Có một số ngành nghề tiềm ẩn những nguy hiểm cho con người, vì thế pháp luật đã quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực đó phải có khoảng cách đối với khu dân cư. Vậy pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các ngành nghề không được hoạt động trong khu dân cư:
Khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc những trường hợp sau đây phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:
– Có chất dễ cháy, dễ nổ;
– Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;
– Có chất độc hại đối với người và sinh vật;
– Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;
– Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc các trường hợp trên là khoảng cách tối thiểu từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến các công trình hiện hữu và hợp pháp của khu dân cư gồm nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, công trình giáo dục, y tế nhằm để bảo đảm an toàn về môi trường. Riêng đối với khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước là khoảng cách tối thiểu từ điểm xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến điểm lấy nước, công trình cấp nước đô thị.
Như vậy, qua các quy định trên có thể hiểu các ngành nghề không được hoạt động trong khu dân cư bao gồm:
– Ngành nghề có chất dễ cháy, dễ nổ;
– Ngành nghề có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;
– Ngành nghề có chất độc hại đối với người và sinh vật;
– Ngành nghề có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;
– Ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
2. Khoảng cách an toàn về môi trường của các cơ sở hoạt động ngành nghề không được hoạt động trong khu dân cư đến khu dân cư:
Căn cứ khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường quy định về xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, Điều này quy định về khoảng cách an toàn về môi trường của những cơ sở hoạt động ngành nghề không được hoạt động trong khu dân cư đến khu dân cư như sau:
– Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng hoạt động các ngành nghề sau đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và căn cứ vào đặc tính của chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với con người và sinh vật:
+ Ngành nghề có chất dễ cháy, dễ nổ;
+ Ngành nghề có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;
+ Ngành nghề có chất độc hại đối với người và sinh vật.
– Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng hoạt động các ngành nghề sau đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và căn cứ vào tính chất của bụi, mùi khó chịu, mức độ tiếng ồn và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước được dùng cho mục đích là cấp nước sinh hoạt:
+ Ngành nghề có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;
+ Ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
– Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nhiều nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường sẽ được xác định từ nguồn phát thải gần nhất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư. Trong trường hợp không xác định được nguồn phát thải hoặc là không có nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường sẽ được xác định từ vị trí tường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng, nhà hoặc từ công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm, chứa chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc là thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với người và sinh vật.
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng mà thuộc đồng thời từ hai ngành nghề không được hoạt động trong khu dân cư nêu ở mục trên (trừ ngành nghề có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người) thì phải áp dụng giá trị khoảng cách lớn nhất.
– Lưu ý rằng:
+ Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng hoạt động trong những ngành nghề sau đến khu dân cư thực hiện theo các quy định về khoảng cách an toàn của pháp luật về an toàn phòng cháy và chữa cháy, quản lý vật liệu nổ, an toàn của bức xạ, an toàn hóa chất, tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan:
++ Ngành nghề có chất dễ cháy, dễ nổ;
++ Ngành nghề có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;
++ Ngành nghề có chất độc hại đối với người và sinh vật;
++ Ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng hoạt động ngành nghề có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người.
+ Khoảng cách an toàn về môi trường của dự án đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng được cơ quan có thẩm quyền xem xét, áp dụng khi đã chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch hoặc giới thiệu vị trí thực hiện về dự án đầu tư; hoặc khi chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Khu mai táng, hỏa táng có được hoạt động trong khu dân cư hay không?
3.1. Khu mai táng, hỏa táng có được hoạt động trong khu dân cư:
Điều 63 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường xung quanh. Theo đó, có thể hiểu khu mai táng, hỏa táng có được hoạt động trong khu dân cư hay không sẽ phụ thuộc vào quy hoạch của từng tỉnh và đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
3.2. Khoảng cách an toàn môi trường từ khu mai táng, hỏa táng đến khu dân cư:
Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ mai táng, hỏa táng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau:
– Địa điểm mai táng không ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt; cơ sở hỏa táng sẽ phải đặt ở cuối hướng gió chủ đạo so với khu dân cư;
– Dự án đầu tư cơ sở dịch vụ hỏa táng phải có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
– Khí thải phát sinh từ việc hoả táng phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
– Chất thải rắn phát sinh từ cơ sở mai táng, hỏa táng phải được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường;
– Nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải bảo đảm về tỷ lệ cây xanh, thảm cỏ theo quy định pháp luật về xây dựng; có hệ thống thu gom và thoát nước riêng cho nước mưa;
– Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tới khu dân cư, tới công trình công cộng phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
Như vậy, khoảng cách an toàn môi trường từ khu mai táng, hỏa táng đến khu dân cư phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng.
Lưu ý rằng, việc mai táng, hỏa táng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với người theo tôn giáo tại khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo và những cơ sở tôn giáo khác thực hiện theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và phải đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường (Khí thải phát sinh từ việc hoả táng sẽ phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và Chất thải rắn phát sinh từ cơ sở mai táng, hỏa táng buộc phải được thu gom, xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện hướng dẫn hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường 2020;
– Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.