Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì “bị can là người đã bị khởi tố về hình sự”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) thì “bị can là người đã bị khởi tố về hình sự”. Khi một người bị khởi tố về hình sự thì họ sẽ trở thành đối tượng bị buộc tội trong vụ án, tuy nhiên điều đó không có nghĩa xác định họ là người có tội. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Vì theo quy định tại Điều 9 BLTTHS 2003 thì: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành thì bị can là người bị khởi tố về hình sự và tham gia tố tụng từ khi có quyết định khởi tố bị can. Bị can sẽ tham gia vào các giai đoạn điều tra, truy tố và một phần giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tư cách tố tụng của bị can sẽ chấm dứt khi cơ quan điều tra đình chỉ điều tra, viện kiểm sát đình chỉ vụ án, Tòa án đình chỉ vụ án (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) đối với bị can hoặc Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Các quyền riêng của bị can đó là:
Quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì: bị can cần phải biết tội danh họ bị khởi tố để họ có thể tự bào chữa để gỡ tội cho mình. Nếu không biết mình bị khởi tố về tội gì thì họ khó có thể đưa ra các chứng cứ gỡ tội cho mình cùng những lời bào chữa, vì mục đích của việc tiến hành các trình tự tố tụng là nhằm xác định một người có phạm tội hay không và nếu phạm tội thì phải chịu hình phạt như thế nào. Bị can phải được giao nhận quyết định khởi tố bị can, trong trường hợp có sự thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can cũng phải thông báo cho bị can biết. Quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì của bị can thể hiện sự công bằng, bình đẳng và tiến bộ của pháp luật Việt nam nói chung và pháp luật xã hội chủ nghĩa vói riêng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Quyền được trình bày lời khai: là một quy định mới của BLTTHS 2003 về các quyền và nghĩa vụ của bị can trong tố tụng hình sự. Theo quy định này thì bị can có quyền trình bày lời khai về những vấn đề liên quan đến vụ án mà họ bị khởi tố. Đây là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bị can. Do vậy nhiều khi bị can đã sử dụng quyền này của mình để khai báo những tình tiết có lợi cho mình nhằm chứng minh mình vô tội hoặc là phạm tội ở mức độ nhẹ hơn tội đã bị khởi tố hay đưa ra những tình tiết, lý do để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Cũng có trường hợp bị can từ chối không khai báo về hành vi của mình. Tuy nhiên trong những trường hợp mà họ từ chối khai báo hay khai báo gian dối thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó. Và ngược lại, nếu bị can có thái độ khai báo thành khẩn thì đó lại được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Quyền được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của bộ luật này: bị can có quyền được nhận các quyết định tố tụng có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Quyết định này nhằm tạo điều kiện cho bị can có thể thực hiện tốt quyền bào chữa cũng như các quyền và nghĩa vụ tố tụng khác của mình.