Trộm cắp tài sản là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Theo đó, đối tượng trộm cắp có đủ dấu hiệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một vấn đề đặt ra là cách xác định giá trị tài sản bị trộm cắp như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cách xác định giá trị tài sản bị trộm cắp như thế nào?
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về việc xác định giá trị tài sản bị trộm cắp.
Thực tiễn trong quá trình điều tra và truy tố, xét xử có thể thấy khi xác định giá trị tài sản bị trộm cắp sẽ định giá tài sản đó thông qua việc thành lập Hội đồng định giá tài sản. Theo đó, hội đồng định giá tài sản sẽ tiến hành trên cơ sở nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản. Việc định giá tài sản đó sẽ được khảo sát giá, thu thập các thông tin liên quan đến tài sản cần định giá theo một trong những hình thức sau:
– Khảo sát giá thị trường theo giá bán buôn, giá bán lẻ của tài sản cùng loại hoặc tài sản tương tự.
– Tham khảo giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp, giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, các nguồn thông tin khác về giá trị của tài sản cần định giá.
– Nghiên cứu giá tài sản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định đã được áp dụng tại địa phương.
Như vậy, việc định giá tài sản bị trộm cắp sẽ được căn cứ dựa vào một trong những hình thức trên.
2. Thủ tục định giá tài sản trộm cắp:
Bước 1: Thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc và thường xuyên:
– Hội đồng định giá sẽ được thành lập ở cấp huyện, cấp tỉnh và cấp bộ.
+ Đối với hội đồng định giá cấp huyện: thuộc thẩm quyền quyết định thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện với thành phần bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng.
- Thành viên thường trực Hội đồng: chuyên viên của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính.
- Thành viên Hội đồng: đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá.
+ Đối với hội đồng định giá cấp tỉnh: thuộc thẩm quyền quyết định thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với thành phần bao gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: lãnh đạo của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính.
- Thành viên thường trực Hội đồng: lãnh đạo cấp phòng của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính.
- Thành viên Hội đồng: đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá.
+ Đối với hội đồng định giá ở trung ương: thuộc thẩm quyền quyết định thành lập của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với thành phần bao gồm:
- Chủ tịch hội đồng: lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá.
- Thành viên thường trực hội đồng: cán bộ cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá.
- Thành viên hội đồng: gồm đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn có liên quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá; đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có). Đối với vụ án có nhiều loại tài sản khác nhau nhưng không thể phân loại được tài sản, thành viên của Hội đồng định giá bao gồm thêm đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với các tài sản khác còn lại theo yêu cầu cử người của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thành lập Hội đồng định giá.
Bước 2: Tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản:
Sẽ có văn bản yêu cầu định giá tài sản cùng với những tài liệu, hồ sơ có liên quan yêu cầu định giá tài sản gửi đến Hội đồng định giá tài sản.
Bước 3: Xác định căn cứ định giá tài sản:
Theo quy định, định giá tài sản không phải là hàng cấm sẽ được dựa trên cơ sở sau:
– Giá thị trường của tài sản.
– Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định.
– Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp.
– Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá.
– Các căn cứ khác về giá.
Bước 4: Tiến hành khảo sát tài sản cần định giá, khảo sát giá, thu thập các thông tin liên quan đến tài sản cần định giá:
Hội đồng định giá sẽ căn cứ trên tính chất, đặc điểm cũng như tình hình thực tế của tài sản cần định giá để khảo sát giá qua một trong những hình thức như:
– Khảo sát giá thị trường theo giá bán buôn, giá bán lẻ của tài sản cùng loại hoặc tài sản tương tự.
– Tham khảo giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp, giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, các nguồn thông tin khác về giá trị của tài sản cần định giá.
– Nghiên cứu giá tài sản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định đã được áp dụng tại địa phương.
Bước 5: Tổ chức phiên họp định giá tài sản:
– Phiên họp định giá tài sản này sẽ được diễn ra khi có đủ ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự.
– Mỗi thành viên sẽ phát biểu ý kiến độc lập về giá của tài sản trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc của việc định giá tài sản.
– Hội đồng định giá tài sản sẽ có kết luận về giá của tài sản trên có sở ý kiến của đa số các thành viên Hội đồng định giá.
Lưu ý: Phiên họp phải được lập bằng văn bản ghi nhận đầy đủ và trung thực các nội dung của phiên họp định giá tài sản. Biên bản phiên họp định giá tài sản được lập thành ít nhất 03 bản, trong đó 02 bản lưu trong Hồ sơ định giá tài sản và 01 bản gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.
3. Mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản hiện nay:
Căm cứ Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hành vi trộm cắp tài sản như sau:
(1) Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản của người khác với giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật hình sự.
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.
– Tài sản trộm cắp là di vật, cổ vật.
(2) Phạt từ từ 02 năm đến 07 năm:
– Thực hiện hành vi có tổ chức.
– Có tính chất chuyên nghiệp.
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
– Dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt để thực hiện hành vi phạm tội.
– Hành hung để tẩu thoát.
– Trộm cắp tài sản là bảo vật của quốc gia.
– Tái phạm nguy hiểm.
(3) Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chiếm đoạt tài sản.
(4) Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
– Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.
– Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, chiến tranh để thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài bị xử phạt như trên, đối tượng phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.