Các vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Các thông tin trên sổ đỏ. Cách đọc các ký hiệu trên sổ đỏ? Ý nghĩa các con số trên sổ đỏ?
Đất đai là một trong những lĩnh vực quan trọng, gắn liền với thực tiễn của cuộc sống và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho người dân bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Bài viết dưới đây sẽ phân tích về cách đọc các ký hiệu trên sổ đỏ và ý nghĩa của con số trên sổ đỏ.
Mục lục bài viết
1. Các vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ):
– Sổ đỏ là Giấy chứng nhận có bìa màu đỏ; Sổ hồng gồm 02 loại: Sổ hồng theo mẫu cũ (được cấp trước ngày 10/12/2009) và Sổ hồng mới có màu hồng cánh sen .
– Sổ đỏ là giấy tờ pháp lý mà Nhà nước cấp cho người sử dụng đất. Đây là căn cứ pháp lý xác nhận sự công nhận quyền sử dụng đất của người dân.
– Sổ đỏ là giấy tờ xác định quyền sử dụng đất của người dân. Nó là sự công nhận của Nhà nước đối với việc sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Do đó, có thể khẳng định, sổ đỏ có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, đây cũng được xem là một trong những cách thức quản lý đất đai của Nhà nước.
– Trên sổ đỏ sẽ thể hiện những thông tin liên quan đến đất đai, bao gồm diện tích đất, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng, người sử dụng đất. Đồng thời, trên sổ đỏ còn có những ký hiệu.
2. Các thông tin trên sổ đỏ:
Sổ đỏ gồm có 4 trang. Ở mỗi trang sẽ thể hiện những thông tin cụ thể nhất định như sau:
– Trang 1: Trang đầu tiên của sổ đỏ thể hiện những thông tin như sau: Thông tin của người sử dụng đất. Tức tại trang đầu tên, người ta có thể xem, đọc được thông tin là đất cấp cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức nào.
– Trang 2: Trang thứ hai của sổ đỏ thể hiện rõ những thông tin chi tiết về thửa đất. Bao gồm:
+ Địa chỉ của thửa đất.
+ Phần diện tích được công nhận, phần diện tích không được công nhận (thường là đất do lấn chiếm). Hoặc là diện tích đất lưu không.
+ Phần diện tích sử dụng chung hoặc ngõ đi chung (nếu có).
+ Kích thước từng cạnh dựa vào bản vẽ hiện trạng trên sổ. Được ghi trực tiếp trên các cạnh, hoặc có thể căn cứ vào khoảng cách giữa các điểm.
+ Mục đích sử dụng là đất thổ cư, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp,..
+ Thời hạn sử dụng đất. Tại trang này, sổ đỏ sẽ thể hiện rõ xem thời hạn có hiệu lực của sổ đỏ là bao lâu ( hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn tới năm bao nhiêu).
+ Hướng thửa đất: Mũi tên chỉ theo hướng Bắc và bên phải là hướng Đông, trái là hướng Tây.
+ Tài sản gắn liền với đất: Nhà cửa, đất đai,…
Nếu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, thì trên sổ đỏ cũng có thể cập nhật những thông tin của nhà ở như sau: Địa chỉ của nhà ở; Diện tích xây dựng là diện tích nhà được xây dựng ở trên thửa đất; Diện tích sàn là diện tích mặt bằng được xây dựng. (Nếu xây đủ thì tính bằng diện tích xây dựng x số tầng); Kết cấu nhà ở (Nhà ở được xây dựng lên bằng thể loại nguyên vật liệu gì: Gỗ, gạch,…); Số tầng; Cấp (hạng) của nhà ở: cấp 2, cấp 3, cấp 4; Bản vẽ căn nhà.
+ Số thửa đất và số tờ bản đồ.
+ Nguồn gốc sử dụng đất: Với đất ở thì trên sổ đỏ sẽ ghi nhà nước công nhận về quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất. Với đất trồng cây hàng năm thì trên sổ đỏ sẽ ghi thông tin công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất.
– Trang 3, 4: Trang thứ ba, thứ tư của sổ đỏ sẽ thể hiện những thông tin khác liên quan đến thửa đất như:
+ Thông tin quy hoạch ở phần ghi chú của sổ đỏ. Thông tin quy hoạch bao gồm cả việc khi bị thu hồi có được đền bù không.
+ Phần diện tích nằm trong quy hoạch căn cứ dựa vào hình sơ đồ thửa đất.
+ Thông tin quy hoạch bằng cách căn cứ vào tọa độ, cũng như sử dụng phần mềm.
+ Thông tin biến động đất đai. Thông tin biến động đất đai thường được cập nhật ở mục Phần IV. Nếu chưa ghi chép gì tức là chưa có biến động và chưa từng chuyển nhượng cho ai. Tính từ thời điểm được cấp sổ gần nhất.
