Chiếm đoạt tài sản (xã hội chủ nghĩa hoặc của công dân) được hiểu là cố ý chiếm lấy không hoàn lại một cách trái phép và biến nó thành tài sản của mình hoặc chuyển cho người khác bằng hình thức quy định trong luật và có tính chất vụ lợi.
Mục lục bài viết
1. Đặc điểm pháp lý của các tội xâm phạm sở hữu trong BLHS 2015:
Trong BLHS hiện hành, tội phạm xâm phạm sở hữu được quy định tại Chương XVI gồm 13 tội danh từ Điều 168 đến Điều 180 Bộ luật Hình sự. Đối với tội xâm phạm sở hữu do người dưới 18 tuổi thực hiện thì có những đặc điểm như sau.
Thứ nhất, chủ thể của các tội xâm phạm sở hữu là người dưới 18 tuổi thực hiện. Theo quy định của điều 12 và điều 90 BLHS 2015, người dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định là những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Như vậy, với những người chưa đủ 14 tuổi không thuộc trường hợp phải chịu TNHS cho mọi loại tội.
Mặt dù các chủ thể thực hiện tội phạm là người dưới 18 tuổi, tuy nhiên cũng có sự phân hóa về trách nhiệm hình sự với hai nhóm tuổi: nhóm người từ đủ 16 tuổi trở lên và nhóm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Căn cứ vào điều 12 thì với người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm xâm phạm sở hữu, tức là với 12 tội xâm phạm sở hữu được quy định trong chương XVI BLHS 2015 thì khi có hành vi phạm tội người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì tùy từng trường hợp mới phải chịu TNHS đối hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền sở hữu. Người từ đủ 14 tuổi đến đến dưới 16 tuổi có năng lực TNHS là chủ thể của các tội phạm sau đây: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); các tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đây: Tội cưỡng đoạt tài sản (các khoản 2,3,4 Điều 170); tội cướp giật tài sản (các khoản 2,3,4 Điều 171); Tội trộm cắp tài sản (các khoản 3,4 Điều 173); tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (các khoản 3,4 Điều 178).
Thứ hai, hành vi khách quan của các tội xâm phạm sở hữu tuy khác nhau về hình thức thể hiện nhưng đều có cùng tính chất gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu, xâm phạm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ thể hợp pháp của tài sản. Trong chương XVI BLHS 2015 dựa vào hành vi khách quan có thể chia thành hai nhóm tội phạm: tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt tài sản và tội phạm xâm phạm sở hữu không có tính chất chiếm đoạt tài sản.
Khái niệm chiếm đoạt tài sản xuất hiện từ khi có khái niệm về tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt tài sản. Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh thì: “Chiếm đoạt tài sản (xã hội chủ nghĩa hoặc của công dân) là cố ý chiếm lấy không hoàn lại một cách trái phép và biến nó thành tài sản của mình hoặc chuyển cho người khác bằng hình thức quy định trong luật và có tính chất vụ lợi”. Tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt tài sản gồm 8 tội là: Tội “Cướp tài sản” (Điều 168), “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (Điều 169), “Cưỡng đoạt tài sản” (Điều 170), “Cướp giật tài sản” (Điều 171), “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” (Điều 172), “Trộm cắp tài sản” (Điều 173), “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174), “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175). Tội xâm phạm sở hữu không có tính chất chiếm đoạt do người dưới 18 tuổi thực hiện gồm 5 tội là: “Tội chiếm giữ trái phép tài sản” (Điều 176), “Tội sử dụng trái phép tài sản” (Điều 177); “Tội hủy hoạt hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178); “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” (Điều 179); “Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” (Điều 180).
2. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt:
Đối với tội “Cướp tài sản”(điều 168): Hành vi khách quan của tội cướp tài sản là hành vi nhằm làm mất khả năng kháng cự của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Hành vi này được thể hiện qua các dạng cụ thể: Dùng vũ lực (dùng sức mạnh thể chất tác động đến cơ thể người bị hại); Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc (bằng lời nói, cử chỉ, hành động truyền đạt đến người bị hại thông điệp đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người đó không giao tài sản hoặc cản trở việc chiếm đoạt tài sản); Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được (nhốt, dùng thuốc mê...). Tội cướp tài sản là tội có CTTP hình thức và được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi khách quan nêu trên làm cho hoặc có khả năng làm cho người bị tấn công làm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Đối với tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”(điều 169): Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thể hiện bằng hành vi bắt cóc người khác làm con tin. Đây là hành vi bắt trái pháp luật người khác và giữ ở một nơi với ý thức sử dụng việc bắt giữ đó làm phương tiện để uy hiếp tinh thần người có tiền, có tài sản để đòi tiền, đòi tài sản chuộc. Người bị bắt cóc thông thường là người có quan hệ thân thuộc với người có tài sản như con cái, cha, mẹ...nhưng cũng có thể là bất kỳ người nào mà người phạm tội cho rằng có thể sử dụng việc bắt giữ để uy hiếp tinh thần người có tài sản để người này phải bỏ ra một khoản tiền hoặc tài sản chuộc theo yêu cầu người phạm tội. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện xong hành vi bắt cóc con tin và đe dọa người khác buộc phải giao tài sản.
