Thiết kế xây dựng là sự triển khai sáng tạo những công trình xây dựng dựa trên một mục đích cụ thể. Vậy các loại thiết kế xây dựng? Thiết kế xây dựng bao gồm gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Các loại thiết kế xây dựng:
- 2 2. Thiết kế xây dựng bao gồm gì?
- 2.1 2.1. Khảo sát xây dựng:
- 2.1.1 2.1.1. Trình tự thực hiện khảo sát xây dựng:
- 2.1.2 2.1.2. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng:
- 2.1.3 2.1.3. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng:
- 2.1.4 2.1.4. Quản lý công tác khảo sát xây dựng:
- 2.1.5 2.1.5. Nội dung báo cáo kết quả khảo sát xây dựng:
- 2.1.6 2.1.6. Phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng:
- 2.2 2.2. Thiết kế xây dựng:
- 2.3 2.3. Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở:
- 2.1 2.1. Khảo sát xây dựng:
1. Các loại thiết kế xây dựng:
Thiết kế xây dựng (Construction design) là sự triển khai sáng tạo những công trình xây dựng dựa trên một mục đích cụ thể. Việc thiết kế xây dựng giúp cho những ý tưởng, ước muốn trở thành hiện thực, góp phần tạo nên một tổng thể kiến trúc đẹp cho cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ.
Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung 2020 thiết kế xây dựng bao gồm có:
– Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
– Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công ở trong Báo cảo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng;
– Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể (tiếng anh là Front – End Engineering Design, sau đây được gọi là thiết kế FEED), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.
2. Thiết kế xây dựng bao gồm gì?
Thiết kế xây dựng bao gồm:
2.1. Khảo sát xây dựng:
2.1.1. Trình tự thực hiện khảo sát xây dựng:
– Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng;
– Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng;
– Thực hiện khảo sát xây dựng;
– Nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng.
2.1.2. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng:
– Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được lập cho công tác khảo sát phục vụ việc:
+ Lập dự án đầu tư xây dựng;
+ Thiết kế xây dựng công trình;
+ Thiết kế sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp công trình;
+ Các công tác khảo sát khác có liên quan đến hoạt động xây dựng.
– Nhiệm vụ khảo sát xây dựng do nhà thầu thiết kế lập. Trường hợp mà chưa lựa chọn được nhà thầu thiết kế hoặc trong các trường hợp khảo sát khác thì người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền lập dự án PPP sẽ được thuê tổ chức, cá nhân hoặc giao cho tổ chức, cá nhân trực thuộc có đủ điều kiện năng lực lập, thẩm tra nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
– Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư giao cho nhà thầu khảo sát xây dựng thông qua việc trực tiếp thực hiện ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng hoặc giao cho nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp là nhà thầu tư vấn thiết kế thực hiện cả công tác khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng.
– Các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng bao gồm:
+ Mục đích khảo sát xây dựng;
+ Phạm vi khảo sát xây dựng;
+ Yêu cầu về việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng;
+ Sơ bộ khối lượng các loại công tác khảo sát xây dựng, dự toán khảo sát xây dựng (nếu có);
+ Thời gian thực hiện khảo sát xây dựng.
– Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau:
+ Trong quá trình thực hiện khảo sát xây dựng, phát hiện những yếu tố khác thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế hoặc khi mà có thay đổi nhiệm vụ thiết kế cần phải bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng;
+ Trong quá trình thiết kế, nhà thầu thiết kế phát hiện ra nhiệm vụ khảo sát xây dựng, báo cáo khảo sát xây dựng không đáp ứng yêu cầu thiết kế;
+ Trong quá trình thi công, phát hiện những yếu tố địa chất khác thường, không đáp ứng được các nhiệm vụ khảo sát đã được chủ đầu tư hoặc tư vấn thiết kế phê duyệt có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, biện pháp thi công xây dựng công trình.
– Khi lập nhiệm vụ khảo sát ở bước thiết kế xây dựng sau thì phải xem xét đến nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát đã thực hiện ở bước thiết kế xây dựng trước và những kết quả khảo sát có liên quan được thực hiện trước đó (nếu có).
2.1.3. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng:
– Nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng.
– Nội dung phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng:
+ Cơ sở lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng;
+ Thành phần, khối lượng công tác khảo sát xây dựng;
+ Phương pháp, thiết bị khảo sát và phòng thí nghiệm được sử dụng;
+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khảo sát xây dựng áp dụng;
+ Tổ chức thực hiện và biện pháp kiểm soát chất lượng của nhà thầu khảo sát xây dựng;
+ Tiến độ thực hiện;
+ Biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, những công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong khu vực khảo sát; biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực khảo sát và phục hồi hiện trạng sau khi kết thúc khảo sát.
– Chủ đầu tư có trách nhiệm phải kiểm tra hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để tiến hành thẩm tra phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng theo đúng quy định của hợp đồng.
2.1.4. Quản lý công tác khảo sát xây dựng:
– Nhà thầu khảo sát có trách nhiệm bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện việc khảo sát theo quy định của hợp đồng xây dựng; cử người mà có đủ điều kiện năng lực để làm chủ nhiệm khảo sát và tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát chất lượng được quy định tại phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.
– Tùy theo quy mô và loại hình khảo sát, chủ đầu tư được tự thực hiện hoặc thuê các tổ chức, cá nhân có năng lực hành nghề phù hợp với loại hình khảo sát để giám sát khảo sát xây dựng theo các nội dung sau:
+ Kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu khảo sát xây dựng bao gồm có nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường, phòng thí nghiệm (nếu có) được sử dụng so với phương án khảo sát xây dựng đã được duyệt và quy định của hợp đồng xây dựng;
+ Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện khảo sát xây dựng bao gồm:
++ Vị trí khảo sát;
++ Khối lượng khảo sát;
++ Quy trình thực hiện khảo sát;
++ Lưu giữ số liệu khảo sát và mẫu thí nghiệm;
++ Công tác thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm hiện trường;
++ Công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn môi trường trong quá trình thực hiện khảo sát.
– Chủ đầu tư được quyền đình chỉ công việc khảo sát khi phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng theo phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc các quy định của hợp đồng xây dựng.
2.1.5. Nội dung báo cáo kết quả khảo sát xây dựng:
– Căn cứ thực hiện khảo sát xây dựng.
– Quy trình và phương pháp khảo sát xây dựng.
– Khái quát về vị trí và điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát xây dựng, đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình.
– Khối lượng khảo sát xây dựng đã thực hiện.
– Kết quả, số liệu khảo sát xây dựng sau khi thí nghiệm, phân tích.
– Các ý kiến đánh giá, lưu ý, đề xuất (nếu có).
– Kết luận và kiến nghị.
– Các phụ lục kèm theo.
2.1.6. Phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng:
– Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng bằng văn bản hoặc thực hiện phê duyệt trực tiếp tại Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
– Chủ đầu tư được quyền yêu cầu nhà thầu tư vấn thiết kế hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ về điều kiện năng lực để kiểm tra báo cáo kết quả khảo sát xây dựng trước khi phê duyệt.
– Nhà thầu khảo sát chịu trách nhiệm về chất lượng khảo sát xây dựng do chính mình thực hiện. Việc phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng của chủ đầu tư không thay thế và sẽ không làm giảm trách nhiệm về chất lượng khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát thực hiện.
– Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng là thành phần của hồ sơ hoàn thành công trình và được lưu trữ theo quy định.
2.2. Thiết kế xây dựng:
2.2.1. Bước thiết kế xây dựng:
– Tùy theo quy mô, tính chất của dự án, số bước thiết kế xây dựng đã được xác định tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.
– Nội dung của từng bước thiết kế xây dựng phải đáp ứng được những quy định của pháp luật về xây dựng và phải phù hợp với mục đích, nhiệm vụ thiết kế xây dựng đặt ra cho từng bước thiết kế xây dựng.
– Công trình thực hiện trình tự thiết kế xây dựng từ hai bước trở lên thì thiết kế bước sau sẽ phải phù hợp với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế ở bước trước.
– Trong quá trình lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, chủ đầu tư sẽ được quyết định việc điều chỉnh thiết kế nhằm đáp ứng hiệu quả và yêu cầu sử dụng khi không làm thay đổi về các mục đích, công năng, quy mô, các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc tại quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc là quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt.
– Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lập thiết kế xây dựng trừ những bước thiết kế xây dựng được giao cho nhà thầu xây dựng lập theo quy định của hợp đồng.
2.2.2. Nhiệm vụ thiết kế xây dựng:
– Chủ đầu tư lập hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng.
– Nhiệm vụ thiết kế xây dựng phải phù hợp với chủ trương đầu tư và là căn cứ để thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế xây dựng. Chủ đầu tư sẽ có thể thuê tổ chức tư vấn, chuyên gia góp ý hoặc thẩm tra nhiệm vụ thiết kế khi cần thiết.
– Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng bao gồm:
+ Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng;
+ Mục tiêu xây dựng công trình;
+ Địa điểm xây dựng công trình;
+ Các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc của công trình;
+ Các yêu cầu về quy mô và thời hạn sử dụng công trình, công năng sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình.
– Nhiệm vụ thiết kế xây dựng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình.
2.2.3. Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng:
– Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng được quy định như sau:
+ Hồ sơ thiết kế xây dựng được lập cho từng công trình bao gồm:
++ Thuyết minh thiết kế;
++ Bản tính, các bản vẽ thiết kế;
++ Các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan;
++ Dự toán xây dựng công trình;
++ Chỉ dẫn kỹ thuật;
++ Quy trình bảo trì công trình xây dựng (nếu có).
