Mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số doanh nghiệp, mã số này cũng đồng thời là mã số thuế và mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật quản lý thuế, nếu thuộc những trường hợp pháp luật quy định thì doanh nghiệp sẽ bị đóng mã số thuế. Dưới đây là cách kiểm tra công ty có bị khóa mã số thuế không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Cách kiểm tra công ty có bị khóa mã số thuế không?
- 2 2. Khi nào doanh nghiệp bị đóng mã số thuế?
- 3 3. Hồ sơ, thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp:
- 4 4. Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế có khôi phục lại được không?
- 5 5. Nghĩa vụ của doanh nghiệp phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế:
1. Cách kiểm tra công ty có bị khóa mã số thuế không?
Mã số thuế doanh nghiệp được hiểu là một dãy số được tạo ra bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho doanh nghiệp khi được thành lập và ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cách tra cứu công ty bị khóa mã số thuế như sau:
Bước 1: Truy cập vào trang tra cứu người nộp thuế của Tổng cục thuế Việt Nam.
Bước 2: Trên trang giao diện chính, người nộp thuế điền mã số thuế của doanh nghiệp cần tra cứu và nhập mã xác nhận, sau đó ấn chọn “Tra cứu”.
Bước 3: Trên giao diện chính của trang người nộp thuế sẽ hiện đầy đủ thông tin của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp đã bị khóa mã số thuế thì hiển thị trạng thái là: “NNT không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”.
Trường hợp doanh nghiệp vẫn đang hoạt động thì hiển thị trạng thái là: “NNT đang hoạt động (đã được cấp GCN ĐKT)”.
2. Khi nào doanh nghiệp bị đóng mã số thuế?
Căn cứ Điều 39 Luật quản lý thuế quy định các trường hợp doanh nghiệp bị đóng mã số thuế gồm có:
(1) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi:
– Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản.
– Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.
– Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
(2) Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi:
– Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh.
– Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.
– Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương.
– Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
– Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng.
– Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
– Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí.
3. Hồ sơ, thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
– Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế (theo mẫu số 24/ĐK-TCT).
– Quyết định giải thể, bản sao quyết định chia, bản sao hợp đồng hợp nhất, bản sao hợp đồng sáp nhập, bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, bản sao thông báo chấm dứt hoạt động, bản sao quyết định chuyển đổi (bản sao).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Thời hạn là trong vòng 10 ngày tính từ ngày có văn bản chấm dứt hoạt động kinh doanh.
– Nếu như hồ sơ đăng ký thuế điện tử thì người nộp thuế sẽ truy cập vào Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn để khai tờ khai và gửi kèm các hồ sơ theo quy định dưới dạng điện tử (nếu có), ký điện tử và gửi cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ:
– Trường hợp người nộp thuế nộp trực tiếp tại cơ quan thuế: khi nhận được hồ sơ, công chức thuế sẽ tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận vào hồ sơ. Sau đó ghi rõ ngày nhận hồ sơ, số lượng tài liệu theo bảng kê danh mục hồ sơ, viết phiếu hẹn ngày trả kết quả, thời hạn xử lý hồ sơ đã tiếp nhận.
– Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu chính: khi nhận được, công chức thuế đóng dấu tiếp nhận, ghi ngày nhận hồ sơ vào hồ sơ và ghi số văn thư của cơ quan thuế.
– Trường hợp hồ sơ gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: cán bộ sẽ tiếp nhận sau đó thực hiện kiểm tra, giải quyết hồ sơ thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan thuế.
Bước 4: Giải quyết:
– Cơ quan thuế quản lý trực tiếp ban hành thông báo về việc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để nộp hồ sơ giải thể hoặc chấm dứt hoạt động đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Cơ quan thuế quản lý khoản thu thực hiện:
+ Thực hiện phối hợp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để quyết toán nghĩa vụ của người nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý khoản thu, xử lý bù trừ nghĩa vụ thuế hoặc hoàn trả theo quy định của pháp luật.
+ Thực hiện thủ tục bù trừ hoặc hoàn trả kiêm bù trừ đối với các nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định.
+ Đối với người nộp thuế đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với khoản thu thuộc cơ quan quản lý thì thực hiện cập nhật thông tin của họ vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất vào đầu giờ ngày làm việc tiếp theo ngày người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý khoản thu.
4. Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế có khôi phục lại được không?
Căn cứ Điều 40 Luật quản lý thuế quy định người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh nếu được khôi phục tình trạng pháp lý thì sẽ được đồng thời khôi phục mã số thuế.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp sau khi bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế sau khi chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nếu được khôi phục lại thì đồng thời sẽ được khôi phục mã số thuế. Cụ thể:
– Có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương của cơ quan có thẩm quyền.
– Doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục thực hiện đăng ký kinh doanh sau khi đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế chưa ban hành thông báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
– Có văn bản thông báo hộ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng chưa bị thu hồi giấy phép và chưa bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Và để khôi phục lại được mã số thuế sau khi bị chấm dứt hiệu lực, doanh nghiệp làm hồ sơ gửi đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp gồm:
– Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế.
– Các giấy tờ khác có liên quan đến việc yêu cầu khôi phục lại mã số thuế.
Lưu ý: Khi doanh nghiệp được khôi phục mã số thuế thì vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày quyết định khôi phục tình trạng pháp lý của cơ quan đăng ký kinh doanh có hiệu lực hoặc ngày cơ quan thuế thông báo khôi phục mã số thuế.
5. Nghĩa vụ của doanh nghiệp phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế:
– Phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn nếu có sử dụng hóa đơn.
– Đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế: hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định với cơ quan quản lý thuế.
– Đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai: hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế.
Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: