quy định của BLHS mà Toà án phải tuân thủ nghiêm chỉnh khi quyết định hình phạt bao gồm:
Các quy định có tính nguyên tắc về tội phạm và hình phạt trong Phần chung của BLHS. Điều luật quy định hình phạt đối với tội mua bán người. Sau khi định tội mua bán người, Toà án quyết định hình phạt đối với người phạm tội, việc quyết định hình phạt phải căn cứ vào các quy định của phần chung BLHS như “nguyên tắc xử lý” (Điều 3 BLHS), vấn đề chuẩn bị phạm tội (Điều 17 BLHS), phạm tội chưa đạt (Điều 18 BLHS), vấn đề đồng phạm (Điều 20 BLHS).
2. Các giai đoạn của quyết định hình phạt đối với tội mua bán người:
Khi quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, Tòa án thực hiện 03 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, Tòa án xác định các tình tiết của vụ án có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt về tội mua bán người được quy định trong BLHS năm 2015. Để quyết định hình phạt đúng đắn, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đạt được mục đích hình phạt, Tòa án phải xác định chính xác, khách quan các tình tiết của vụ án là căn cứ để quyết định hình phạt.
Giai đoạn thứ hai, Tòa án phải nhận thức đầy đủ cơ sở pháp lý của việc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người. Trong giai đoạn này, Tòa án phải nhận thức đầy đủ, chính xác các quy định của BLHS liên quan đến việc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người.
Theo quy định tại Điều 150 BLHS 2015, hình phạt đối với tội mua bán người được chia thành 04 khoản như sau:
Khoản 1: Có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Khi đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mua bán người nêu ở mặt khách quan sẽ áp dụng: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”.
Khoản 2: Mức hình phạt từ 08 năm đến 15 năm, khi phạm tội thuộc một các trường hợp sau:
a) Có tổ chức.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Như vậy, để được coi là phạm tội mua bán người có tổ chức thì hành vi đó phải được thực hiện ít nhất từ hai người trở lên, trước khi thực hiện hành vi phải có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội, điều đó cho thấy phạm tội có tổ chức sẽ phải trải qua một giai đoạn nhất định trước khi trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và có chung mục đích là mua bán người (trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để để mua bán được người). Mua bán người có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội khác vì có sự phân công phối hợp che giấu dễ thực hiện thành công và dễ che giấu tội phạm.
b) Vì động cơ đê hèn
Động cơ đê hèn là động cơ phạm tội thể hiện tính hèn hạ và để tiện của cá nhân người phạm tội. Động cơ đê hèn được hiểu là người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ rất xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không kẻ gì đến danh dự, nhân phẩm, tư cách của một con người. Thực tế hiện nay chưa có một văn bản quy định thế nào là phạm tội có tính chất để hẹn mà thực tiễn xét xử chỉ xem một số trường hợp cụ thể sau đây là phạm tội có tính chất đê hèn.
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%
Trường hợp này là người phạm tội mua bán người trong quá trình thực hiện tội phạm đã gây thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi cho người bị bắt cóc làm con tin mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 45%. Hành vi, thủ đoạn mà người phạm tội có thể gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của con tin có thể thực hiện bằng cách khác nhau như: Đánh đập, tra khảo, bắt nhịn đói, bỏ rét, giam cầm... nhưng đều dẫn đến một hậu quả là nạn nhân bị tổn hại về sức khoẻ và tinh thần. Trong trường hợp này người phạm tội không bị truy cứu TNHS thêm về tội xâm phạm sức khoẻ người khác. Nếu đồng thời, với việc thực hiện hành vi mua bán người, người phạm tội lại thực hiện hành vi giết người, thì bị truy cứu về tội xâm phạm tính mạng của người khác.
