Xử phạt BHXH: Mức lãi chậm nộp, mức xử phạt và trách nhiệm hình sự. Các trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Hiện nay, “bảo hiểm xã hội” là một trong những chính sách an sinh xã hội, mà có sự tham gia bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động dưới sự tổ chức của Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào người lao động và người sử dụng lao động cũng thực hiện đúng việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp không đóng, chậm đóng, trốn đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc có sự thỏa thuận với người lao động về việc không đóng bảo hiểm, hoặc ký sai loại hợp đồng để trì hoãn việc tham gia bảo hiểm xã hội…. Vậy, đối với tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, cơ chế xử lý được xác định như thế nào. Để giải quyết vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Dương Gia sẽ đề cập đến việc xử phạt bảo hiểm xã hội: mức lãi chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội, mức xử phạt và trách nhiệm hình sự khi chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:
Luật sư
Thứ nhất, khái quát chung về bảo hiểm xã hội
“Bảo hiểm xã hội”, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, được hiểu là một sự đảm bảo để người lao động có thể có một khoản tiền để thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của họ bị mất hoặc giảm đi do xảy ra những sự kiện khách quan như bị ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thai sản, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở mức đóng của người lao động vào quỹ của bảo hiểm y tế.
Hiện nay, việc tham gia bảo hiểm xã hội có thể được thực hiện qua hai loại hình bảo hiểm là: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cả hai loại hình tham gia bảo hiểm này đều do Nhà nước tổ chức, tuy nhiên, nếu như với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được tự do trong việc lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập và điều kiện kinh tế của mình, trong đó có sự hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm từ Nhà nước thì bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình mà dù muốn hay không muốn thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm tham gia và việc tham gia mang tính bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Về phương thức đóng và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội: Tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tham gia mà phương thức đóng cũng như quy định về thời hạn đóng sẽ khác nhau. Cụ thể:
– Đối với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện: Căn cứ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tự lựa chọn phương thức đóng: đóng hàng tháng, đóng 03 tháng một lần, đóng 06 tháng một lần, đóng một năm một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu.
Trên cơ sở phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm lựa chọn thì thời điểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được xác định khác nhau. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 11 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, dù người tham gia bảo hiểm lựa chọn phương thức đóng như thế nào, mà nếu nộp tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện quá thời điểm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của luật thì cũng chỉ bị coi là tạm dừng đóng bảo hiểm tự nguyện, chứ không bị xử phạt.
– Còn đối với loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc thì căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, đơn vị người sử dụng lao động có thể tham gia bảo hiểm cho người lao động bằng các phương thức như đóng hàng tháng, đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Còn đối với người tham gia bảo hiểm là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoặc đi theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề, hoặc đi theo dạng hợp đồng cá nhân thì có thể lựa chọn phương thức đóng 03 tháng/một lần, 06 tháng/một lần, hay 12 tháng/một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tùy vào phương thức đóng mà đơn vị sử dụng lao động lựa chọn để đóng bảo hiểm cho người lao động thì thời điểm đóng cũng được xác định khác nhau. Cụ thể:
+ Nếu phương thức đóng bảo hiểm được lựa chọn là đóng hàng tháng thì thời điểm người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người lao động tại cơ quan bảo hiểm là diễn ra trong tháng tham gia bảo hiểm đó, và chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, số tiền bảo hiểm phải được chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
+ Nếu phương thức đóng bảo hiểm được lựa chọn là đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần thì đơn vị người sử dụng lao động phải đóng tiền bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm xã hội chậm nhất là đến ngày cuối cùng của phương thức đóng.
+ Đối với trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng bảo hiểm theo phương thức 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn trong hợp đồng đưa người lao động ra nước ngoài thì người lao động tự mình trực tiếp đóng hoặc thông qua cơ quan đơn vị đưa người lao động ra nước ngoài làm việc đóng bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm trước khi đi ra làm việc ở nước ngoài.
+ Trường hợp đóng bảo hiểm cho thời gian còn thiếu từ 06 tháng trở xuống thì người lao động thông qua đơn vị đóng tiền cho cơ quan bảo hiểm trước khi nghỉ việc.
