Hiện nay pháp luật có quy định một số loại lệ phí còn phải nộp khi các phương tiện bay qua vùng trời, hoặc đi qua vùng đất, vùng biển của nước ta. Tuy nhiên nhiều người thắc mắc, cụ thể sẽ bao gồm những loại lệ phí nào?
Mục lục bài viết
1. Các loại lệ phí bay qua vùng trời, đi qua vùng đất, vùng biển:
1.1. Vùng trời, vùng đất, vùng biển quốc gia được xác định như thế nào?
Để xác định được các loại lệ phí khi bay qua vùng trời, hoặc đi qua vùng đất, và đi qua vùng biển của một quốc gia bất kỳ, thì cần phải có cách xác định được các vùng lãnh thổ này. Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì, biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là khái niệm để chỉ đường và mặt thẳng đứng theo đường đó xác định giới hạn lãnh thổ đất liền và ranh giới của các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, xác định vùng biển và lòng đất, xác định vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra thì biên giới của quốc gia trên không (hay còn gọi là vùng trời) là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển kéo thẳng lên trên không trung. Như vậy thì vùng trời của quốc gia là khoảng không gian bao trùm trên vùng đất và vùng nước thuộc chủ quyền của quốc gia trong đó có Việt Nam, biên giới quốc gia của vùng trời chính là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển kéo thẳng lên vùng trời.
Còn đối với vùng đất quốc gia sẽ được xác định là toàn bộ phần lãnh thổ, bao gồm toàn bộ phần lục địa và các đảo thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Vùng đất của quốc gia là toàn bộ phần nằm dưới vùng đất và vùng nước ở phía trong đường biên giới quốc gia, ngoài ra theo nguyên tắc chung thì vùng lòng đất được kéo xuống tận tâm trái đất. Bên cạnh đó căn cứ theo Công ước luật biển năm 1982, thì biển và đại dương được chia thành ba vùng có chế độ pháp lý khác nhau bao gồm các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia (ba vùng tiếp giáp lãnh hải và đặc quyền kinh tế, thêm lục địa), các vùng biển chung của cộng đồng quốc tế.
1.2. Các loại lệ phí khi bay qua vùng trời, đi qua vùng đất, vùng biển:
Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 138/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép lên bờ cho thuyền viên nước ngoài, giấy phép xuống tàu nước ngoài, giấy phép cho người điều khiển phương tiện Việt Nam cặp mạn tàu nước ngoài và giấy phép cho người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch có liên quan đến tàu, thuyền nước ngoài, lệ phí bay qua vùng trời, đi qua vùng đất, vùng biển gồm những loại cơ bản sau đây:
– Lệ phí cấp phép bay;
– Lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh;
– Lệ phí cấp phép hoạt động khảo sát, thiết kế, lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thông tin bưu điện, dầu khí, giao thông vận tải đi qua vùng đất, vùng biển của Việt Nam;
– Lệ phí cấp giấy phép lên bờ cho thuyền viên nước ngoài;
– Lệ phí cấp giấy phép xuống tàu nước ngoài;
– Lệ phí cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện Việt Nam cặp mạn tàu nước ngoài;
– Lệ phí cấp giấy phép cho người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch có liên quan đến tàu, thuyền nước ngoài.
Cụ thể, có thể xác định một số mức thu như sau:
Loại lệ phí | Mức đóng |
Thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu, thuyền nước ngoài trong thời gian neo đậu tại cảng biển của Việt Nam lên bờ trong thời gian từ 7h00 đến 24h00 trong phạm vi nội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu cảng biển mà tàu, thuyền neo đậu | 03 USD/Giấy phép |
Thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu, thuyền nước ngoài trong thời gian neo đậu tại cảng biển của Việt Nam lên bờ nghỉ qua đêm trên bờ trong phạm vi nội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cửa khẩu cảng biển mà tàu, thuyền neo đậu | 05 USD/Giấy phép |
Lệ phí cấp giấy phép xuống tàu nước ngoài cho người Việt Nam và người nước ngoài xuống tàu, thuyền nước ngoài làm việc (loại giấy phép có giá trị 03 tháng hoặc 12 tháng) | 30.000 đồng/Giấy phép (1,5 USD/Giấy phép) |
Lệ phí cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện Việt Nam cặp mạn tàu nước ngoài | 20.000 đồng/Giấy phép |