Đối với tội “Cưỡng đoạt tài sản”(điều 170): Hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản có thể là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là hành vi thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói là cho người bị tấn công cảm giác sợ hãi và tin rằng người phạm tội sẽ dùng vũ lực nếu họ không giao tài sản. Khác với hành vi đe dọa trong tội cướp tài sản, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực trong tội cưỡng đoạt tài sản là đe dọa sẽ dùng vũ lực trong tương lai. Sức mãnh liệt của hành vi đe dọa chưa đến mức có thể làm tê liệt ý chí chống cự của người bị đe dọa mà chỉ có khả năng khống chế ý chí của họ. Người bị đe dọa có thể còn có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để lựa chọn xử sự của mình.
Đối với hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác thể hiện là hành vi đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín... nếu như người bị uy hiếp không thỏa mãn các yêu cầu của người phạm tội. Điều luật không giới hạn những thủ đoạn của hành vi uy hiếp tinh thần của tội cưỡng đoạt tài sản. Bất cứ thủ đoạn uy hiếp nào, khống chế được ý chí của người khác đều được coi là thủ đoạn của hành vi uy hiếp tinh thần trong tội cưỡng đoạt tài sản. Tội cưỡng đoạt tài sản hoàn thành từ thời điểm người phạm tội có một trong các hành vi được quy định trong điều luật, không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.
Đối với tội “Cướp giật tài sản”(điều 171): là hành vi công khai nhanh chóng chiếm đoạt tài sản mà không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người khác. Công khai nhanh chóng chiếm đoạt tài sản được hiểu là người phạm tội lợi dụng điều kiện khách quan để công khai (người phạm tội không có ý thức che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của mình đối với người quản lý tài sản) nhanh chóng (chiếm đoạt tài sản một cách bất ngờ trong một khoảng thời gian ngắn) chuyển dịch tài sản từ người quản lý tài sản sang người phạm tội mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa, uy hiếp nào. Khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản, người phạm tội không có ý thức chiếm đấu với chủ sở hữu nhà ở tội cướp tài sản hay cưỡng đoạt tài sản. Về lý luận, các tài liệu nghiên cứu đều cho rằng, tội cướp giật tài sản được coi là hoàn thành khi người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Đối với tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” (Điều 172): qua thực tiễn xét xử thừa nhận hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản công khai chiếm đoạt tài sản của họ. Tính công khai giống như hành vi cướp giật tài sản những hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản xảy ra trong hoàn cảnh người chủ sở hữu không có điều kiện để ngăn cản. Do vậy, người phạm tội không cần và không có ý định sử dụng thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ tài sản. Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản cấu thành tội chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn một trong các dấu hiệu sau: Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên; dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về các tội vi phạm quy định tại Điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 BLHS năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của bị hại và gia đình họ.
Đối với tội “Trộm cắp tài sản” (điều 173): qua thực tiễn xét xử thừa nhận, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Hành vi được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi xảy ra. Ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút, che dấu này có thể là che dấu toàn bộ hành vi phạm tội hoặc chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Hành vi Trộm cắp tài sản chỉ cấu thành tội trộm cắp tài sản khi thỏa mãn một trong số các dấu hiệu sau: Tài sản chiếm đoạt trị giá 2.000.000 đồng trở lên, tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng nhưng người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc các tội được quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 BLHS năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc tài sản là di vật, cổ vật.
