Cách tính thuế sử dụng đất hàng năm? Khi nào phải nộp thuế sử dụng đất? Các trường hợp phải đóng thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đất đai là tài nguyên quý giá, được đánh giá là nguồn nội lực có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Việt Nam đã ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 đất đai được xác định là thuộc sở hữu toàn dân và người dân có quyền được sử dụng, điều này được thể hiện qua việc tổ chức, cá nhân khi được công nhận quyền sử dụng đất có thể thực hiện các quyền sử dụng, định đoạt đối với đất đai. Đồng thời, pháp luật cũng quy định bên cạnh việc được hưởng các quyền mà Nhà nước công nhận thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước qua các khoản đóng góp về thuế khi sử dụng đất hàng năm. Quy định này không chỉ đảm bảo việc sử dụng đất có hiệu quả mà còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vậy, người sử dụng đất cần phải nộp thuế sử dụng đất hàng năm khi nào và các khoản nộp này được tính như thế nào?
Qua bài viết này, Luật Dương Gia sẽ cùng các bạn tìm hiểu các vấn đề trên theo quy định của pháp luật hiện hành từ đó nắm bắt được việc đóng thuế sử dụng đất hàng năm mà mình phải thực hiện, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Thứ nhất, trường hợp phát sinh nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất hàng năm theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, thực hiện theo quy định tại Luật đất đai năm 2013, đất đai được phân loại thành hai nhóm chủ yếu bao gồm các loại đất sử dụng trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Các loại đất này đều được quy định là đối tượng mà những cá nhân, tổ chức khi sử dụng phải đóng thuế sử dụng đất hằng năm theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010. Theo đó, việc đóng thuế sử dụng đất hàng năm sẽ phát sinh khi có điều kiện cụ thể như sau:
– Việc đóng thuế sử dụng đất hàng năm do các tổ chức, cá nhân đã được công nhận về quyền sử dụng đất hoặc do những người đang thực tế sử dụng đất thực hiện.
– Loại đất mà cá nhân, tổ chức sử dụng được xác định là một trong các đối tượng mà pháp luật ghi nhận là đối tượng phải chịu thuế, bao gồm:
+ Các loại đất được sử dụng trong nông nghiệp như đất trồng trọt, trồng rừng hay nuôi trồng thủy sản.
+ Các loại đất được sử dụng ngoài mục đích nông nghiệp (hay còn gọi là đất phi nông nghiệp) như đất ở, đất được sử dụng nhằm mục đích kinh doanh hoặc sản xuất hay các loại đất khác thuộc nhóm này thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng được sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Lưu ý:
Các loại đất được xác định là đối tượng không phải chịu thuế sử dụng đất hàng năm theo quy định bao gồm:
– Các loại đất có rừng hay đồng cỏ tự nhiên, đất chuyên dùng hay đất để ở thuộc nhóm đất nông nghiệp.
– Các loại đất được phân loại là phi nông nghiệp nhưng không được sử dụng vào kinh doanh như các loại đất sử dụng vì công cộng, đất dùng làm cơ sở tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa, đình đền, từ đường, đất sông ngòi, kênh, rạch, xây dựng trụ sở hay sử dụng trong quốc phòng, an ninh,…
Thứ hai, về căn cứ cách tính thuế sử dụng đất hằng năm theo quy định của pháp luật.
– Cách tính thuế sử dụng đất đối với đất phi nông nghiệp:
Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế phi nông nghiệp năm 2010, hướng dẫn bởi Thông tư 153/2011/TT-BTC thuế sử dụng đất hàng năm đối với các loại đất phi nông nghiệp được xác định như sau:
Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp = Giá tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
– Giá tính thuế = Diện tích đất tính thuế x Giá 1m2 đất
+ Diện tích đất tính thuế trong trường hợp này được tính là các diện tích mà người sử dụng đất đang sử dụng xác định cụ thể theo Khoản 2 Điều 6 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.