+ Bản vẽ thiết kế xây dựng phải có kích cỡ, tỷ lệ, khung tên được thể hiện theo những tiêu chuẩn áp dụng trong hoạt động xây dựng. Trong khung tên mỗi bản vẽ phải có tên, chữ ký của người trực tiếp đã thiết kế, người kiểm tra thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế. Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế xây dựng sẽ phải xác nhận vào hồ sơ và đóng dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng là tổ chức;
+ Các bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế xây dựng, dự toán phải được đóng thành tập hồ sơ theo một khuôn khổ thống nhất, được lập danh mục, đánh số, ký hiệu để tra cứu và bảo quản lâu dài;
+ Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về quy cách, nội dung của hồ sơ thiết kế xây dựng tương ứng với từng bước thiết kế xây dựng.
– Chỉ dẫn kỹ thuật được quy định như sau:
+ Chỉ dẫn kỹ thuật là cơ sở để thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng;
+ Chỉ dẫn kỹ thuật do nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác được chủ đầu tư thuê lập;
+ Chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt là một thành phần của hồ sơ mời thầu thi công xây dựng, để làm cơ sở để quản lý thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình;
+ Chỉ dẫn kỹ thuật phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình xây dựng đã được phê duyệt và yêu cầu của thiết kế xây dựng;
+ Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác thực hiện việc lập riêng chỉ dẫn kỹ thuật đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II. Đối với những công trình còn lại, chỉ dẫn kỹ thuật có thể được lập riêng hoặc quy định trong thuyết minh thiết kế xây dựng.
– Hồ sơ thiết kế xây dựng là thành phần của hồ sơ hoàn thành công trình và phải được lưu trữ theo các quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật về lưu trữ.
2.2.4. Quản lý công tác thiết kế xây dựng:
– Nhà thầu thiết kế xây dựng chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế xây dựng do chính mình thực hiện; việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng của các cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư, người quyết định đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng không làm thay thế và không làm giảm đi trách nhiệm của nhà thầu thiết kế xây dựng về chất lượng thiết kế xây dựng do mình thực hiện.
– Trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng làm tổng thầu thiết kế thì nhà thầu này sẽ phải đảm nhận những công việc thiết kế chủ yếu của công trình và phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc thực hiện hợp đồng với bên giao thầu. Nhà thầu thiết kế phụ phải chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng thiết kế xây dựng trước tổng thầu và trước pháp luật đối với các phần việc do mình đảm nhận.
– Trong quá trình thiết kế xây dựng công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình mà có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, nhà thầu thiết kế xây dựng có quyền đề xuất với các chủ đầu tư thực hiện những thí nghiệm, thử nghiệm mô phỏng để kiểm tra, tính toán về khả năng làm việc của công trình nhằm hoàn thiện thiết kế xây dựng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn công trình.
– Sau khi hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư kiểm tra khối lượng công việc đã thực hiện, sự phù hợp về quy cách, về số lượng hồ sơ thiết kế xây dựng so với quy định của hợp đồng xây dựng và phải thông báo chấp thuận nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng bằng văn bản đến nhà thầu thiết kế xây dựng nếu đạt yêu cầu.
2.3. Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở:
2.3.1. Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở:
– Chủ đầu tư tổ chức thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định theo quy định của pháp luật.
– Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư hoặc là cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng mà được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, có kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.
– Thẩm tra thiết kế xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.
– Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp các kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn bản của những cơ quan tổ chức có liên quan để làm cơ sở phê duyệt thiết kế.
– Việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với toàn bộ những công trình hoặc từng công trình của dự án hoặc là bộ phận công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng sẽ phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, cơ sở tính toán trong các kết quả thẩm định.
2.3.2. Phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở:
– Việc phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư phải được thể hiện tại quyết định phê duyệt, gồm các nội dung chủ yếu như sau:
+ Người phê duyệt;
+ Tên công trình hoặc bộ phận công trình;
+ Tên dự án;
+ Loại, cấp công trình;
+ Địa điểm xây dựng;
+ Nhà thầu lập báo cáo khảo sát xây dựng;
+ Nhà thầu lập thiết kế xây dựng;
+ Đơn vị thẩm tra thiết kế xây dựng;
+ Quy mô, chỉ tiêu kỹ thuật; các giải pháp thiết kế nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên (nếu có);
+ Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình;
+ Giá trị dự toán xây dựng theo từng khoản mục chi phí;
+ Các nội dung khác.
– Trong trường hợp thực hiện quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, hình thức Ban quản lý dự án khu vực hoặc hình thức Ban quản lý dự án một dự án thì Chủ đầu tư được ủy quyền cho Ban quản lý dự án trực thuộc phê duyệt thiết kế xây dựng.
– Người được giao phê duyệt thiết kế xây dựng đóng dấu, ký xác nhận trực tiếp vào hồ sơ thiết kế xây dựng đã được phê duyệt (gồm thuyết minh và bản vẽ thiết kế).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Luật Xây dựng 2014;
– Luật Xây dựng 2020;
– Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.