Hiện nay có 8 ủy ban được thành lập trên cơ sở các Công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc. Bài viết sau của Luật Dương Gia giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về các Ủy ban liên quan tới nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Mục lục bài viết
1. Khái quát các Ủy ban liên quan tới nhân quyền của Liên hợp quốc:
Liên hợp quốc có rất nhiều Công ước quốc tế về quyền con người được ký kết, ngoài việc xác định nghĩa vụ cho quốc gia trong việc bảo vệ và phát triển quyền con người, một số Công ước còn thành lập các ủy ban (thường được gọi là ủy ban công ước) để giúp cộng đồng quốc tế thực hiện sự kiểm soát cần thiết đối với việc thực thi nghĩa vụ thành viên của mỗi quốc gia. Hiện nay có 8 ủy ban được thành lập trên cơ sở các Công ước quốc tế về quyền con người:
– Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966
– Ủy ban quyền con người: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 và các Nghị định thư bổ sung Công ước
– Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 và các Nghị định thư bổ sung Công ước
– Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965
– Ủy ban chống tra tấn: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác,vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1984
– Ủy ban về quyền của trẻ em: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của trẻ em năm 1989 và các Nghị định thư bổ sung Công ước
– Ủy ban về người lao động di trú: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990
– Ủy ban về quyền của người khuyết tật: Giám sát việc thực hiện Công ước quốc tế và quyền của người khuyết tật năm 2006.
2. Các Ủy ban liên quan tới nhân quyền của Liên hợp quốc:
2.1. Ủy ban quyền con người (CCPR):
Điều 28 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị đã nêu: Uỷ ban quyền con người gồm 18 thành viên và các thành viên Uỷ ban là công dân của các quốc gia thành viên Công ước này và phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, được thừa nhận là có năng lực trong lĩnh vực về quyền con người, có xem xét tới lợi ích từ việc tham gia của những người có kinh nghiệm pháp lý. Các thành viên của Uỷ ban sẽ được bầu ra để làm việc với tư cách cá nhân.
Uỷ ban sẽ đặt ra quy tắc về thủ tục của mình; những quy tắc này, không kể những nội dung khác, phải gồm những quy định sau:
– Số đại biểu cần thiết cho mỗi phiên họp là 12 thành viên
– Quyết định của Uỷ ban phải được thông qua với đa số phiếu của các thành viên có mặt.
Những quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ đệ trình báo cáo về những biện pháp mà mình đã thông qua để thực hiện các quyền được ghi nhận trong Công ước. Tất cả các báo cáo sẽ được đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để chuyển cho Ủy ban xem xét. Các báo cáo phải nêu rõ những yếu tố và khó khăn, nếu có, ảnh hưởng tới việc thực hiện Công ước. Sau khi tham khảo ý kiến của Uỷ ban, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có thể gửi cho các tổ chức chuyên môn liên quan bản sao các phần của các báo cáo liên quan tới những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của các tổ chức đó.
Uỷ ban sẽ nghiên cứu những báo cáo do các quốc gia thành viên Công ước trình lên. Uỷ ban sẽ gửi cho các quốc gia thành viên báo cáo của mình và những bình luận chung nếu xét thấy thích hợp. Uỷ ban cũng có thể chuyển cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội những bình luận này kèm theo bản sao các báo cáo mà Uỷ ban nhận được từ các quốc gia thành viên Công ước.
2.2. Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (CESCR):
Đây là một công ước quốc tế được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966, có hiệu lực từ ngày 03 tháng 01 năm 1976. Các quốc gia tham gia Công ước phải cam kết trao các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho các cá nhân, bao gồm quyền công đoàn và quyền chăm sóc sức khỏe, quyền giáo dục, và quyền được đảm bảo mức sống phù hợp. Tới ngày 15 tháng 12 năm 2008, đã có 160 quốc gia tham gia và 69 nước đã ký. Thêm 6 nước khác đã ký nhưng chưa thông qua Công ước: Belize, Comoros, Cuba, São Tomé và Príncipe, Nam Phi, và Hoa Kỳ.
Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa là một phần của Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế, cùng với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (gồm hai Nghị định thư tùy chọn thứ nhất và thứ hai). Công ước được đặt dưới sự giám sát của Ủy ban các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
2.3. Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD):
Đây là một văn kiện nhân quyền thế hệ thứ ba, Công ước cam kết các thành viên của mình để xóa bỏ phân biệt đối xử về chủng tộc và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các chủng tộc. Công ước cũng yêu cầu các quốc gia thành viên cấm phát biểu thù hận và hình sự hóa việc tham gia các tổ chức phân biệt chủng tộc. Công ước cũng bao gồm một cơ chế khiếu nại cá nhân, qua đó thực thi công ước với các quốc gia thành viên. Cơ chế khiếu nại cá nhân này cũng đã đưa ra một số phán quyết hỗ trợ cho việc giải thích và thực hiện Công ước.
Công ước được thông qua và mở lấy chữ ký tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21 Tháng 12 năm 1965, và có hiệu lực từ ngày 04 Tháng 1 năm 1969. Tính đến tháng 9 năm 2019, Công ước có 181 quốc gia thành viên và 4 quốc gia ký kết nhưng chưa phê chuẩn. Công ước này được giám sát bởi Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD).
Điều 8 Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) quy định: “Sẽ thành lập một Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc (sau đây gọi tắt là Ủy ban) gồm 18 chuyên gia có đạo đức tốt và được công nhận là công bằng, vô tư, do các Quốc gia thành viên bầu ra một cách độc lập từ các công dân của các Quốc gia thành viên, có cân nhắc đến sự sắp xếp cân bằng về mặt địa lý và tính đại diện của những nền văn minh khác nhau cũng như những hệ thống luật pháp chủ yếu.”
2.4. Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW):
Giám sát Công ước này là nhiệm vụ của Ủy ban phụ trách việc loại bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, gồm 23 chuyên gia về các vấn đề phụ nữ thuộc nhiều nước thành viên khác nhau của Liên Hiệp Quốc. Ủy ban họp mỗi năm 2 lần để xem xét các báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Công ước mà các nước ký kết phải nộp mỗi 4 năm. Ủy ban này là một trong 10 Ủy ban của các hiệp ước liên quan tới nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Những Ủy viên của Ủy ban được mô tả như “những chuyên gia đạo đức cao và có thẩm quyền trong lĩnh vực đề cập trong Công ước”, được bầu chọn cho một nhiệm kỳ 4 năm trong các cuộc bầu cử được tổ chức xen kẽ mỗi 2 năm. Các người đứng đầu ủy ban là một chủ tịch, 3 phó chủ tịch, và một báo cáo viên. Có những cố gắng để đảm bảo sự cân bằng đại diện theo địa lý và sự bao gồm các hình thức khác nhau về nền văn minh và các hệ thống pháp luật của thế giới.
2.5. Ủy ban chống tra tấn (CAT):
Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc tên đầy đủ là Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác là một trong Các văn kiện nhân quyền quốc tế và khu vực, dưới sự duyệt xét lại của Liên Hiệp Quốc, nhằm mục đích phòng chống tra tấn trên toàn thế giới.
Công ước đòi các nước phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn trong nước mình, và nghiêm cấm các nước trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn. Bản văn Công ước đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận ngày 10.12.1984 và, tiếp sau sự phê chuẩn của nước ký kết thứ 20, thì Công ước đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26.6.1987. Ngày 26 tháng 6 nay được công nhận là ngày quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn để vinh danh Công ước này. Đến tháng 9 năm 2010, Công ước đã có 147 bên ký kết.
Uỷ ban chống Tra tấn là một cơ quan gồm các chuyên gia về nhân quyền, theo dõi việc thi hành Công ước của các bên nhà nước ký kết. Ủy ban này là một trong 8 cơ quan liên kết về hiệp ước nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tất cả các bên nhà nước ký kết có nghĩa vụ phải nộp báo cáo thường xuyên cho Ủy ban chống Tra tấn về cách thức bảo vệ nhân quyền được thi hành như thế nào. Khi phê chuẩn Công ước, các nước phải nộp một báo cáo trong vòng một năm, sau đó họ có nghĩa vụ báo cáo mỗi 4 năm. Ủy ban kiểm tra từng báo cáo và đưa ra các quan tâm và khuyến nghị của mình cho bên nhà nước ký kết dưới hình thức các “quan sát kết luận”. Trong một số trường hợp, Ủy ban có thể xem xét các khiếu nại, khiếu tố hoặc các thông tin từ các cá nhân cho rằng các quyền của họ theo Công ước đã bị vi phạm. Ủy ban chống Tra tấn thường họp vào tháng 4, tháng 5 và tháng 11 hàng năm tại Geneve.
3. Chức năng giám sát của Ủy ban liên quan tới nhân quyền của Liên hợp quốc:
Nhiệm vụ của Ủy ban là giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước của các quốc gia thành viên. Khi thực hiện các chức năng giám sát của mình, Ủy ban có bốn trách nhiệm chính.
– Đầu tiên, Ủy ban nhận và xem xét các báo cáo từ các quốc gia thành viên về các bước họ đã thực hiện để đảm bảo các quyền được nêu trong Công ước.
– Thứ hai, Ủy ban xây dựng các Bình luận chung, cung cấp chi tiết hơn về nghĩa vụ thực chất và yêu cầu đối với các quốc gia thành viên.
– Thứ ba, Ủy ban tiếp nhận và xem xét các khiếu nại cá nhân đối với quốc gia thành viên vi phạm các quyền theo Công ước, theo quy định của Nghị định thư không bắt buộc của Công ước.
– Thứ tư, Ủy ban có thẩm quyền xem xét một số khiếu nại nhất định của một quốc gia thành viên rằng một quốc gia khác không tuân thủ các nghĩa vụ được thừa nhận theo Công ước.