Lệ phí cấp giấy phép cho người thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch có liên quan đến tàu, thuyền nước ngoài (có giá trị một lần) cho người Việt Nam và người nước ngoài | |
Người từ 16 tuổi trở lên | 20.000 đồng/Giấy phép (01 USD/Giấy phép) |
Người dưới 16 tuổi | 10.000 đồng/Giấy phép (0,5 USD/Giấy phép) |
Lệ phí đối với hàng hoá quá cảnh | 200.000 đồng/tờ khai |
Ngoài ra, các mức thu phí bay qua vùng trời Việt Nam được quy định của Bộ tài chính hiện nay, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với chuyến bay qua vùng trời Việt Nam:
Trọng tải cất cánh tối đa (MTOW) | Mức phí (USD/chuyến bay) | |
Cự ly bay qua vùng trời Việt Nam dưới 500 km | Cự ly bay qua vùng trời Việt Nam từ 500 km trở lên | |
Dưới 20 tấn | 115 | 129 |
Từ 20 – dưới 50 tấn | 176 | 197 |
Từ 50 – dưới 100 tấn | 255 | 286 |
Từ 100 – dưới 150 tấn | 330 | 370 |
Từ 150 – dưới 190 tấn | 384 | 431 |
Từ 190 – dưới 240 tấn | 420 | 460 |
Từ 240 – dưới 300 tấn | 450 | 490 |
Từ 300 tấn trở lên | 480 | 520 |
Thứ hai, đối với chuyến bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý:
Trọng tải cất cánh tối đa (MTOW) | Mức phí (USD/chuyến bay) | |
Tổng cự ly bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý dưới 500 km | Tổng cự ly bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý từ 500 km trở lên | |
Dưới 20 tấn | 61 | 68 |
Từ 20 – dưới 50 tấn | 93 | 104 |
Từ 50 – dưới 100 tấn | 134 | 150 |
Từ 100 – dưới 150 tấn | 174 | 195 |
Từ 150 – dưới 190 tấn | 202 | 227 |
Từ 190 – dưới 240 tấn | 221 | 242 |
Từ 240 – dưới 300 tấn | 237 | 258 |
Từ 300 tấn trở lên | 253 | 274 |
2. Quy định về các đối tượng miễn phí bay qua vùng trời, vùng đất, vùng biển Việt Nam:
Các quốc gia hiện nay có đặc quyền về bất khả xâm phạm vì thế bất kỳ một phương tiện nào khi đi qua vùng đất, vùng trời và vùng biển của Việt Nam thì đều cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện nay thì có một số đối tượng sẽ được miễn phí bay khi đi qua vùng trời của Việt Nam, chính là các chuyến bay qua vùng trời của Việt Nam không vì mục đích thương mại và lợi nhuận, các chuyến bay bay qua lãnh thổ của Việt Nam sẽ không phải chịu các loại phí và miễn lệ phí theo quá trình phân tích ở trên bao gồm:
– Chuyến bay chuyên cơ, và các chuyến bay này sẽ không bao gồm chuyến bay chuyên cơ kết hợp với quá trình vận chuyển thương mại theo quy định của pháp luật. Hiện nay thì có thể nói chuyến bay chuyên cơ là khái niệm để chỉ các chuyến bay sử dụng tàu bay riêng biệt chọn một trong các đối tượng được quy định theo pháp luật thì sẽ được nhà nước có thẩm quyền thông báo và khi đó sẽ được miễn phí chuyến bay, ví dụ như chuyến bay chở nguyên thủ quốc gia …;
– Chuyến bay công vụ được xem là chuyến bay của các tàu quân sự và tàu bay chuyên dụng của lực lượng hải quan hoặc lực lượng công an, và chuyến bay của các tàu bay dân dụng sử dụng hoàn toàn cho mục đích công vụ và nhân đạo, các chuyến bay này không xuất phát từ vấn đề thương mại và lợi nhuận;
– Các chuyến bay tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ hoặc các chuyến bay vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, chuyến bay vận chuyển cứu trợ lũ lụt và thiên tai hoặc làm các nhiệm vụ nhân đạo khác theo quy định của pháp luật.
3. Một số yêu cầu đối với tàu khi hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam:
Hiện nay, khhi hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam, các loại tàu bay và tàu biển phải thực hiện các quy định sau đây:
– Bay theo đúng hành trình, đường hàng không, khu vực bay, điểm vào, điểm ra được phép;
– Duy trì liên lạc liên tục với các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;
– Hạ cánh, cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay được chỉ định trong phép bay, trừ trường hợp hạ cánh bắt buộc, hạ cánh khẩn cấp;
– Tuân theo phương thức bay, quy chế không lưu hàng không dân dụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phí và lệ phí năm 2020;
– Thông tư số 138/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép lên bờ cho thuyền viên nước ngoài, giấy phép xuống tàu nước ngoài, giấy phép cho người điều khiển phương tiện Việt Nam cặp mạn tàu nước ngoài và giấy phép cho người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch có liên quan đến tàu, thuyền nước ngoài.