Trong các vụ án mạng xảy ra, pháp y luôn phải xác định nguyên nhân tử vong là gì? Thời gian nạn nhân tử vong là khi nào? Từ đó hé màn cánh cửa sự thật của những vụ án hình sự hiện nay.
Mục lục bài viết
1. Ước lượng thời gian chết:
Trong các vụ án mạng vấn đề ước lượng thời gian chết có tầm quan trọng giúp cho cơ quan dễ dàng và mau chóng truy tìm thủ phạm. Một trong những vấn đề được đặt ra khi khám nghiệm tử thi y pháp, nhất là nạn nhân không rõ căn cước, là câu hỏi: Nạn nhân chết từ bao giờ? Để trả lời cho câu hỏi này phải dựa vào những dấu hiệu sau chết, dựa vào chất chứa trong dạ dày và dựa vào hiện trạng các cây cỏ ở hiện trường mà tử thi nằm đè lên hoặc nạn nhân giãy giụa vật lộn với hung thủ khi còn sống hoặc chính hung thủ gây nên hiện trường đó.
- Nguội lạnh tử thi: nách, bụng và tầng sinh môn là những vùng nguội lạnh sau cùng của thi thể. Sờ bụng còn thấy ấm, khoảng chết chưa quá 24 giờ. Xác còn ấm hoặc chưa cứng, cứng chưa hoàn toàn là chết dưới 12 giờ. Tử thi lạnh, cứng, hoen tử thi thành mảng tím khoảng chết từ 24 – 36 giờ.
- Cứng tử thi: nạn nhân chết dưới 1 giờ chưa cứng. Từ 1 đến 2 giờ tử thi cứng phần đầu chi trên. Từ 12-24 giờ cứng toàn thân. Mất chứng xảy ra khoảng 36 giờ.
- Hư thối tử thi: vết lục ở hố chậu phải là biểu hiện của hư thối, nó xuất hiện sau chết khoảng 24 giờ về mùa hè và 36 – 48 giờ vào mùa đông, vết lục lan khắp bụng khoảng 48 -72 giờ. Toàn thân chương căng, da thối, đầy mảng lục và mọng nước, nạn nhân chết khoảng 1 tuần về mùa hè bằng 1 đến 2 tuần về mùa đông. Tuy nhiên cần lưu ý, xác ngâm dưới nước chậm hư thối, có khi 1 – 2 tuần mới có tình trạng tương đương với thời gian chết từ 3 ngày đến 1 tuần ở trên cạn, nhưng xác vớt lên, nhất là vào mùa hè thì sự hư thối phát triển nhanh.
- Chất chứa trong dạ dày của tử thi: chất chứa trong dạ dày phản ánh tình trạng tiêu hoá của cơ thể khi còn sống, tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào sự nhai (có răng hay không có răng) phụ thuộc vào tính chất của lương thực, thực phẩm v.v…Tuy nhiên, nói chung chất ăn chỉ ở lại trong dạ dày một thời gian nhất định:
Nước lưu lại trong dạ dày khoảng 1 giờ
Cháo lưu lại trong dạ dày khoảng 1 đến 3 giờ.
Cơm, thức ăn đặc lưu lại trong dạ dày khoảng 4 – 6 giờ
Cơm chưa nhuyễn chứng tỏ ở trong dạ dày dưới 3 giờ.
Cơm đã nhuyễn biểu thị nó ở trong dạ dày đã hơn 3 giờ.
Trong các vụ án mạng, xác còn tươi, hoặc hư thối chưa hoàn toàn, những dấu hiệu sau chết kể trên là cơ sở để ước đoán thời gian chết. Trái lại sự hư thối tan rã tử thi đã xảy ra thì ý nghĩa này không còn có giá trị, người ta còn phải dựa vào các yếu tố khác.
- Sự tàn lụi, mục nát của cỏ cây mà tử thi nằm lên: người ta nhận biết bất kể vật gì đặt nằm trên thảm cỏ, cỏ ở bên dưới vật đó không có ánh nắng mặt trời để quang hợp nên dần dần héo, biến thành màu vàng…. mục nát.
