Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 03 (ba) nghị định hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013. Nghị định này có nhiều quy định mới có lợi cho người sử dụng đất. Vậy các trường hợp bị thu hồi đất theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về vấn đề thu hồi đất:
Theo từ điển giải thích thuật ngữ Luật học thì thu hồi đất là quá trình mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi quyền sử dụng đất của người vi phạm quy định về sử dụng đất để nhà nước giao cho người khác sử dụng hoặc trả lại cho chủ sử dụng hợp pháp bị lấn chiếm. Trường hợp thật cần thiết, nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, cách giải thích thuật ngữ nêu trên chưa phân tích rõ ràng về thu hồi đất mặc dù có đề cập đến các trường hợp thu hồi đất nhưng về nội hàm thì vẫn chưa bao quát hết tất cả những trường hợp thu hồi đất của Nhà nước. Khoản 1 Điều 54, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luât”. Nhà nước nắm giữ quyền quyết định về mặt pháp lý đối với đất đai, đây là quyền năng duy nhất và tuyệt đối ngoài nhà nước không chủ thể nào được phép định đoạt. Nếu như giao đất, cho thuê đất là cơ sở để làm phát sinh quan hệ pháp luật đất đai thì thu hồi đất là một biện pháp làm chấm dứt quan hệ pháp luật đất đai bằng quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo khoản 5 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003, thu hồi đất được quy định như sau: “Thu hồi đất là việc nhà nước ra quyết định hành chính để thu hồi lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định của luật này”. Theo giải thích này thì mặc dù Luật Đất đai năm 2003 có sự điều chỉnh và mở rộng nội hàm của vấn đề thu hồi đất nhưng việc giải thích vẫn chưa được rõ ràng bởi nó có thể dẫn đến cách hiểu rằng người sử dụng đất bị thu hồi là tổ chức hay ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong khi theo quy định pháp luật, người sử dụng đất bị thu hồi còn có thể là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và những chủ thể này mới là chủ thể phổ biến nhất trong thực tiễn thu hồi đất của Nhà nước.
Khắc phục hạn chế về cách hiểu thu hồi đất nêu trên tại khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 đã giải thích từ ngữ nhà nước thu hồi đất là: “Nhà nước thu hồi đất là việc nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”.
Qua những phân tích nêu trên, ta có thể đưa ra khái niệm về thu hồi đất như sau: Thu hồi đất là việc nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại đất và quyền sử dụng đất đã giao cho các chủ thể sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Như vậy, xét về mặt hình thức thì thu hồi đất là văn bản hành chính, nhưng xét về mặt nội dung thì đó là việc sử dụng quyền lực Nhà nước để thu lại quyền sử dụng đất đã được giao cho cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước và xã hội.
Mặc dù có những khác biệt nhất định trong cách hiểu về thu hồi đất của Luật đất đai qua các thời kỳ nhưng thu hồi đất có một điểm chung là dẫn đến hậu quả pháp lý là chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc quyền quản lý đất đai của các chủ thể được nhà nước giao đất để quản lý. Thu hồi đất có những đặc điểm sau:
Một là, chủ thể thực hiện hoạt động thu hồi đất luôn là Nhà nước. Với vai trò là chủ thể đại diện sở hữu duy nhất đối với đất đai, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai thông qua hoạt động điều phối đất đai. Thu hồi đất là một trong các hoạt động điều phối đất đai quan trọng để Nhà nước thực hiện quyền quản lý của mình. Mặt khác, hoạt động thu hồi đất phải mang tính mệnh lệnh, quyền uy mà chỉ có Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền của mình mới có đầy đủ quyền hạn để thực hiện được hoạt động này.
Hai là, việc thu hồi đất chỉ có thể được tiến hành trên cơ sở một quyết định hành chính cá biệt có giá trị bắt buộc thi hành. Nếu người sử dụng đất không tự giác thi hành quyết định hành chính này thì có thể bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính dân chủ, khách quan trong hoạt động thu hồi đất, người bị thu hồi đất có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định thu hồi đất hoặc hành vi cưỡng chế đó.
Ba là, đối tượng bị thu hồi là quyền sử dụng đất, có thể là hợp pháp như được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất… hoặc cũng có thể là bất hợp pháp như lấn chiếm đất chưa sử dụng. Hệ quả của thu hồi đất là làm chấm dứt quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi.