Rối loạn tâm thần và hành vi là một dạng biến dạng xử xự thường xảy ra sau khi bị chấn thương tâm lý. Người bị rối loạn tâm thần và hành vi có biểu hiện loạn năng trong khả năng tư duy, xử lý thông tin và điều khiển hành vi của bản thân. Ví dụ: Sa rút trí tuệ, rối loạn nhân cách, ảo giác, ám ảnh, hoang tưởng,...
Tình tiết gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân là tình tiết tuy mới được quy định cụ thể trong BLHS năm 2015 nhưng thực tế đã được dùng để xem xét tỷ lệ tổn thương cơ thể từ trước đó, áp dụng theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995, sau này được thay thế bởi Thông tư số 20/2014/TT BYT ngày 12/06/2014 quy định bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý hình sự, cụm từ “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” vẫn chưa có cách hiểu thống nhất. Hiện nay có một số cách hiểu như sau:
Cách hiểu thứ nhất là nạn nhân chỉ bị rối loạn tâm thần hoặc rối loạn hành vi.
Cách hiểu thứ hai là nạn nhân phải bị cả rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi vì nhà làm luật dùng kết từ “và”, chứ không phải kết từ “hoặc”.
Xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị mua bán căn cứ vào kết luận của cơ quan giám định pháp y. Trong trường hợp nạn nhân từ chối giám định pháp y mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải đi giám định (theo khoản 2 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm nay khi bị hại từ chối giám định theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng có thẩm quyền.
Trường hợp phạm tội này chỉ căn cứ vào thương tích hoặc tổn hại đến sức khoẻ và tâm thần của người bị mua bán, còn đối với người khác nếu người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể còn bị truy cứu thêm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Trường hợp này BLHS năm 2015 có nêu cụ thể hơn so với BLHS năm 1999 chỉ nêu: Để đưa ra nước ngoài.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai với mỗi nạn nhân đưa được sang bên kia biên giới, bằng con đường chính thức qua các cửa khẩu, hoặc không chính thức qua các đường tiểu ngạch hay vượt biên trái phép, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có thể kiếm được rất nhiều tiền, đây là động cơ khiến nhiều người không từ thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, vụ việc thường xảy ra ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai các phương án ngăn chặn, truy bắt.
Đây là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy mức độ nguy hiểm của hành vi đưa nạn nhân ra khỏi biên giới so với có ý định đưa người bị mua bán ra khỏi biên giới có mức nguy hiểm gần như bằng nhau, có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới là trường hợp phạm tội chưa đạt ở tình tiết này, thiết nghĩ điều luật nên quy định thêm trường hợp “có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;”
e) Đối với từ 02 đến 05 người.
So với điểm e khoản 2 Điều 119 BLHS năm 1999 chỉ quy định: “Đối với nhiều người” mà không quy định cụ thể là bao nhiêu người, rõ ràng là điều bất cập khi định khung hình phạt người phạm tội mua hoặc bán 02 người so với người mua hoặc bán hàng chục người mà chịu một khung hình phạt thì chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi. Do vậy, đây là điểm sửa đổi hợp lý của BLHS năm 2015. Trường hợp có từ 02 người đến 05 người bị người phạm tội mua bán, trong đó có thể có người bị đưa ra khỏi biên giới, có người không bị đưa ra khỏi biên giới hoặc tất cả bị đưa ra khỏi biên giới. Nếu có người bị đưa ra khỏi biên giới thì người phạm tội vừa phạm tội mua bán quy định tại điểm e (đối với từ 02 đến 05 người) vừa để nạn nhân ra khỏi biên giới (hai tình tiết định khung).
Mua bán từ 02 đến 05 người trở lên phải chịu khung hình phạt ở khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015, việc quy định như vậy phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm rất nghiêm trọng của hành vi.
f) Phạm tội từ 02 lần trở lên.
Đây thực chất là mua bán nhiều lần, là trường hợp người phạm tội nhiều lần thực hiện hành vi mua bán người.