- Tái sinh của cỏ cây: trong án mạng, nạn nhân chết, hung thủ xoá hiện trường, , chặt cây kể cả cây chuối để đậy lên xác, phần còn lại của cây chuối nõn tái sinh hoặc các cây khác nảy mầm chồi, dựa vào độ dài của nhánh trồi để ước lượng thời gian chết.
- Đội quân côn trùng tiêu huỷ xác: mỗi loại côn trùng ưa phá huỷ xác ở giai đoạn khác nhau, giai đoạn đầu là ruồi nhặng, dòi, giai đoạn muộn là côn trùng cánh cứng v.v…
2. Những hình thái giết y pháp:
2.1. Chết nghi vấn:
Chết nghi vấn bao gồm các trường hợp chết mà nguyên nhân không rõ, cần được cơ quan hành pháp xác minh.
- Chết trong khi đang khoẻ mạnh: nhất là ở lứa tuổi thanh niên.
- Chết ở nhà riêng, nhà tập thể, mà sau khi chết một thời gian mới được phát hiện. Phổ biến là các hộ độc thân.
- Chết trong gia đình đang có mối bất hoà giữa người chết với một hoặc nhiều người trong gia đình (vợ chồng mâu thuẫn hoặc sắp ly dị, xích mích giữa anh chị em ruột, giữa mẹ chồng, bố chồng với con dâu, vơ cả với vợ lẽ v.v…)
- Chết ngoài đường nơi vắng vẻ, hoặc không rõ tông tích.
- Chết bệnh tại bệnh viện, hoặc ở nhà riêng nhưng có nghi vấn bị đầu độc hoặc người xung quanh có thắc mắc là chết không bình thường.
2.2. Chết đột tử Chết đột ngột, chết đột quỵ):
Chết đột ngột có thể xảy ra ở mọi hoàn cảnh sống như: chết trong khi ngủ, đang ngồi hoặc đi, đứng v.v… Hầu hết các trường hợp hay gặp vào ban đêm và ở những người khoẻ mạnh, có khi rất khoẻ, thường hôm trước sinh hoạt, công tác, ăn uống bình thường sáng ra không thấy dậy, vào gọi đã thấy chết trên giường với tư thế như người đang ngủ, hoặc nằm co quắp trên giường. Có khi người chết đột ngột đêm ngủ kêu ú ớ đến sáng có người gọi đã thấy chết, không biết chết từ lúc nào.
Trong chết đột ngột, tuyệt đại đa số gặp ở nam giới, tuổi thường từ 20 – 50 tiền sử không có bệnh tật. Một số trường hợp xảy ra ban ngày, khi đang nói chuyện hoặc khi đang làm việc (đang đuổi gà ăn lúa gục xuống chết – Vĩnh Phú, 1980). Khám nghiệm tử thi hầu hết không thấy bệnh cấp hoặc mạn tính ở bất kỳ nội tạng nào trong cơ thể. Tổn thương bệnh lý gặp khoảng 0.1%. Từ 1955 – 1974 qua khám nghiệm 293 ca (20 năm) chết đột ngột, 1/10 số trường hợp thấy tổn thương biểu hiện:
Xung huyết hoặc tụ máu rải rác ở hai phổi
Lấm tấm chảy máu ở tụy
Xung huyết não.
Dạ dày có khi còn nguyên chất ăn chưa tiêu. Những tổn thương này không lý giải được sự chết, mặc dầu đã làm các xét nghiệm như: cấy máu, phân chất phủ tạng và chất chứa trong dạ dày, xét nghiệm giải phẫu bệnh vi thể các mảnh tạng chủ yếu là tim.
Chết đột ngột thường xảy ra chủ yếu về mùa đông trong quý IV và quý I hàng năm. Đây là hoàn cảnh chết đặc biệt mà nguyên nhân chưa rõ và người ta nêu ra nhiều giả thuyết:
- Tim tự ngừng đột ngột
- Có liên quan đến thời tiết (gió mùa đông bắc)
Ở Pháp người ta cho là hội chứng ác tính và cũng không giải thích được nguyên nhân, mặc dù xét nghiệm kỹ các tuyến nội tiết (thượng thận, tuyến yên), hạch thần kinh, hạch bạch huyết qua tổ chức hoá học, men tổ chức (Histochimie híto enzymologie). Gần đây ở Pháp người ta cho rằng huyết khối làm tắc nhánh động mạch vành nuôi nút xoang thần kinh tự động của tim.
