Mức hưởng bảo hiểm khi người lao động bị tai nạn lao động. Bị tai nạn lao động suy giảm 15% khả năng lao động được hưởng chế độ bảo hiểm không? Chế độ trợ cấp tai nạn lao động? Cách nhận tiền bảo hiểm tai nạn lao động?
Trong quá trình lao động sản xuất không thể tránh khỏi những rủi ro, tai nạn khi làm việc. Vậy khi người lao động xảy ra tai nạn lao động được hưởng những chế độ gì? Cách nhận tiền bảo hiểm tai nạn lao động như thế nào?
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
Luật vệ sinh, an toàn lao động 2015
Mục lục bài viết
- 1 1. Chế độ trợ cấp tai nạn lao động:
- 2 2. Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động:
- 3 3. Cách nhận tiền bảo hiểm tai nạn lao động:
- 4 4. Đền bù bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động:
- 5 5. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
- 6 6. Trợ cấp trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động:
- 7 7. Trả tiền lương khi nghỉ chữa trị tai nạn lao động:
- 8 8. Các chế độ được hưởng do tai nạn lao động:
- 9 9. Tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
- 10 10. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động:
1. Chế độ trợ cấp tai nạn lao động:
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Hiểu một cách nôm na là tai nạn lao động là những tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc, gắn liền với những công việc và nhiệm vụ mà người lao động thực hiện
Chế độ trợ cấp lao động được hiểu là khi người lao động xảy ra tai nạn lao động mà đóng bảo hiểm xã hội thì họ sẽ được hưởng một khoản trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả. Ngoài ra họ cũng được hưởng trợ cấp từ phía người sử dụng lao động, ngay cả khi tai nạn đó là do lỗi của mình
Theo đó, khi người lao động xảy ra tai nạn trong quá trình lao động, khi đáp ứng đủ những điều kiện quy định tại Điều 45
– Tai nạn lao động xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi người lao động đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú và đi vệ sinh
– Tại nạn xảy ra ngoài nơi làm việc của người lao động hoặc ngoài giờ làm việc khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động
– Tai nạn lao động xảy ra trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý
– Khi người lao động xảy ra tai nạn mà mức suy giảm khả năng lao động tư 5% trở lên đối với những trường hợp vừa nêu trên thì sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động
– Lưu ý: Người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động nếu thuộc những trường hợp sau:
+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của chính bản thân mình
+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
2. Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động:
2.1. Trợ cấp tai nạn lao động do quỹ tai nạn lao động chi trả:
Tùy thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động mà người lao động sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần hoặc trợ cấp tai nạn hàng tháng theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
Trợ cấp một lần:
Người lao động xảy ra tai nạn mà mức độ suy giảm khả năng lao động từ 05% đến 30% thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần
– Người lao động bị suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 15 thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở ( Mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000 đồng quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP)
– Ngoài mức trợ cấp vừa nêu trên thì người lao động sẽ được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
+ Từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp
+ Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
Trợ cấp hàng tháng:
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
– Người lao động xảy ra tai nạn bị suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở
– Ngoài mức trợ cấp vừa nêu trên thì hàng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như sau:
+ Một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp
+ Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
– Lưu ý:
+ Người lao động đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng muốn tạm ngưng nhận trợ cấp thì phải thông bóa bằng văn bản và phải nêu rõ lý do.
+ Người đang hưởng trợ cấp tai nạn hàng tháng khi chuyển đến chỗ ở khác trong nước có nguyện vọng muốn hưởng trợ cấp tại nơi cư trú mới thì có đơn gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng.
+ Người được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng, ra nước ngoài để định cư thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
2.2. Trợ cấp tai nạn lao động do người sử dụng lao động chi trả:
Tại Điều 38 Luật vệ sinh an toàn lao động 2015 quy định về những khoản chi phí mà người sử dụng lao động phải chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, cụ thể như sau:
– Tiến hành sơ cứu, cấp cứu cho người lao động khi xảy ra tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động
– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động.
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế
+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa
+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế
– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
– Người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động do lỗi của họ gây ra:
+ Người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động ít nhất 0.6 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%
+ Ít nhất 12 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
– Người sử dụng lao động bồi thường cho người bị tai nạn lao động không hoàn toàn do lỗi của họ gây ra:
+ Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho người thân của người lao động bị chết do tai nạn lao động
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%. Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương
3. Cách nhận tiền bảo hiểm tai nạn lao động:
Để được hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì người lao động xảy ra tai nạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
+ Sổ bảo hiểm xã hội;
+ Giấy xuất viện hoặc bản sao hồ sơ bệnh án sau khi hoàn tất điều trị tai nạn lao động (trường hợp điều trị nội trú);
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định Y khoa;
+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động (mẫu số 05A-HSB);
+ Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm bảng kê nội dung giám định (nếu thanh toán phí giám định y khoa);
+
+ Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có).
– Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ người bị tai nạn sẽ nộp cho người sử dụng lao động.
– Trong vòng 30 ngày người sử dụng lao động nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội
– Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giúp giải quyết cho người lao nhận trợ cấp tai nạn lao động
– Những cách mà người lao động có thể sử dụng để nhận tiền bảo hiểm tai nạn lao động như sau:
+ Cách 1: Nhận chuyển khoản từ cơ quan bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động nộp hồ sơ thông qua số tài khoản của người lao động
+ Cách 2: Nhận tiền từ cơ quan bảo hiểm xã hội qua đường bưu điện
+ Cách 3: Nhận tiền trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội
4. Đền bù bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động:
Tóm tắt câu hỏi:
Nhờ văn phòng luật sư tư vấn về đền bù bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động. Em làm công nhân bị tai nạn lao động hội đồng giám định thương tật suy giảm 15% lỗi do người sử dụng lao động. Vậy em sẽ nhận được tiền đền bù của bảo hiểm xã hội trả 1 lần và trả theo số năm đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu tiền. Em ở vùng 1 ở thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2018 đến ngày 1/7/2021 thì bị tai nạn lao động. Lương đóng bảo hiểm trước 1 tháng khi bị tai nạn là 3 triệu 600. Xin quý văn phòng luật sư trả lời giúp cho em được rõ. Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2018 đến ngày 01/07/2021. Mức lương là 3.600.000 đồng. Đối với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 15%, bạn sẽ được hưởng trợ cấp một lần từ bảo hiểm xã hội căn cứ theo Điều 48
Cụ thể với tỷ lệ 15%, và thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động 03 năm bạn sẽ được hưởng mức trợ cấp là 10 lần mức lương cơ sở và 1,1 lần tiền lương đóng bảo hiểm của tháng liền kề bị tai nạn lao động. Mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 2/2021 là 1.490.000 đồng/tháng (căn cứ theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Do đó, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của bạn là: 1.490.000 x 10 + 1,1 x 3.600.000 = 18.860.000 đồng.
5. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
Tóm tắt câu hỏi:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động là gì theo quy đinh của pháp luật?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Điều 45
– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên;
– Không phải gặp tai nạn vì một trong các nguyên nhân sau:
+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
6. Trợ cấp trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động:
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi vấn đề sau: Con trai tôi 29 tuổi, bị chết do tai nạn lao động, vậy gia đình tôi có được hưởng trợ cấp gì từ công ty và phía cơ quan bảo hiểm xã hội không?
Luật sư tư vấn:
Trước hết, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình bạn. Đối với trường hợp này gia đình bạn sẽ được các khoản trợ cấp như sau:
Thứ nhất, tiền bồi thường từ người sử dụng lao động: Ít nhất 30 tháng tiền lương (theo hợp đồng lao động) của con trai bạn (khoản 4 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động).
Thứ hai, trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm con bạn mất (căn cứ khoản 2 Điều 66 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015). Mức lương cơ sở từ 01/7/2019 đến nay (tháng 12/2021) là 1.490.000 đồng/tháng. Trợ cấp này do bảo hiểm xã hội chi trả.
Thứ ba, trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc 01 lần:
– Trợ cấp tử tuất hàng tháng được chi trả nếu trường hợp con trai bạn có con nhỏ được 18 tuổi hoặc con trai bạn có bố/mẹ đẻ, bố/mẹ vợ mà con trai bạn có nghĩa vụ nuôi dưỡng từ đủ 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. (Căn cứ Điều 67, Điều 68
– Trợ cấp tử tuất một lần: Áp dụng khi thân nhân không đủ điều kiện hưởng tử tuất hàng tháng hoặc đủ điều kiện hưởng hàng tháng nhưng có nhu cầu hưởng một lần. Mức trợ cấp một lần được tính như sau: Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. (Căn cứ Điều 69, Điều 70
7. Trả tiền lương khi nghỉ chữa trị tai nạn lao động:
Tóm tắt câu hỏi:
Bố tôi bị tại nạn lao động khi trên đường đi làm về, hiện đang điều trị. Tiền chữa trị thì công ty nói sẽ làm hồ sơ cho bố tôi để hưởng bảo hiểm rồi, nhưng công ty nói bố tôi không được nhận lương vì không đi làm. Vậy có phải trả tiền lương khi nghỉ chữa trị tai nạn lao động?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2019 thì: Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Theo quy định này thì trong trường hợp bạn nghỉ chế độ do tai nạn lao động thì bạn vẫn sẽ được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
8. Các chế độ được hưởng do tai nạn lao động:
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty em có 1 trường hợp bạn này đang trên đường đi làm về thì bị 1 người đi xe máy cố tình đâm vào em (hoàn toàn do lỗi của bên kia), làm em bị bị gãy chân, gãy tay, tỉ lệ thương tật được xác định là 51%. Luật sư cho em hỏi trong trường hợp này có được coi là bị tai nạn lao động trong thời gian làm việc không? Nếu phải thì em được những khoản trợ cấp hay bồi thường như thế nào từ công ty. Em đã tham gia bảo hiểm xã hội được 5 năm thì em có được hưởng thêm chế độ bảo hiểm tai nạn lao động nữa không?
