Nhận thức về tầm quan trọng của thanh tra chuyên ngành xây dựng? Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với thanh tra xây dựng? Sự hoàn thiện của pháp luật về hoạt động thanh tra xây dựng? Tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và nhân sự thanh tra chuyên ngành xây dựng?
Mục lục bài viết
- 1 1. Nhận thức về tầm quan trọng của thanh tra chuyên ngành xây dựng:
- 2 2. Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với thanh tra xây dựng:
- 3 3. Sự hoàn thiện của pháp luật về hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng:
- 4 4. Tổ chức bộ máy và nhân sự thanh tra chuyên ngành xây dựng:
- 5 5. Cơ sở vật chất, tài chính cho thanh tra chuyên ngành xây dựng:
1. Nhận thức về tầm quan trọng của thanh tra chuyên ngành xây dựng:
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước bao gồm nhiều nội dung như đề ra chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật, quyết định quản lý để tạo công cụ pháp lý cho hoạt động và giới hạn cho hành vi của đối tượng quản lý. Thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là một giai đoạn trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước.
Trong quá trình hoạt động, công việc của thanh tra không phải chỉ là “vạch lá tìm sâu”, chỉ nhằm vào mục đích tìm chỗ sai của đối tượng thanh tra. Nhận thức như vậy là rất phiến diện. Thanh tra nói chung trong quản lý hành chính nhà nước, một mặt là công cụ đánh giá thành công và hạn chế trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của nhà nước, mặt khác thanh tra là phương tiện phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm này sinh trong quản lý nhà nước, là phương thức đảm bảo trật tự, kỷ cương trong quản lý, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, việc phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi sai phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức là đối tượng bị quản lý góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương pháp luật trong hoạt động quản lý chỉ là một phần thứ yếu so với tổng thể nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Đối với ngành Xây dựng là một trong những ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong những năm qua, thành tựu mà ngành Xây dựng mang lại đã góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì sự vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng xảy ra ngày càng nhiều, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước. Qua công tác thanh tra đã phát hiện rất nhiều sai phạm trong hoạt động xây dựng, những bất cập của cơ chế chính sách không phù hợp với thực tế...
Nếu không có hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên thì sẽ không thể biết lúc nào sai phạm sẽ xảy ra và xảy ra phổ biến ở khâu nào trong quá trình xây dựng. Hiện nay, các vị phạm trong lĩnh vực xây dựng như xây dựng sai quy hoạch, thay đổi công năng sử dụng, áp sai đơn giá vật tư, thay đổi chủng loại vật tư, thiết bị, thanh toán khống, vi phạm về điều kiện bàn giao công trình ... diễn ra ngày càng phổ biến song năng lực của thanh tra còn hạn chế do phát triển nhân lực và đầu tư các phương tiện, ngân sách còn thiếu. Đặc biệt là sự nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động thanh tra chuyên ngành Xây dựng và cách nhìn nhận chung của xã hội đối với hoạt động này vẫn chưa thoát khỏi những định kiến sai lệch.
2. Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với thanh tra xây dựng:
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thể hiện cụ thể tại Điều 4 của Hiến pháp năm 2013, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo chính trị của Đảng được thể hiện thông qua quyền quyết định và quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối chính trị. Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, đối với hệ thống chính trị là yếu tố hàng đầu đảm bảo cho thắng lợi của công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đối với hoạt động quản lý nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng mang tính chính trị, định hướng để các cơ quan quản lý nhà nước chủ động sáng tạo bằng công cụ, phương pháp và hình thức cụ thể triển khai các hoạt động quản lý của mình. Những chủ trương, định hướng của Đảng ban hành có tác động sâu rộng, trực tiếp đến việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, tổ chức.
Thanh tra chuyên ngành Xây dựng đương nhiên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở tầm bao quát là các chủ trương, chính sách đối với thanh tra nói chung, thanh tra chuyên ngành nói riêng trong đó có Thanh tra chuyên ngành Xây dựng. Trong 70 năm qua, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Thanh tra được thể hiện rất nhiều trong các Chỉ thị, Nghị quyết, Cương lĩnh của Đảng, trong Luật Thanh tra đến việc tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra, sắp xếp, giới thiệu nhân lực trong cơ quan thanh tra, việc thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật về thanh tra. Đảng lãnh đạo việc thực hiện công tác thanh tra từ khâu khảo sát, lập kế hoạch thanh tra đến việc tiến hành thanh tra và các hoạt động xuyên suốt quá trình cuộc thanh tra chuyên ngành.
Như vậy, hoạt động của Thanh tra chuyên ngành Xây dựng có hiệu lực, hiệu quả như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Tổ chức Đảng tại cơ quan thanh tra như thế nào thì hoạt động thanh tra trên thực tế cũng sẽ tương ứng như vậy.