Mua bán từ hai lần trở lên thực chất là mua bán nhiều lần là trường hợp người phạm tội nhiều lần thực hiện hành vi mua bán người. Có thể mỗi lần mua bán một người, nhưng cũng có thể trong các lần mua bán đó có lần mua bán nhiều người, nếu có lần mua bán nhiều người thì người phạm tội bị truy cứu TNHS theo điểm e khoản 2 hoặc điểm đ khoản 3 và điểm g khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015.
Trường hợp, chỉ có một người bị bán hoặc bị mua nhưng người phạm tội đã mua bán nhiều lần (từ hai lần trở lên) đối với cùng một người thì cũng bị coi là phạm tội từ hai lần trở lên.
Khoản 3: Mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm được coi là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, khi phạm tội thuộc một các trường hợp sau
g) Có tính chất chuyên nghiệp.
Tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 BLHS:
“1. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.”
Phạm tội mua bán người có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội cố ý phạm tội mua bán người từ năm lần trở lên và lấy việc mua bán người là nghề sinh sống và lấy nguồn thu nhập từ việc mua bán người nguồn sống chính cho mình đây là một trong những tình tiết định khung tăng nặng của tội mua bán người, đây được coi là yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra.
h) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
So với BLHS năm 1999 quy định “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” và BLHS năm 2015 quy định: “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”, rõ ràng đây là hành vi rất man rợn, không còn tính người, tác giả đồng tình với quan điểm để nguyên “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” như BLHS năm 1999, chứ không để hậu quả việc nạn nhân đã mất đi bộ phận cơ thể mới được áp dụng khoản 3, Điều 150. Chỉ cần chứng minh người thực hiện hành vi mua bán người nhằm lấy bộ phận cơ thể nạn nhân là đã đủ điều kiện để áp dụng Khoản 3. Trên thực tế có nhiều sự việc, cơ quan điều tra phát hiện đường dây mua bán người để lấy nội tạng mặc dù hậu quả lấy được nội tạng chưa xảy ra nhưng trong mục đích người phạm tội đã thể hiện rõ ràng ý định mua bán người để lấy nội tạng.
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, kẻ phạm tội có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác xâm hại đến tâm lý hoặc cơ thể của nạn nhân gây nên rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi, trong thực tế rất nhiều nạn nhân sau khi trở về có biểu hiện thần kinh, một số mang thai và mang về con nhỏ, có nạn nhân thì bị tàn tật, tổn thương cả tinh thần và thể xác.
m) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát
Nạn nhân đã chết hay có hành vi tự sát thì phải chịu khung hình phạt ở Khoản 3, lưu ý rằng nạn nhân chết hoặc tự sát là hậu quả của hành vi mua bán người gây ra, cần phân biệt đối với tội bức tử mặc dù nạn nhân cũng do quá uất ức và tủi nhục mà hành vi mua bán người gây ra.
n) Đối với 06 người trở lên
Mua bán từ 06 người trở lên phải chịu khung hình phạt ở Khoản 3 Điều 150 BLHS năm 2015, việc quy định như vậy phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng của hành vi.
o) Trong trường hợp này tái phạm nguy hiểm
“Tái phạm nguy hiểm” tình tiết định khung hình phạt thuộc về nhân thân người phạm tội. “Các dấu hiệu của tái phạm nguy hiểm theo Khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 là: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.
Người phạm tội mua bán người bị coi là tái phạm khi phạm tội mua bán người trong thời gian chưa xoá án tích. Điều này chứng tỏ hình phạt đưa ra chưa mang tính răn đe. Người phạm tội mua bán người chưa nhận thức được lỗi lầm của bản thân, không chịu thay đổi. Vì vậy cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp này để răn đe nghiêm khắc.
Cũng cần lưu ý rằng, người dưới 18 tuổi bị kết án đương nhiên được coi là không có án tích, không áp dụng tình tiết tái phạm và tái phạm nguy hiểm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015. Bao gồm: người phạm tội đã bị kết án về bất kỳ hành vi phạm tội nào khi đủ 14 nhưng chưa đủ 16 tuổi; hoặc đã bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý khi đã đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi.