Luật sư tư vấn:
- Đây có phải tai nạn lao động không?
Khoản 8 Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Đồng thời tại điểm c khoản 1 Điều 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về một trong các điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động là: Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Như vậy, bạn gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm về thì đây được coi là tai nạn lao động.
- Về vấn đề mức bồi thường của người sử dụng lao động
Căn cứ theo khoản 4 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường cho người lao động gặp tai nạn lao động.
Tương ứng với quy định của pháp luật về mức bồi thường tai nạn lao động và tỉ lệ thương tật của bạn là 51% nên bạn sẽ được người sử dụng lao động bồi thường tổng cộng sẽ là 17,9 tháng lương theo hợp đồng lao động.
- Về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động
Do bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội nên trường hợp tai nạn lao động thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động. Vì tỉ lệ thương tật được xác định là 51% (>31%) nên bạn được hưởng chế độ bảo hiểm trợ cấp hằng tháng theo Điều 49 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015.
Như vậy, với tỉ lệ thương tật là 51% thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng là 70% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng). Ngoài ra, với 5 năm đóng bảo hiểm xã hội thì bạn sẽ được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội là 0.5%+0.3%x4= 1.7% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
9. Tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh chị. Em bị tai nạn lao động trong công ty. Cụt phần mềm ngón tay phải tiến hành cấy ghép. Em muốn biết mình có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội không? Nếu được hưởng thì hưởng những khoản như thế nào? Tuy nhiên lỗi tại nạn lao động là lỗi chủ quan của em.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động gồm:
– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên
– Bị tai nạn không thuộc một trong các nguyên nhân sau:
+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Như vậy nếu bạn bị tai nạn lao động đáp ứng đủ các điều kiện trên thì sẽ thuộc đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Để biết được mức trợ cấp như thế nào thì bạn cần đi giám định xem tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là bao nhiêu %. Căn cứ mức suy giảm khả năng lao động của bạn để xác định bạn được hưởng trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 48 và Điều 49 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
* Trợ cấp một lần:
– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
– Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
+ Ngoài ra còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
* Trợ cấp hàng tháng:
– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
– Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
+ Ngoài ra còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 4, khoản 5 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 bạn còn được công ty trợ cấp một khoản bằng 40% mức sau:
– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
– Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
10. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động:
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho em hỏi em bị tại nạn lao động ở trong công ty nơi xảy ra trong máy móc, bị cụt 1/3 cẳng tay trái em đã hồi phục rồi. Em đã đi giám định y khoa tỉnh Đồng Nai rồi em bị suy giảm khả năng lao động 55%. Bây giờ cho em hỏi là em đã đi làm lại bình thường và bây giờ công ty có bồi thường hay giải quyết gì cho em không? Em cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày, bạn bị tai nạn lao động và bị suy giảm khả năng lao động 55%. Căn cứ khoản Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì công ty phải có trách nhiệm với bạn như sau:
– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
– Trả đủ tiền lương cho bạn trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
– Bồi thường cho bạn ít nhất 19,5 tháng tiền lương nếu tai nạn lao động xảy ra mà không hoàn toàn do lỗi của bạn hoặc 7,8 tháng tiền lương nếu trường hợp tai nạn lao động xảy ra do lỗi của bạn.
– Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa;
– Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động cho bạn. Đối với mức suy giảm 55% bạn sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Điều 49 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 gồm:
+ Trợ cấp hàng tháng bằng 78% mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng (căn cứ Nghị định 38/2019/NĐ-CP)
+ Trợ cấp theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.