Đối với tội “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điều 174): Hành vi khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản. Hành vi này được tạo bởi hai hành vi khác nhau là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Hai hành vi này có quan hệ chặt chẽ với nhau trong đó hành vi gian dối là thủ đoạn, là tiền đề để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối được hiểu là cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin đó là sự thật. Về mặt chủ quan, người phạm tội biết đó là thông tin giả và mong muốn người khác tin đó là sự thật, để được họ giao tài sản. Ở đây ta cần chú ý, thủ đoạn gian dối còn có trong nhiều tội phạm khác như: Tội đánh bạc, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ... Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi: Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Tài sản chiếm đoạt có giá trị lớn dưới 2.000.000 đồng nhưng người thực hiện hành vi đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc bị kết án về các tội được quy định tại các Điều 168, | 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 BLHS năm 2015 và chưa được xóa án tích; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (điều 175): bao gồm 02 nhóm hành vi cụ thể như sau: Một là, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đã đến thời hạn trả lại tài sản đó và mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Hai là, vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi: Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 4 triệu đồng nhưng người thực hiện hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về các tội quy định tại Điều 168 169, 170, 171, 173, 174, 175, 290
BLHS năm 2015, chưa được xóa án tích; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
3. Các tội xâm phạm sở hữu không có tính chất chiếm đoạt:
Tội chiếm giữ trái phép tài sản (điều 176): tội chiếm giữ trái phép tài sản thể hiện bởi hành vi chiếm giữ tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý một cách trái phép dưới hình thức: Không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản bị giao nhầm, không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mình tìm được hoặc bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. Đối tượng tác động của hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị người khác đánh rơi, bỏ quên hoặc giao nhầm hoặc tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy nhưng không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu mà theo quy định của pháp luật thì thuộc về nhà nước.
Tội sử dụng trái phép tài sản (điều 177): Hành vi phạm tội của tội này được quy định là hành vi sử dụng trái phép tài sản. Trong đó, hành vi sử dụng được hiểu là hành vi khai thác giá trị sử dụng của tài sản nhưng không làm cho chủ tài sản mất quyền sở hữu về tài sản. Tính trái phép của hành vi sử dụng thể hiện ở chỗ: Người phạm tội tự ý sử dụng tài sản của người khác hoặc sử dụng tài sản thuộc phạm vi quản lý của mình nhưng không đúng theo quy định của pháp luật mà không có mục đích chiếm đoạt. Hành vi sử dụng trái phép tài sản cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản khi không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 BLHS năm 2015 và thuộc một trong các trường hợp sau: Tài sản bị sử dụng trái phép trị giá từ 100.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản hoặc đã bị kết án về tội này và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; tài sản bị sử dụng trái phép dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật.
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 178): Hành vi khách quan được quy định là hành vi hủy hoại tài sản hoặc hành vi làm hư hỏng tài sản. Trong đó, hành vi hủy hoại tài sản được hiểu là hành vi làm mất toàn bộ hoặc phần lớn giá trị sử dụng của tài sản mà không thể sửa chữa, khôi phục lại được. Hành vi làm hư hỏng tài sản được hiểu là hành vi làm giảm một phần giá trị sử dụng của tài sản. Những hành vi này có thể là hành động (như đập phá, đốt ....) hoặc không hành động (cố ý không thực hiện hành vi đảm bảo an toàn cho tài sản). Tội phạm được coi là hoàn thành khi hậu quả đã xảy ra. Hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản khi thỏa mãn một trong các dấu hiệu như sau: Tài sản bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; hoặc dưới 2 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; Đã bị kết án về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và chưa được xóa án tích; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật.
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179) : Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dẫn đến hậu quả mất mát, để hư hỏng, để sử dụng lãng phí tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm gây ra thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 trở lên.
Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (điều 180 BLHS): Hành vị này được hiểu là hành vi vi phạm (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ) những quy tắc sinh hoạt xã hội thông thường liên quan đến việc bảo vệ tài sản. Đó là những quy tắc sinh hoạt xã hội ai cũng có thể biết hoặc có nghĩa vụ tuân thủ nhằm tránh gây ra những thiệt hại về tài sản. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm gây ra thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100.000.000 trở lên.
Thứ ba, đa số các tội xâm phạm sở hữu là các tội được thực hiện do cố ý. Trong số 12 tội quy định trong chương XVI BLHS 2015, có 11 tội được thực hiện do cố ý, đó là các tội: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; chiếm giữ trái phép tài sản; sử dụng trái phép tài sản và huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Chỉ có một tội được thực hiện do vô ý, đó là tội: Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. “Lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội” [30] là các diễn bên trong phản ánh trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi xâm phạm sở hữu và hậu quả do hành vi đó gây ra. Trong đó: dấu hiệu lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có trong mọi cấu thành tội phạm cụ thể. Dấu hiệu đó có thể được mô tả cụ thể hoặc không được mô tả cụ thể tùy theo sự cần thiết mô tả của từng tội phạm để có thể phân biệt với tội phạm khác và định tội danh cho chính xác. Mục đích, động cơ phạm tội không có ý nghĩa quyết định tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm do vậy cũng không phải là dấu hiệu đặc trưng của tất cả các tội phạm để phân biệt giữa các loại tội phạm với nhau.