+ Thông tin bị hạn chế quyền: Qua các thông tin trên sổ, cá nhân có thể tìm hiểu về những quyền bị hạn chế liên quan đến đất. Đồng thời, dựa vào sổ đỏ, người ta còn có thể xác định xem sổ có bị nợ nghĩa vụ tài chính hay không. Sổ nợ nghĩa vụ tài chính không sang nhượng được hoặc là không thể vay thế chấp ngân hàng.
+ Cơ quan cấp giấy chứng nhận. Trên sổ đỏ cũng thể hiện tên cơ quan cấp giấy chứng nhận (cấp sổ đỏ). Theo đó, cơ quan cấp giấy chứng nhận có thể là văn phòng đăng ký đất đai quận huyện hay sở tài nguyên môi trường hoặc có thể là Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
+ Tại trang này còn có phần ghi chú. Nội dung phần ghi chú thường được ghi chuyển nhượng từ giấy chứng nhận nào, thời gian nhận chuyển nhượng, cơ quan thẩm quyền nào cấp
+ Những thay đổi sau khi cấp GCN được ghi ở phần IV như sau: Ghi thông tin về thay đổi chủ sở hữu; Ghi thông tin về thay đổi mục đích sử dụng đất; Ghi thông tin về tình trạng nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả việc nợ thuế; Ghi thông tin đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Ghi thông tin về tình trạng thế chấp làm tài sản đảm bảo.
+ Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm: Dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; Số hiệu của thửa đất; Số phát hành của Giấy chứng nhận; Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Cách đọc các ký hiệu trên sổ đỏ?
Trên sổ đỏ với từng loại đất khác nhau sẽ có những ký hiệu khác nhau. Cách đọc các ký hiệu trên sổ đỏ như sau:
– Đối với nhóm đất nông nghiệp thì ký hiệu như sau:
+ Đất chuyên trồng lúa nước: LUC
+ Đất trồng lúa nước còn lại: LUK
+ Đất lúa nương: LUN
+ Đất bằng trồng cây hàng năm khác: BHK
+ Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác: NHK
+ Đất trồng cây lâu năm: CLN
+ Đất rừng sản xuất: RSX
+ Đất rừng phòng hộ: RPH
+ Đất rừng đặc dụng: RDD
+ Đất nuôi trồng thủy sản: NTS
+ Đất làm muối: LMU
+ Đất nông nghiệp khác: NKH
– Từng loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp có ký hiệu như sau:
+ Đất ở tại nông thôn: ONT
+ Đất ở tại đô thị: ODT
+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan: TSC
+ Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp: DTS
+ Đất xây dựng cơ sở văn hóa: DVH
+ Đất xây dựng cơ sở y tế: DYT
+ Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo: DGD
+ Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao: DTT
+ Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ: DKH
+ Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội: DXH
+ Đất xây dựng cơ sở ngoại giao: DNG
+ Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác: DSK
+ Đất quốc phòng: CQP
+ Đất an ninh: CAN
+ Đất khu công nghiệp: SKK
+ Đất khu chế xuất: SKT
+ Đất cụm công nghiệp: SKN
+ Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: SKC
+ Đất thương mại, dịch vụ: TMD
+ Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản: SKS
+ Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm: SKX
+ Đất giao thông: DGT
+ Đất thủy lợi: DTL
+ Đất công trình năng lượng: DNL
+ Đất công trình bưu chính, viễn thông: DBV
+ Đất sinh hoạt cộng đồng: DSH
+ Đất khu vui chơi, giải trí công cộng: DKV
+ Đất chợ: DCH
+ Đất có di tích lịch sử – văn hóa: DDT
+ Đất danh lam thắng cảnh: DDL
+ Đất bãi thải, xử lý chất thải: DRA
+ Đất công trình công cộng khác: DCK
+ Đất cơ sở tôn giáo: TON
+ Đất cơ sở tín ngưỡng: TIN
+ Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: NTD
+ Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối: SON
+ Đất có mặt nước chuyên dùng: MNC
+ Đất phi nông nghiệp khác: PNK
4. Ý nghĩa các con số trên sổ đỏ?
Các con số trên sổ đỏ là những số liệu để cơ quan chức năng và người dân nhìn vào, xác nhận từng loại đất, mục đích sử dụng đất. Thực chất, nó là thông tin được thể hiện trên sổ đỏ; là những thành tố quan trọng tạo nên giá trị của sổ đỏ. Như đã phân tích ở trên, sổ đỏ là căn cứ pháp lý, thể hiện sự công nhận của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của người dân. Vậy nên, những con số, ký hiệu được thể hiện trên đỏ có ý nghĩa làm rõ thông tin của sổ đỏ. Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn phát sinh, sổ đỏ và những thông tin trên đó sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng có thẩm quyền căn cứ vào để xem xét và giải quyết vụ việc.