Bốn là, chủ thể bị thu hồi có thể là bất kỳ chủ thể sử dụng đất nào có đất thuộc diện bị thu hồi bao gồm: Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.
2. Các trường hợp bị thu hồi đất theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP :
Ngày 06/01/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017 NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các Nghị định sau:
Thứ nhất, thu hồi do nhu cầu Nhà nước. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Nhà nước với tư cách là chủ đầu tư lớn nhất có nhiệm vụ xây dựng các cơ sở kinh tế, hạ tầng xã hội, sử dụng đất vào mục đích công cộng, lợi ích của cộng đồng, bảo vệ chủ quyền quốc gia cùng với các chủ đầu tư khác có nhu cầu sử dụng đất rất lớn. Trong khi đó, những diện tích Nhà nước có nhu cầu sử dụng lại do những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang có quyền sử dụng do được giao đất, thuê đất, do nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, vì lợi ích của xã hội những người đang sử dụng đất phải chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước. Các trường hợp đó là:
– Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh;
– Nhà nước sử dụng đất vào mục đích công cộng, lợi ích quốc gia;
– Nhà nước sử dụng đất vào mục tiêu phát triển kinh tế để xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Thứ hai, thu hồi vì lý do đương nhiên. Các trường hợp này không xuất phát từ nhu cầu của Nhà nước cũng không do việc người sử dụng đất bị mắc lỗi trong quá trình sử dụng mà đơn thuần là các lý do đương nhiên dẫn tới việc Nhà nước thu hồi đất. Đó là các trường hợp:
– Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
– Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
– Đất được nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn sử dụng đất.
Thứ ba, thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai. Trong quá trình sử dụng đất, người sử dụng do vô ý hoặc cố ý vi phạm pháp luật đất đai. Các vi phạm này là nghiêm trọng và dẫn tới hậu quả pháp lý là Nhà nước thu hồi đất với tính cách là một biện pháp chế tài nhằm tước đi quyền sử dụng đất của người vi phạm. Cụ thể như trường hợp, thu hồi đất trong trường hợp người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo khoản 13 Điều 2 nghị định 01/2017/NĐ-CP. Việc thu hồi đất đối với trường hợp này chỉ được thực hiện khi đáp ứng những điều kiện nhất định, đó là người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện nhưng vẫn không tuân thủ chấp hành.
3. Thẩm quyền thu hồi đất theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP:
Thu hồi đất để thực hiện các công trình dự án nhằm mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là một việc làm hết sức quan trọng, do đó cần phải có quy định cụ thể về thẩm quyền thu hồi đất để các cơ quan thực thi pháp luật căn cứ vào đó mà thực hiện. Nhà nước với vai trò là quản lý chung đã tiến hành trao quyền cho các địa phương thực hiện thẩm quyền thu hồi đất. Các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến thẩm quyền thu hồi đất dần phù hợp với điều kiện phát triển chung của đất nước. Theo quy định của Nghị định số 01/2017 NĐ-CP thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất, bên cạnh đó còn cho phép ban quản lý khu kinh tế, khu công nghệ cao được thu hồi đất. Cụ thể là:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
– Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc hia trường hợp trên thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.
4. Trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP:
Thủ tục thu hồi đất là một thủ tục không thể thiếu trong quá trình thực hiện các dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng, và các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất ngày càng được hoàn thiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Nếu không có quy định thì mỗi địa phương thực hiện theo một kiểu khác nhau dẫn đến sẽ không có sự thống nhất chung. Các quy định về trình tự thủ tục thu hồi đất hiện nay tương đối phù hợp với điều kiện phát triển chung của đất nước, người dân cũng đồng tình với quy định này của Nhà nước. Theo quy định của Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 01/2017 NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thì trình tự thủ tục thu hồi đất được thực hiện theo các bước như sau:
– Ủy ban nhân dân có thẩm quyền thu hồi ban hành thông báo thu hồi đất và được gửi đến từng người có đất bị thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất bị thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
– Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ;
– Sau khi quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất bị thu hồi, trong đó phải ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho Chủ đầu tư.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định số 01/2017 NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai;
– Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai ngày 15/5/2014;
– Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất ngày 15/5/2014;
– Nghị định số 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ngày 15/5/2014.