Đối với loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi đơn vị sử dụng lao động thực hiện việc nộp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quá thời hạn nộp tiền mà pháp luật đã quy định như trên thì cơ quan, đơn vị sử dụng lao động này có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP; đồng thời bị truy thu khoản tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng và tính lãi chậm đóng theo quy định của pháp luật.
Như đã xác định, phạm vi bài viết đề cập đến việc xử phạt khi chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội nên trên cơ sở phân tích hai loại hình bảo hiểm xã hội nêu trên, có thể khẳng định, đối tượng mà bài viết đề cập được xác định áp dụng cho loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ hai, về trách nhiệm pháp lý và mức xử phạt khi chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội
Đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền tương ứng với 12% đến 15 % tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập
Đồng thời, đơn vị sử dụng lao động còn bị truy thu số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng và bị buộc đóng đủ số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.
Về trách nhiệm hình sự: Hiện nay, về vấn đề bảo hiểm xã hội, trong Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội (Điều 214), và Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Điều 216). Theo đó các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội gồm:
– Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội để lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội, chiếm đoạt số tiền bảo hiểm xã hội từ 10.000.000 đồng trở lên.
– Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội từ 10.000.000 đồng trở lên.
– Dùng những thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác để trốn đóng, không đóng hoặc đóng không đầy đủ tiền bảo hiểm từ 06 tháng trở lên mà số tiền trốn đóng từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc trốn đóng từ 10 người lao động trở lên.
– Đã thu tiền hoặc khấu trừ tiền bảo hiểm từ thu nhập của người lao động nhưng cố tình không đóng tiền bảo hiểm lên cơ quan bảo hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền bảo hiểm.
Căn cứ vào nội dung phân tích nêu trên, có thể thấy, hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội không thuộc một trong các hành vi có dấu hiệu để bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
Thứ ba, về mức tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội khi đơn vị chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, khi đơn vị người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 30 ngày trở lên tính từ ngày cuối cùng mà đơn vị phải nộp tiền bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2015 thì đơn vị người sử dụng lao động phải nộp tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội. Số tiền lãi chậm đóng được tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng. Số tiền lãi này được tính vào ngày đầu hàng tháng.
Về mức tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được xác định theo công thức:
Lcđi = Pcđi x k (đồng)
Trong đó:
– Lcđi: được xác định là số tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động phải đóng được tính tại tháng i (tính theo đơn vị đồng).
– k: lãi suất dùng để tính lãi chậm đóng Bảo hiểm xã hội tại thời thời điểm tính lãi. Tính theo đơn vị phần trăm (%). Trong đó mức lãi suất tính chậm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm trước liền kề theo tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.
– Pcđi: Số tiền bảo hiểm xã hội mà đơn vị người sử dụng lao động chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (tính theo đơn vị đồng). Trong đó: số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi (Pcđi) sẽ được xác định bằng công thức: Pcđi = Plki – Spsi (đồng).
Trong công thức này: + Plki: được hiểu là tổng số tiền bảo hiểm xã hội mà người sử dụng phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i.
+ Spsi: là số tiền đóng bảo hiểm xã hội phải đóng phát sinh vào quỹ bảo hiểm xã hội nhưng chưa quá hạn. Số tiền này được xác định theo từng hình thức đóng: đóng hàng tháng hoặc đóng 03 tháng, hoặc 06 tháng một lần…
Trên cơ sở công thức này, doanh nghiệp sẽ xác định được việc nộp tiền lãi chậm đóng khi có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Sao Xanh hiện đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hình thức đóng hàng tháng. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, mà công ty vẫn chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tính đến tháng 2/2019, công ty này còn nợ 200.000.000 đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, số tiền bảo hiểm xã hội (chưa kể đến bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thất nghiệp) phát sinh của tháng 2/2019 là 100.000.000 đồng. Trường hợp này, để tính tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì cần xác định như sau:
+ Trước hết, về lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội khi tính tiền lãi chậm đóng cho công ty Ánh Sao Xanh.
Căn cứ theo Thông báo số 44/TB-BHXH ngày 05/01/2019 của Bảo hiểm xã hội có quy định về mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể: mức lãi suất đầu tư bình quân năm 2018 là 6,4%/năm.
