Hiện nay, các sự cố tai nạn lao động xảy ra trong công trình xây dựng có xu hướng ngày càng tăng. Vậy nên pháp luật đã quy định về vấn đề này để việc thi công được diễn ra bảo đảm. Vậy cụ thể pháp luật quy định như thế nào về các sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng?
Mục lục bài viết
1. Các sự cố gây mất an toàn trong thi công xây dựng:
1.1. An toàn trong thi công xây dựng là gì?
Căn cứ khoản 20 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công và bảo trì công trình xây dựng có quy định an toàn trong thi công xây dựng công trình là:
+ Giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không gây thương tật, tử vong, không làm suy giảm sức khỏe đối với con người.
+ Giải pháp ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Theo đó có thể hiểu sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng là những hiện tượng không thường xuyên xảy ra nhưng lại gây ra các yếu tố nguy hiểm, gây hại hoặc thậm chí có thể dẫn tới thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình thi công xây dựng.
1.2. Các sự cố gây mất an toàn trong thi công xây dựng:
Điều 43 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về các cấp sự cố trong quá trình thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình như sau:
Căn cứ theo mức độ hư hại công trình hoặc thiệt hại về người thì sự cố công trình xây dựng được chia thành ba cấp bao gồm sự cố cấp I, cấp II và cấp III như sau:
– Sự cố cấp I là sự cố:
+ Làm chết từ 6 người trở lên
+ Gây sập đổ công trình; sập đổ một phần công trình hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập đổ toàn bộ công trình cấp I trở lên.
– Sự cố cấp II là sự cố:
+ Làm chết từ 1 đến 5 người;
+ Gây sập đổ công trình; sập đổ một phần công trình hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập đổ toàn bộ công trình cấp II, cấp III.
– Sự cố cấp III bao gồm các sự cố còn lại ngoài các sự cố công trình xây dựng cấp I, cấp II
Căn cứ Điều 48 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định các sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đó là:
Thứ nhất là sự cố sập đổ máy, thiết bị phục vụ thi công xây dựng:
Trong quá trình thi công xây dựng diễn ra nhiều hoạt động như: lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
Để phục vụ cho các hoạt động này, con người cần phải sử dụng tới rất nhiều máy móc, thiết bị khác nhau. Trong quá trình sử dụng thì việc sập đổ máy, thiết bị là một trong các sự cố có thể gây thương tật, tử vong đối với con người.
Thứ hai là sự cố tai nạn lao động xảy ra trong thi công xây dựng công trình:
Căn cứ Luật Vệ sinh An toàn lao động năm 2015 thì tai nạn lao động là tai nạn gây ra một trong hai hậu quả sau:
+ Gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể;
+ Gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Như vậy, tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng cũng là một trong các loại sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng. Các sự cố tai nạn lao động xảy ra đối với công trình đang thi công diễn ra dưới các dạng như: rơi, ngã từ trên cao hoặc bị các vật từ trên cao rơi trúng hoặc điện giật, cháy nổ, nhiễm hoá chất….
Khi xảy ra các sự cố này đều phải tiến hành các hoạt động khai báo, điều tra, báo cáo. Pháp luật quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động này cũng như biện pháp giải quyết.
2. Xử phạt vi phạm an toàn trong thi công xây dựng công trình:
Trong quá trình thi công xây dựng công trình mà nhà thầu, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi vi phạm sau đây về an toàn trong thi công xây dựng sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt đó là:
– Hành vi: Không có sổ nhật ký an toàn lao động hoặc sổ nhật ký không ghi chép đầy đủ quy định thì bị phạt tiền: Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
– Thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền: Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
+ Hành vi để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân tham gia thi công xây dựng công trình.
+ Hành vi không lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định, không lập các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc lập kế hoạch chi tiết tổng hợp về an toàn lao động theo quy định, lập các biện pháp đảm bảo an toàn.
+ Hành vi sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành, vận hành theo quy định, không kiểm định hoặc đã hết thời gian kiểm định, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung ghi trong giấy tờ lưu hành, vận hành, kiểm định. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc sử dụng thiết bị thi công có đầy đủ giấy tờ lưu hành, vận hành, được kiểm định theo quy định.
+ Hành vi không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc có biển cảnh báo đề phòng tai nạn, bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường.
+ Hành vi không bố trí hoặc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động không được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động, huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động cho người lao động.
+ Hành vi không hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động, huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động cho người lao động.
+ Hành vi không lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình.
+ Hành vi không có quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công.
– Thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng:
+ Hành vi vi phạm quy định về phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc thực hiện đúng phương án, giải pháp phá dỡ theo quy định.
+ Hành vi không mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba theo quy định. Ngoài ra trong trường hợp này còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc mua bảo hiểm theo quy định.
Trên đây là mức phạt dành cho tổ chức vi phạm. Còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt đối với cá nhân vi phạm sẽ bằng ½ mức phạt vi phạm của tổ chức nêu trên.
3. Trách nhiệm an toàn lao động xây dựng của chủ đầu tư:
Căn cứ Khoản 17 Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư có trách nhiệm như sau:
– Tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn trong thi công xây dựng của các nhà thầu.
– Phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
– Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng.
Ngoài ra, chủ đầu tư được phép trao quyền tổng thầu một hoặc một số trách nhiệm quản lý an toàn lao động trong công trường xây dựng nhưng vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng xây dựng và thực hiện công tác quản lý an toàn lao động.
Như vậy, nguy cơ xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong thi công công trình xây dựng là rất cao. Bởi vậy, các chủ đầu tư cần dự trù và xây dựng phương án khắc phục sự cố tối ưu, nhanh chóng nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.
Việc tuân thủ quy định an toàn lao động trong xây dựng luôn là một điều tiên quyết. Các biện pháp vừa bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người lao động đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và của, cũng như không làm mất uy tín của đơn vị.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015;
– Nghị định 06/2021/NĐ-CP quản lý chất lượng, thi công và bảo trì công trình xây dựng;
– Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 06/2021 và Nghị định 44/2016;