Các trường hợp xảy ra trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự. Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự tàng trữ ma túy.
Các trường hợp xảy ra trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự. Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự tàng trữ ma túy.
Tóm tắt câu hỏi:
Dear Luật Sư! Cháu xin nhờ Luật Sư tư vấn giúp cháu trường hợp của cháu gấp như sau: Ngày 24/8/2015 cháu bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, cụ thể là heroin có trọng lượng là 0.238g trong đó hàm lượng heroin là 33.33% – khối lượng heroin tinh chất tương ứng là 0.07g. Cháu được đưa ra xét xử ngày 28/1/2016, tại phiên tòa sơ thẩm cháu được tuyên là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên đến nay cháu nhận được lệnh xét xử phúc thẩm tại tòa án thành phố (cháu không kháng cáo). Cháu muốn xin được tư vấn về các khả năng có thể xẩy ra ở phiên xử phúc thẩm lần này. Cháu xin chân thành cảm ơn!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2003, sau khi xét xử vụ án hình sự cấp sơ thẩm, ngoài bạn là bị cáo có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm để tiến hành xét xử phúc thẩm, thì có những người có quyền kháng cáo khác được quy định tại Điều 231 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003 như: người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi íích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ; người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; người được Toà án tuyên bố là không có tội.
Ngoài ra, Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án.
Phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bản án phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình giải quyết vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định sau:
– Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
– Sửa bản án sơ thẩm:
+ Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
+ Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.
– Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại: Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.
– Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án: Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án; nếu có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.