+ Đối với giá của 1m2 đất được xác định là giá do chính Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định, có thời gian ổn định theo chu kỳ 5 năm điều chỉnh một lần (Theo Khoản 3 Điều 6 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010)
– Thuế suất dùng làm căn cứ để tính thuế sử dụng đất hàng năm với đất phi nông nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 7 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 (Hướng dẫn tại Thông tư 153/2011/TT-BTC) như sau:
+ Mức thuế suất 0,03% được áp dụng trong các trường hợp như phần đất nằm trong hạn mức; đất ở gắn liền với nhà được xây dựng nhiều tầng, nhiều hộ ở hoặc nhà chung cư hay công trình dưới mặt đất; đất được dùng vào sản xuất, kinh doanh (bao gồm đất thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng chuyển mục đích sang) và đất trong dự án đầu tư phân kỳ.
+ Mức thuế suất 0,07% được áp dụng trong trường hợp đất vượt hạn mức nhưng chưa quá 3 lần.
+ Trong trường hợp có diện tích đất sử dụng vượt hạn mức 3 lần, đất chưa hoặc sử dụng nhưng sai mục đích thì mức thuế suất được áp dụng là 0,15%.
+ Riêng trường hợp đất được sử dụng là đất có được qua việc lấn chiếm thì thuế suất được xác định là 0,2%
– Cách tính thuế sử dụng đất đối với đất nông nghiệp:
Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, thuế sử dụng đất hàng năm đối với đất nông nghiệp được xác định bằng định suất thuế trên cơ sở hạng đất, diện tích của đất được sử dụng, cụ thể:
– Phần diện tích được xác định làm căn cứ tính thuế chính là diện tích mà người sử dụng đất được giao hoặc do người sử dụng đất kê khai.
– Hạng đất được xác định để tính định suất thuế được phân loại trên cơ sở của nhiều yếu tố như chất đất, vị trí, địa hình, các điều kiện về khí hậu, thời tiết hoặc tưới tiêu.Theo đó, đất trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản gồm 6 hạng, đất trồng cây lâu năm phân thành 5 hạng. Việc phân loại hạng đất này mang tính chất ổn định kéo dài trong 10 năm và chỉ được điều chỉnh trong thời gian này nếu như Nhà nước có đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao.
– Về định suất thuế để làm căn cứ tính thuế cho người sử dụng được xác định tại Điều 9 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 như sau:
+ Định suất thuế được áp dụng đối với đất được sử dụng để trồng cây hàng năm và thủy sản được xác định lần lượt theo hạng đất là 550 kg thóc/ha, 460 kg thóc/ha, 370 kg thóc/ha, 280 kg thóc/ha, 180 kg thóc/ha và 50 kg thóc/ha.
+ Đối với các hạng đất dùng trong trồng cây lâu năm, định suất thuế được xác định là 650kg thóc/ha, 550 kg thóc/ha, 400 kg thóc/ha, 200 kg thóc/ ha và 80 kg thóc/ ha.
Lưu ý:
– Riêng trong trường hợp nếu người sử dụng đất trồng cây ăn quả lâu năm trên đất hàng năm thì thuế được xác định theo hạng đất, theo đó nếu đất nằm trong hạng từ 4 đến 6 thì thuế thu sẽ bằng của đất trồng cây hàng năm. Nếu đất nằm trong 3 hạng đầu thì mức thuế sẽ tính bằng gấp 1,3 lần.
– Mức thuế được áp dụng riêng với trường hợp đất được trồng cây lâu năm để thu hoạch một lần, cây lấy gỗ được tính bằng 4% giá trị của sản lượng gỗ khai thác được
– Như vậy, có thể xác định đặc thù của thuế sử dụng đất hàng năm đối với đất nông nghiệp được tính trên cơ sở sản lượng thóc nhưng thuế được thu bằng tiền. Tiền thuế được xác định trên cơ sở giá thóc do phía Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng phải đảm bảo không được thấp hơn quá 10% so với thị trường tại địa phương đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người nộp thuế có thể nộp thuế bàng thóc nếu được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định (Theo quy định tại Điều 17 Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993)
Dịch vụ pháp lý của Luật Dương Gia:
– Tư vấn pháp luật về thuế sử dụng đất hàng năm trực tuyến miễn phí qua tổng đài 1900.6568
– Tư vấn quy định của pháp luật về các trường hợp phát sinh thuế sử dụng đất hàng năm mới nhất
– Tư vấn quy định của pháp luật về căn cứ cách tính thuế đối với thuế sử dụng đất hàng năm mới nhất
– Tư vấn quy định của pháp luật về cách tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mới nhất
– Tư vấn quy định cách tính thuế đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp hàng năm mới nhất.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!