Do công ty Ánh Sao Xanh chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên nên mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội áp dụng cho công ty được xác định bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm trước liền kề theo tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố được xác định = 02 x 6,4%/năm = 12,8%/năm tương đương 1,067%/tháng.
+ Áp dụng công thức để tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho công ty Ánh Sao Xanh tại thời điểm ngày 01/03/2019 thì được xác định như sau:
Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội = (200.000.000 đồng – 100.000.000 đồng) x 1,067%/tháng = 1.067.000 đồng.
Do vậy tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội của công ty Ánh Sao xanh tại thời điểm ngày 01/03/2019 được tính là 1.067.000 đồng.
Như vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là trách nhiệm bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội dưới sự tổ chức của Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều lý do như khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, thậm chí là hành vi cố tình chậm đóng tiền bảo hiểm mà một số doanh nghiệp vẫn chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ cho người lao động. Với hành vi này, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính và phải chịu khoản tiền phạt, tiền lãi do chậm đóng số tiền bảo hiểm xã hội.
Mục lục bài viết
1. Cách tính lãi suất tiền bảo hiểm nộp chậm
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có vấn đề vướng mắc về bảo hiểm cần được tư vấn như sau: do thiếu vốn làm ăn nên công ty tôi chưa nộp bảo hiểm cho lao động từ tháng 11 và hiện nay tôi có được bên bảo hiểm nói sẽ truy thu phần chưa nộp và tính lãi phần chậm nộp đó, văn bản thông báo cụ thể thì sang tháng 1 sẽ có. Vậy cho tôi hỏi lãi tính dựa trên cơ sở nào và tôi sẽ phải nộp tiền lãi là bao nhiêu?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Quyết định 60/2015/QĐ-TTg thì:
Điều 6. Tập trung nguồn thu, quản lý và sử dụng nguồn thu
…
3. Việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện như sau:
a) Trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trênCổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng;
b) Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;
c) Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 01 hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định tại điểm a và b Khoản này gửi cơ quan bảo hiểm xã hội trực thuộc, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an để thống nhất thực hiện.
Theo đó, việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm còn tùy thuộc vào số ngày bạn chậm đóng bảo hiểm là bao lâu, bạn có trình bày bạn không nộp từ tháng 11 đến thời điểm này là trên 30 ngày. Về nguyên tắc, trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng. Còn đối với tiền lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
2. Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành về việc đóng bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Việc đóng các loại bảo hiểm, không chỉ bảo hiểm xã hội mà cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp phải tuân theo đúng quy định của pháp luật về thời hạn, mức phí và mức hưởng. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động này thuộc thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành.
Theo đó, nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 3 Nghị định 21/2016/NĐ-CP như sau:
– Hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do Đoàn thanh tra chuyên ngành thực hiện.
– Tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.
– Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
– Tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
* Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
– Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
– Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh).
3. Đóng bảo hiểm xã hội theo quý có bị xử phạt không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em đang tham gia bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp với mức lương cơ bản 2.889.000 đồng, một tháng em phải đóng là 938.925 đồng một quý là 2.816.775 đồng. Nhưng doanh nghiệp thu của em là 3.510.000 đồng. Giải thích về điều này doanh nghiệp em nói do doanh nghiệp không đóng theo tháng mà đóng theo quý nên bên bảo hiểm xã hội phạt người tham gia bảo hiểm xã hội. Cho em hỏi là doanh nghiệp em đang làm đúng Luật bảo hiểm xã hội 2014 hay không? Tại sao người tham gia bảo hiểm xã hội lại bị phạt mà không phải là doanh nghiệp. Em xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
… “
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho người lao động theo quy định pháp luật. Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội đúng hạn cho người lao động đã vi phạm quy định về bảo hiểm đối với trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
Luật sư
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.”
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng tiền bảo hiểm cho người lao động thì người sử dụng lao động phải đóng toàn bộ số tiền chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm cộng với tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng và các khoản phí phạt khác. Người lao động không phải đóng các khoản tiền phạt về chậm đóng bảo hiểm xã hội trong tường hợp này.
Hiện nay theo quy định, về nguyên tắc người sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng cho người lao động, không có quy định xử phạt hành chính về hành vi đóng bảo hiểm xã hội theo quý cho người lao động. Công ty bạn đang thực hiện sai quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014, “Bộ luật lao động 2019”.