Dao có thuộc loại vũ khí bị cấm không? Mang dao gọt hoa quả có bị phạt không? Dưới đây là bài phân tích làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Các loại dao và vũ khí bị cấm theo quy định của pháp luật:
Khoản 1 điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ như sau:
– Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo là hành vi bị nghiêm cấm.
– Chỉ những đối tượng có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới có thể được sử dụng vũ khí. Những đối tượng này cụ thể là: Người quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
Theo quy định chung của Nhà nước, vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, dao găm được xem là một trong những loại hình của vũ khí thô sơ. Loại vũ khí này có tính sát thương cao, dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Chính vì vậy, dao găm được xem là loại hình vũ khí thô sơ, bị cấm sử dụng theo quy định của pháp luật.
2. Mang dao gọt hoa quả có bị phạt không?
Dao là vật dụng quen thuộc, phục vụ các hoạt động của đời sống con người. Hay nói cách khác, đây là vật dụng cần thiết, mang tính thiết yếu cao về công dụng sử dụng. Chính vì tính áp dụng thực tiễn phổ biến của nó, nên con người thường để nó là vật dụng di chuyển cùng trong các hoạt động liên quan cần sử dụng đến.
Như đã phân tích ở trên, Nhà nước nghiêm cấm việc người dân sử dụng và tàng trữ vũ khí. Mà dao găm được xem là một trong những loại hình của vũ khí thô sơ. Vậy nên, một câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, là mang dao gọt hoa quả có bị phạt không?
Theo quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 14 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Như vậy, theo quy định của khoản điều này, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ (bao gồm dao găm), thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, biện pháp xử phạt này chỉ được áp dụng nếu cá nhân, tổ chức tàng trữ, cất giấu vũ khí thô sơ (dao găm) nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác.
Trả lời cho câu hỏi mang dao gọt hoa quả có bị xử phạt không? Xét hai trường hợp như sau:
– Trường hợp 1: Dao gọt hoa quả thực chất không được xem là vũ khí bị cấm sử dụng theo quy định của pháp luật. Do đó, việc cá nhân mang theo dao gọt hoa là việc làm không bị cấm. Tuy nhiên, trong trường hợp bị cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, cá nhân mang theo dao gọt hoa quả bên người cũng phải giải thích, lý giải về việc sử dụng, mang theo dao của mình. Cơ quan chức năng sẽ xem xét tính đúng đắn trong lời khai, từ đó đưa ra phán đoán xem đối tượng theo dao gọt hoa quả có dấu hiệu thực hiện hành vi trái pháp luật hay không.
– Trường hợp 2: Khi có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra những cá nhân liên quan. Lúc này, nếu cá nhân mang dao gọt hoa quả bên người, khi được hỏi mà không trả lời được rõ lý do mang dao theo để làm gì, thì sẽ được điều tra làm rõ.
Như vậy, nếu người dân mang theo dao gọt hoa quả chỉ với mục đích sử dụng thông thường, thì sẽ không bị xử phạt. Ngược lại, nếu cá nhân mang dao gọt hoa quả nhằm mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây rối loạn trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho mọi người xung quanh thì sẽ bị xử lý. Hay nói cách khác, mục đích để xác định hành vi mang theo dao gọt hoa quả của các cá nhân có vi phạm pháp luật hay không là mục đích sử dụng của họ.
3. Mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ vũ khí:
Pháp luật đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về các loại vũ khí bị cấm sử dụng theo quy định của pháp luật. Các quy định này giúp người dân nắm bắt và ý thức được, loại vật dụng nào họ được phép sử dụng, loại vật dụng nào (xếp trong loại vũ khí) bị cấm sử dụng. Mục đích của các quy định về hành vi cấm sử dụng vũ khí, mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí mà Nhà nước đưa ra để răn đe những chủ thể vi phạm (hoặc có ý định vi phạm). Từ đó, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tránh những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Hơn hết nó giúp công tác quản lý trật tự an toàn xã hội của cơ quan Nhà nước đạt hiệu quả cao nhất.
Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:
– Chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, đầy đủ quy định về kiểm tra định kỳ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị; Không kê khai, đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền; Vi phạm chế độ bảo quản các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ; Sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm; Lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.
– Chủ thể vi phạm bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí, công cụ hỗ trợ được giao; Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật; Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không đủ điều kiện sử dụng theo quy định của pháp luật…
– Cá nhân bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Không thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại Việt Nam; Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ; Làm mất vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được trang bị….
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017;
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình