Để đảm bảo cho hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước được thực hiện một cách đồng bộ và có hệ thống, đặc biệt là ở các thành phố lớn đông dân cư như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Nhà nước đã có quy định cụ thể để điều chỉnh việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên lãnh thổ Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch:
1.1. Quy định về hoạt động cấp nước và chất lượng nước sạch:
Hoạt động cấp nước là các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, bao gồm: quy hoạch, tư vấn thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, bán buôn nước sạch, bán lẻ nước sạch và sử dụng nước. Nước sạch để cấp phải đảm bảo chất lượng theo quy định tại Điều 4 Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Hướng dẫn tại Thông tư 01/2008/TT-BXD, cụ thể như sau:
– Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (ăn uống, vệ sinh của con người) phải bảo đảm theo các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Bộ Y tế ban hành quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Nước sạch phải bảo đảm chất lượng theo quy định trên toàn hệ thống từ sau công trình xử lý đến người trực tiếp sử dụng. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra và bảo đảm chất lượng nước sạch trên hệ thống cấp nước do mình quản lý. Khi có sự cố hoặc khiếu nại của khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước sạch được cung cấp, đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra hệ thống cấp nước do mình quản lý hoặc hệ thống đường ống, thiết bị sau điểm đấu nối của khách hàng sử dụng nước để xác định nguyên nhân và có phương án khắc phục sự cố. Việc tổ chức khắc phục sự cố sau điểm đấu nối do khách hàng sử dụng nước thực hiện.
– Chất lượng nước sạch sử dụng chung cho mục đích sinh hoạt và các mục đích sử dụng khác phải bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật của nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
– Chất lượng nước sạch sử dụng cho các mục đích không phải sinh hoạt được thoả thuận giữa đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.
Lưu ý:
Đối với những hệ thống cấp nước hiện có mà chất lượng nước sạch trên hệ thống chưa bảo đảm theo quy định do Bộ Y tế ban hành thì đơn vị cấp nước và cơ quan ký thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước phải đánh giá, xác định nguyên nhân, có các giải pháp khắc phục và xây dựng lộ trình cải thiện chất lượng nước sạch theo quy định
1.2. Các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước:
Tại Điều 10 Nghị định 117/2007/NĐ-CP có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước, cụ thể như sau:
– Phá hoại các công trình, trang thiết bị cấp nước.
– Vi phạm các quy định về bảo vệ khu vực an toàn giếng nước ngầm, nguồn nước mặt phục vụ cấp nước.
– Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống nước thô, đường ống truyền tải nước sạch, các công trình kỹ thuật và mạng lưới cấp nước.
– Cản trở việc kiểm tra, thanh tra hoạt động cấp nước.
– Trộm cắp nước.
– Gây ô nhiễm nước sạch chưa sử dụng.
– Cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cấp nước.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây phiền hà, sách nhiễu các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cấp nước.
– Đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
– Các hành vi phát tán chất độc hại và các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan.
– Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cấp nước.
2. Quy định chung về giá nước sạch:
2.1. Về nguyên tắc tính giá nước:
Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 117/2007/NĐ-CP (Sửa đổi tại Điều 1 Nghị định 124/2011/NĐ-CP), nguyên tắc tính giá nước được xác định cụ thể như sau:
– Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch (bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối) nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.
– Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán nước trong khung giá, biểu giá nước do Nhà nước quy định.
– Giá nước sạch phải bảo đảm để các đơn vị cấp nước duy trì, phát triển, khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tiết kiệm sử dụng nước có xét đến hỗ trợ người nghèo.
– Giá nước sạch được xác định phù hợp với đặc điểm nguồn nước, điều kiện sản xuất nước của từng vùng, từng địa phương, từng khu vực.
– Giá nước sạch được xác định không phân biệt đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài.
– Thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng có mục đích sử dụng nước khác nhau, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bù chéo giữa giá nước sinh hoạt và giá nước cho các mục đích sử dụng khác góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các đơn vị cấp nước.
– Chính quyền địa phương các cấp, tổ chức, cá nhân hoạt động cấp nước phải xây dựng chương trình chống thất thoát thất thu nước, có cơ chế khoán, thưởng đồng thời quy định hạn mức thất thoát thất thu tối đa được phép đưa vào giá thành nhằm khuyến khích các đơn vị cấp nước hoạt động có hiệu quả.
– Trường hợp giá nước sạch được quyết định thấp hơn phương án giá nước sạch đã được tính đúng, tính đủ theo quy định thì hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xem xét, cấp bù từ ngân sách địa phương để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước.
2.2. Căn cứ lập, điều chỉnh giá nước:
Theo quy định tại Điều 52 Nghị định 117/2007/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 124/2011/NĐ-CP) căn cứ lập, điều chỉnh giá nước được xác định như sau:
– Nguyên tắc tính giá nước.
– Điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, khu vực và thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.
– Quan hệ cung cầu về nước sạch.
– Các chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch và lợi nhuận hợp lý của đơn vị cấp nước.
– Có sự thay đổi về công nghệ xử lý nước, quy chuẩn chất lượng dịch vụ, biến động về giá cả thị trường, cơ chế chính sách của Nhà nước.