3. Sự hoàn thiện của pháp luật về hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng:
Sự hoàn thiện của thể chế có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra chuyên ngành nói riêng. Nghị quyết số 48–NQTW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ:
Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm mọi hoạt động quản lý nhà nước đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ, đồng thời khắc phục tình trạng công tác thanh tra, kiểm tra gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động của các cơ quan hành chính và doanh nghiệp.
Như vậy, hệ thống pháp luật là hành lang pháp lý, là cơ sở để các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Cho đến nay, vấn đề hoạt động của Thanh tra nói chung cũng như Thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng vẫn còn là vấn đề còn nhiều tranh luận, một trong những lý do của tình trạng này là thể chế pháp lý về nó chưa đầy đủ, đồng bộ và có tính đồng thuận cao. Thanh tra chuyên ngành hiện vẫn là một trong những vấn đề mà Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu. Để hoàn thiện thể chế về hoạt động thanh tra chuyên ngành nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng hiện nay một số nội dung đang được chú ý, đó là:
Thứ nhất, cần đảm bảo tính khách quan trong xây dựng pháp luật về thanh tra chuyên ngành. Vì pháp luật là sự phản ánh của đời sống xã hội, gắn liền với sự phát triển của xã hội do đó khi xây dựng pháp luật nói chung hay pháp luật chuyên ngành nói riêng cần căn cứ vào nhu cầu và điều kiện khách quan của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đối với ngành, lĩnh vực cụ thể. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, trưng cầu ý kiến đóng góp của các tầng lớp trong xã hội; có sự dự báo cần thiết cho xu hướng phát triển và cần phải thu hút sự tham gia đông đảo các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là các chuyên gia pháp lý.
Thứ hai, cần đảm bảo tính dân chủ trong xây dựng pháp luật chuyên ngành cũng như thực thi trong cuộc sống. Dân chủ, công bằng cũng là cái đích mà xã hội chúng ta đang phấn đấu. Dân chủ trong xây dựng pháp luật tức là phải thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân lao động và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật đặc biệt là trong việc tham gia, thảo luận, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, hoàn thiện của thể chế phải đảm bảo sự thống nhất từ Hiến pháp đến luật và các văn bản dưới luật theo thứ bậc, trật tự của hệ thống văn bản và văn bản cấp độ thấp hơn được ban hành nhằm thực hiện văn bản ở cấp độ cao hơn. Việc xây dựng và ban hành phải đúng thẩm quyền, phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Thứ tư, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng, đây có thể nói là một yêu cầu rất quan trọng thể hiện đầy đủ tính hợp pháp và hợp lý trong một văn bản. Văn bản có tính khả thi cao là khi các quy định của văn bản đó không chỉ có tính cưỡng chế đối với đối tượng chịu sự tác động và nhận thấy rằng sự cưỡng chế đó là hợp lý, “hợp lòng dân” và vì lợi ích chung mà pháp luật cần có để tạo ra các chuẩn mực chung áp dụng cho mọi người.
Thứ năm, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần chú trọng việc nghiên cứu kinh nghiệm thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành các nước được tổ chức như thế nào, các mặt ưu điểm và nhược điểm. Từ đó, rút ra các kết luận cần thiết để xây dựng mô hình tổ chức và thực hiện tốt các hoạt động thanh tra chuyên ngành nước ta.
4. Tổ chức bộ máy và nhân sự thanh tra chuyên ngành xây dựng:
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” “Là nhân tố quyết định sự thành bại của Cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và của chế độ”. Công việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Hiện nay, ngành thanh tra có đội ngũ cán bộ đông đảo từ trung ương đến địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Hiệu lực, hiệu quả của Thanh tra nói chung cũng như Thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Vì vậy, có thể nói, phẩm chất, kỹ năng công tác của người cán bộ thanh tra là yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.
Công tác thanh tra có tầm quan trọng đặc biệt, do đó, việc lựa chọn ai làm công tác thanh tra là một vấn đề quan trọng, nó sẽ quyết định đến hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra. “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” đây là quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn rất sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vị trí và vai trò đặc biệt của thanh tra trong hoạt động của nhà nước và đời sống xã hội. Nếu tách rời thanh tra, kiểm tra khỏi quản lý nhà nước, quản lý xã hội thì khác nào tách rời cái tai, cái mắt khỏi cơ thể con người; tách rời phương tiện nhận thức và phát triển trí tuệ của con người ra khỏi con người.
Tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn quốc (05/3/1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “có thể nói, cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng và Chính phủ, tại có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Để làm được tại mắt cho Đảng, cho Chính phủ, cán bộ thanh tra phải là những người thực sự có năng lực, kinh nghiệm và uy tín, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ thanh tra, nắm vững nghiệp vụ thuộc ngành, nghề của cơ quan, đơn vị đang làm việc; đồng thời phải hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xã hội, am hiểu luật pháp, giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách minh bạch, công tâm theo đúng pháp luật và không trái với tập quán, đạo lý truyền thống của dân tộc. Có như vậy thì mới làm cho đối tượng thanh tra “tâm phục khẩu phục” và hoàn thành công việc được giao.
