Các quy định pháp luật về thu phí và thu lệ phí. Các quy định mới về phí và lệ phí.
Theo khoản 1 Điều 2 của Luật ngân sách nhà nước 2002 quy định : “ thu ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí ; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của nhà nước; các khoản đóng góp của tổ chức và cá nhân ; các khoản viện trợ ; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật ”.
1. Cơ sở pháp lý:
– Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10;
2. Luật sư tư vấn:
Tại Luật phí, lệ phí 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2017 sắp tới đã quy định lại về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Luật quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Như vậy, so với Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 hiện hành thì Luật phí, lệ phí 2015 không điều chỉnh đến các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.
Về vấn đề thu phí theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 về phí và lệ phí thì:
“ Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này. ”
Nước ta hiện có nhiều loại phí khác nhau, có thể kể đến một số loại phí như:
– Loại phí được tập trung toàn bộ vào ngân sách nhà nước: Do đơn vị thu đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hằng năm nên đơn vị thu phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
– Loại phí phải nộp một phần vào ngân sách nhà nước: Do đơn vị thu không được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí hoặc được ủy quyền thu phí ngoài chức năng, nhiệm vụ thường xuyên nên đơn vị thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.
– Loại phí được để lại toàn bộ cho đơn vị thu sử dụng để nâng cao chất lượng hoạt động, hoàn toàn không phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Để xác định mức thu phí thì căn cứ vào 2 nguyên tắc được quy định tại điều 12 của Pháp lệnh về phí và lệ phí đó là :
Việc xác định mức thu phí căn cứ vào các nguyên tắc sau đây:
1- Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ;
2- Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.
Tại Luật phí, lệ phí 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2017 sắp tới đã quy định:
Điều 8. Nguyên tắc xác định mức thu phí
Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Ngoài ra cần phân biệt rõ :
– Phí thu từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư là khoản thu thuộc Ngân sách nhà nước, được Nhà nước quản lý và sử dụng như sau :
+ Trường hợp tổ chức thu đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thu phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước;
+ Trường hợp tổ chức thu không được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước;
+ Trường hợp tổ chức thu được uỷ quyền thu phí ngoài chức năng, nhiệm vụ thường xuyên thì tổ chức thu được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.
– Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán là khoản thu không thuộc Ngân sách nhà nước, tổ chức cá nhân thu phí có quyền quản lý, sử dụng số tiền được qui định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân thu phí này thì phải có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật
Một điểm nữa cũng cần chú ý : các loại phí bảo hiểm xã hội, phí bảo hiểm y tế và các loại phí bảo hiểm khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh phí và Lệ phí (Điều 4 pháp lệnh phí và lệ phí 2001).
>>>
Về vấn đề thu lệ phí theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 về phí và lệ phí thì:
“Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.”
Lệ phí hành chính gắn liền với các hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính của cơ quan Nhà nước: lệ phí cấp giấy phép hành nghề, lệ phí công chứng, lệ phí cấp chứng minh thư nhân dân…
Thu lệ phí
Cũng như phí việc xác định mức thu lệ phí cũng căn cứ vào các nguyên tắc được quy định tại Điều 1 Nghị định 24/2006/NĐ – CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí như sau:
1.” Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.
2. Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định mức thu đối với những lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, để bảo đảm việc thi hành thống nhất trong cả nước”.
Luật phí, lệ phí 2015 đã sửa đổi quy định về nguyên tắc thu lệ phí như sau:
Điều 9. Nguyên tắc xác định mức thu lệ phí
Mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Mọi khoản lệ phí thu được đều thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp uỷ quyền thu thì tổ chức được uỷ quyền thu lệ phí được để lại một phần trong số lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước. Lệ phí là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước nên không phải chịu thuế
Các chủ thể có thẩm quyền thu phí và lệ phí là cơ quan thuế nhà nước, các cơ quan khác của nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân cung cấp dịch vụ, thực hiện công việc mà pháp luật quy định được thu phí và lệ phí. Các chủ thể này khi thu phí, lệ phí phải lập và cấp chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp không được cấp chứng từ hoặc cấp chứng từ không đúng quy định thì đối tượng nộp phí, lệ phí có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí cấp chứng từ thu hoặc khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân thu các loại phí, lệ phí khác nhau phải hạch toán riêng từng loại phí, lệ phí, phải thực hiện chế độ kế toán; định kỳ báo cáo quyết toán thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí; thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí; sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định; thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra trong Luật phí, lệ phí 2015 đã sửa đổi lại về danh mục phí, lệ phí: một số khoản phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ giá. Trong đó, có một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng Nhà nước vẫn cần quản lý giá. Như vậy, theo quy định tại Danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật phí, lệ phí 2015 thì sẽ bao gồm 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá với mục đích khuyến khích xã hội hóa.