Khoản 4: Ngoài các khung hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể và các tình tiết, chứng cứ trong vụ án, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung:
Theo khoản 4 Điều 150 BLHS năm 2015: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Có thể thấy, quy định của BLHS năm 2015 đã tăng mức tiền phạt bổ sung đối với người phạm tội và bổ sung thêm nội dung tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Quy định này là tương đối phù hợp bởi xuất phát từ thực tiễn tội mua bán người khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo thu được giá trị vật chất rất lớn từ việc bán người.
Giai đoạn thứ ba: So sánh sự tương thích các quy định của pháp luật hình sự về tội mua bán người với các tỉnh, các tiết tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, của vụ án trên cơ sở đó ra quyết định hình phạt đối với tội mua bán người.
Quyết định hình phạt có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi suy cho cùng, các hoạt động tố tụng hình sự trước đó (từ khởi tố, điều tra, truy tố, kể cả việc tranh tụng tại phiên toà) sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu Toà án không làm tốt việc quyết định hình phạt. Việc quyết định hình phạt đúng pháp luật sẽ là điều kiện pháp lý đầu tiên để đạt được mục đích của hình phạt được quy định tại Điều 31 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đó là: Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Hình phạt luôn có tác dụng trừng phạt răn đe và giáo dục. Hai mục đích này của hình phạt này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Tòa án cần cân bằng được cả hai mục đích khi đưa ra quyết định hình phạt. Nếu hình phạt đặt nặng vấn đề trừng trị người phạm tội, dẫn đến quyết định hình phạt quá nặng. Trong trường hợp này, sẽ tạo ra tâm lý cho người phạm tội là họ phẫn nộ khi nhận hình phạt không công bằng không tương xứng với hành vi phạm tội. Từ đó thiếu niềm tin vào pháp luật, không cải tạo tốt.
Ngược lại, nếu quan trọng hoá việc giáo dục, cải tạo mà coi nhẹ mặt trừng trị. Không thấy hết được hình phạt là công cụ để đấu tranh phòng, chống tội phạm và việc trừng trị bằng hình phạt, là sự phản ứng của Nhà nước đối với tội phạm, thì có thể dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến làm nảy sinh ở người phạm tội và những người khác ý thức coi thường pháp luật, không tạo ra sự tin tưởng, đồng tình cần thiết để giáo dục quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
3. Mối quan hệ giữa định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người:
Mối quan hệ giữa định tội danh và quyết định hình phạt nói chung và đối với tội mua bán người nói riêng là quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó định tội danh đóng vai trò quyết định. Định tội danh đúng tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hóa và phân hóa trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật. Định tội danh mua bán người đúng và chính xác có ý nghĩa quyết định đối với vụ án hình sự, bởi vì nó là cơ sở cần thiết đầu tiên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Chỉ có thể trên cơ sở xác định một người phạm tội mua bán người, thì mới có thể quyết định buộc người đó phải chịu những hình phạt nào theo quy định tại Điều 150 BLHS.
Như vậy, định tội danh đối với tội mua bán người đúng là điều kiện tiên quyết cho việc quyết định hình phạt đúng người phạm tội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội mua bán người có hiệu quả.
Nếu định tội mua bán người sai, thì đương nhiên việc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người sẽ không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật đối với việc quyết định hình phạt vì việc quyết định hình phạt sẽ không đúng với đối tượng phải áp dụng.
Trường hợp định tội mua bán người đúng, thì việc quyết định hình phạt có thể đúng hoặc quyết định hình phạt sai. Điều này phụ thuộc vào chủ thể quyết định hình phạt.
Định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội mua bán người đúng đắn là biện pháp có hiệu quả trong việc áp dụng pháp luật hình sự vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội mua bán người như góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với tội phạm nguy hiểm này.