Ở Liên Xô cũ, hàng năm cũng xảy ra nhiều vụ chết đột ngột nhưng không tìm thấy nguyên nhân. Theo thống kê của quân đội Mỹ trong số 800 ca chết đột ngột từ năm 1942 – 1946 có 18% chết không rõ nguyên nhân so với 44% do bệnh tim mạch, phần còn lại do các bệnh khác.
Chết đột ngột do tiêm Penicillin, streptomycin v.v… thuộc loại sốc dị ứng hay sốc phản vệ.
3. Những nguyên nhân được xác định trong chết nghi vấn:
- Có tổn thương bệnh lý
- Tuần hoàn: bệnh tim mạch: suy tim, hẹp van hai lá, tâm phế mạn, thiếu máu kinh diễn, huyết khối do xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp trong bệnh bạch cầu.
- Hô hấp: bệnh hen suyễn, viêm phổi, viêm màng phổi, viêm phế quản phổi, phù phổi cấp, phì đại tuyến ức chèn ép đường thở, sặc sữa, sặc thức ăn trong say rượu.
- Sọ não: u não, áp xe não, vỡ động mạch não do xơ vữa động mạch hoặc do phình động mạch não tiên phát hay thứ phát.
- Tiết niệu: lao thận, sỏi thận, sỏi chèn niệu quản, thận đa nang.
- Tiêu hóa: viêm tụy cấp chảy máu, chảy máu do thủng ổ loét dạ dày, tá tràng, u thần kinh đệm dạ dày, ruột chảy máu.
- Sinh dục: chửa ngoài dạ con vỡ, tai nạn phá thai.
- Chấn thương kín
Nhiều trường hợp chấn thương nhìn bên ngoài chỉ thấy sây sát da, hoặc không thấy có dấu hiệu gì, nhưng bên trong có tổn thương hoặc tổn thương rất nặng.
- Vùng đầu: phù não, tụt hạnh nhân tiểu não, dập não, chảy máu não, tụ máu cầu não.
- Vùng ngực: dập sườn, chảy máu phổi, thủng tim phổi do xương sườn gãy đâm vào, đứt rời tim, rách thủng tim.
- Vùng bụng: tụ máu sau phúc mạc, dập lách, vỡ tạng gây chảy máu, dập tuy kèm theo chảy máu. Một số trường hợp có thương tích nhẹ, bên ngoài sây sát tụ máu, nếu chỉ thấy xung huyết các tạng, nhưng có tụ máu ở mạc treo sau phúc mạc hoặc quanh thận, phải nghĩ đến sốc chảy máu. Ở Bệnh viện Việt – Đức, có một số trường hợp chết do chấn thương, người bị thương khi vào viện đã nhợt nhạt, vã mồ hôi, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp không đo được chết nhanh chóng. Khám nghiệm tử thi thấy có tổn thương như trên.
- Tứ chi: lóc da rộng (tai nạn giao thông) kèm gãy xương, dập phần mềm.
- Chất do ức chế
Muốn xác định chết do ức chế phải có đủ 3 điều kiện:
- Chết đột ngột trong tình trạng sức khỏe tốt.
- Dấu hiệu bên ngoài không có hoặc không đáng kể.
- Không có tổn thương bên trong.
– Ngã xuống nước lúc trời rét, ngã từ trên cao đập mạnh người xuống nước
– Bị đấm mạnh vào bụng, sau gáy, góc hàm (trong khi đấu quyền Anh)
– Bị bóp tinh hoàn.
– Trong khi gây mê clorofoc, ête, v.v…
– Rút nước màng phổi, màng bụng quá nhanh, quá nhiều.
Một số trạng thái xúc động mạnh, sợ hãi, vui mừng quá đột ngột, hưng phấn quá mức.
Cơ chế: chấn thương cơ học từ ngoại biên truyền qua hệ thần kinh gây ức chế hành tuỷ làm ngừng tim, ngừng hô hấp.