Cán bộ thanh tra luôn là những người có chức vụ, quyền hạn, vì vậy rất dễ nảy sinh tình trạng quan liêu, lạm dụng chức vụ quyền hạn, tham nhũng trong khi thực thi công vụ. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi người cán bộ thanh tra nhất thiết phải coi trọng và ứng xử theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mình. Trong thực hiện nhiệm vụ, nếu người cán bộ thanh tra dễ dàng bỏ qua thậm chí ứng xử trái với những tiêu chuẩn, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì bên cạnh việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ thanh tra, làm giảm hiệu lực của thanh tra còn có thể dẫn đến tình trạng xuề xoa, dễ dãi trong xem xét, đánh giá, kết luận, thậm chí không dám nhắc nhở, phê bình, yêu cầu chấn chỉnh những biểu hiện sai trái vì chính bản thân mình cũng là người vi phạm...
Trong thực tiễn chúng ta thường nghe nói về rất nhiều loại kỹ năng của người cán bộ thanh tra. Ví dụ như kỹ năng phân tích, tổng hợp, tổ chức công việc, kỹ năng xử lý tình huống ... hoặc cụ thể hơn như kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng xây dựng kế hoạch thanh tra … Tựu chung lại thì các kỹ năng của người cán bộ thanh tra không tự nhiên mà có. Mỗi người cán bộ thanh tra lại không dễ để có thể hội tụ đầy đủ những phẩm chất, kỹ năng đó. Vì vậy, việc không ngừng trau dồi kinh nghiệm và ý chí học tập suốt đời của người cán bộ thanh tra rất có ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc được giao.
Từ những nhận định nêu trên cho thấy hiệu quả tốt hay xấu của công tác thanh tra chuyên ngành Xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố quan trọng là con người và để nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra thì thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những định hướng cho vấn đề nhân sự như việc xem xét bổ nhiệm, tuyển chọn, bố trí, đánh giá, xây dựng chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành.
5. Cơ sở vật chất, tài chính cho thanh tra chuyên ngành xây dựng:
Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ thanh tra chuyên ngành có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của cán bộ, công chức thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao.
Đối với công tác thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng xây dựng thì cơ sở vật chất phục vụ thanh tra là điều kiện rất cần thiết đối với lực lượng thanh tra như: trụ sở làm việc, các phương tiện kỹ thuật, máy vi tính, máy ảnh, máy quay camera, trang phục, biển hiệu ... có ảnh hưởng nhất định đến việc nâng cao chất lượng của công tác thanh tra. Điều kiện vật chất được trang bị đầy đủ sẽ góp phần thể hiện sự trang nghiêm của cơ quan công quyền, đội ngũ thanh tra có đủ phương tiện làm việc sẽ đảm bảo tính chủ động, nâng cao chất lượng thanh tra, họ sẽ chuyên tâm vào công việc mà không bị chi phối về điều kiện làm việc, phương tiện làm việc.
Một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thanh tra chuyên ngành là chế độ đãi ngộ. Tài chính công cho công tác thanh tra chuyên ngành tốt sẽ kích thích cán bộ thanh tra hăng hái làm việc, yên tâm công tác; chống lại sự tha hóa, biến chất, mua chuộc. Ngược lại, nếu tài chính công không tốt, cơ sở vật chất không hợp lý sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lơ là công việc, trì trệ, không phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Có thể nói, cơ sở vật chất và tài chính công cho công tác thanh tra chuyên ngành Xây dựng chính là động lực thúc đẩy cán bộ thanh tra chuyên ngành Xây dựng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bằng phương pháp phân tích, so sánh nhằm làm rõ một số vấn đề về thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành Xây dựng nói riêng, qua đó đã làm rõ đặc điểm về tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng. Tổ chức và hoạt động thanh tra xây dựng luôn gắn liền về chủ thể quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, trên cơ sở các quy định pháp luật nhằm bảo đảm cho bộ máy thanh tra xây dựng hoạt động hiệu quả. Hoạt động thanh tra xây dựng là cách thức thể hiện vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra xây dựng.
Hoạt động thanh tra xây dựng bao gồm: Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra; quyết định việc thanh tra; tiến hành thanh tra trên thực tế, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra và xử lý kết luận thanh tra... Hoạt động thanh tra xây dựng tiến hành trên cơ sở hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Hoạt động của cơ quan thanh tra xây dựng được thể hiện thông qua chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền thanh tra xây dựng luôn gắn với thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với thẩm quyền này nhằm phân cấp việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của chủ thể quản lý.