– Theo lộ trình điều chỉnh giá nước được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2.3. Quy định về thẩm quyền quyết định giá nước:
Theo quy định tại Điều Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT thẩm quyền quyết định giá nước được xác định như sau:
– Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành khung giá nước sạch sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc.
– Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước sạch do đơn vị cấp nước trình và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể trên địa bàn của tỉnh phù hợp với khung giá do Bộ Tài chính ban hành. Trường hợp đặc thù như vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn, chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt cao hơn mức giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho phù hợp nhưng không vượt quá 50% mức giá tối đa của khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính ban hành.
Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện hướng dẫn về thẩm quyền quản lý, thẩm quyền quy định giá nước và mức giá nước cụ thể đối với các công trình cấp nước tự chảy , giá nước ở các công trình cấp nước quy mô nhỏ do cộng đồng quản lý, giá nước ở khu vực nông thôn do cộng đồng dân cư tự thoả thuận bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
– Đơn vị cấp nước tự quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác bảo đảm phù hợp với phương án giá nước đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
– Giá nước sạch bán buôn do đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ tự thoả thuận, trong trường hợp không thống nhất được thì một trong hai bên (hoặc cả hai bên) có quyền yêu cầu tổ chức hiệp thương giá theo quy định của pháp luật.
2.4. Quy định về khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt:
Theo Hướng dẫn tại Thông tư 88/2012/TT-BTC, khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt được quy định như sau:
– Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 giá tối thiểu 3.500 đồng/m3; giá tối đa 18.000 đồng/m3
– Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 giá tối thiểu 3.000 đồng/m3; giá tối đa 15.000 đồng/m3
– Nước sạch khu vực nông thôn giá tối thiểu 2.000 đồng/m3; giá tối đã 11.000 đồng/m3
Ghi chú: Mức giá nêu trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
3. Giá nước sạch của Hà Nội và Hồ Chí Minh:
3.1. Quy định về giá nước tại Hồ Chí Minh:
Theo Quyết định 25/2019/QĐ-UBND, đơn giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được quy định như sau:
Thứ nhất, định mức sử dụng nước đến 4m3/người/tháng:
– Hộ dân cư: đơn giá năm 2022 là 6.300 đồng/m3 , đơn giá năm 2022 là 6.700 đồng/m3
– Riêng hộ nghèo và cận nghèo: đơn giá năm 2022 là 6.000 đồng/m3 , đơn giá năm 2022 là 6.300 đồng/m3
Thứ hai, định mức sử dụng nước từ 4m3 đến 6m3/người/tháng: đơn giá năm 2022 là 12.100 đồng/m3 , đơn giá năm 2022 là 12.900 đồng/m3
Thứ ba, định mức sử dụng nước từ trên 6m3/người/tháng: đơn giá năm 2022 là 13.600 đồng/m3 , đơn giá năm 2022 là 14.400 đồng/m3
Lưu ý:
– Đối tượng các hộ dân cư bao gồm:
+ Các hộ dân cư sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt.
+ Các khu dân cư, chung cư, khu lưu trú công nhân, các cư xá, ký túc xá; các cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh – cai nghiện thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt.
– Hộ nghèo và hộ cận nghèo là những hộ dân cư trên địa bàn thành phố (căn cứ Sổ hộ khẩu thường trú hoặc Sổ tạm trú) có Giấy chứng nhận hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Định mức sử dụng nước sạch được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn căn cứ theo Sổ hộ khẩu thường trú và Sổ tạm trú. Mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước.
Trường hợp nhiều hộ gia đình sử dụng chung một đồng hồ nước (địa chỉ trong Sổ hộ khẩu thường trú và Sổ tạm trú khác với địa chỉ đặt đồng hồ nước) thì tính định mức các nhân khẩu sử dụng chung cho khách hàng đứng tên thuê bao đồng hồ nước.
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (không có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh) có thời hạn hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy xác nhận tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, được tính định mức như nhân khẩu thường trú.
3.2. Quy định về giá nước tại Hà Nội:
Theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND, đơn giá nước sạch sinh hoạt của hộ dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay được quy định như sau:
Thứ nhất, định mức sử dụng nước 10 m3 đầu tiên: đơn giá là 5.973 đồng/m3
Thứ hai, định mức sử dụng nước từ trên 10 m3 đến 20 m3: đơn giá là 7.052 đồng/m3
Thứ ba, định mức sử dụng nước từ trên 20 m3 đến 30 m3: đơn giá là 8.669 đồng/m3
Thứ tư, định mức sử dụng nước từ trên 30 m3: đơn giá là 15.929 đồng/m3
Giá bán trên chưa có thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Lưu ý:
– Các hộ gia đình tại các khu dân cư, các khu chung cư sử dụng nước với mục đích sinh hoạt. Mỗi hộ gia đình được đăng ký sử dụng nước sinh hoạt tại một hợp đồng sử dụng nước;
– Nhà riêng, hộ gia đình do người nước ngoài sử dụng trực tiếp hoặc đại diện hợp pháp ký hợp đồng với Công ty Nước sạch;
– Sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thì cứ 04 người tính là một hộ sử dụng nước, được áp dụng giá nước sinh hoạt.
– Đối với các trường hợp cung cấp nước sạch không thuộc hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh của thành phố Hà Nội, UBND Thành phố sẽ phê duyệt đơn giá bán nước sạch sinh hoạt cho từng dự án cụ thể.