Cùng với chế định bồi thường và tái định cư, thì hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cũng là một tỏng những chế định quan trọng của pháp luật đất đai. Vậy các khoản hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm những khoản gì?
Mục lục bài viết
1. Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất là gì?
1.1. Khái niệm thu hồi đất:
Trong khi giao đất, cho thuê đất là cơ sở để làm phát sinh quan hệ pháp luật đất đai, phát sinh quyền sử dụng đất của người được nhà nước trao quyền sử dụng thì thu hồi là một biện pháp làm chấm dứt quan hệ pháp luật đất đai bằng một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ yếu đối với những hoạt động này nhà nước thể hiện rất rõ quyền định đoạt đất đai với tư cách là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai.
Theo quy định của Luật Đất đai 2003, thuật ngữ thu hồi đất đã được giải thích tại khoản 5 Điều 4. Dù đã có sự điều chỉnh và mở rộng nội hàm của vấn đề thu hồi đất nhưng cách giải thích này chưa thật sự chính xác bởi nó dẫn đến cách hiểu sai lầm rằng người sử dụng đất bị thu hồi chỉ là tổ chức hay ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Trong khi theo quy định pháp luật thì người sử dụng đất bị thu hồi còn có thể là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất hơn nữa đây mới là chủ thể phổ biến bị thu hồi. Đến Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể khái niệm thu hồi đất tại khoản 11 Điều 4. Như vậy có thể hiểu một cách khái quát về thu hồi đất, đó là việc nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại đất và quyền sử dụng đất đã giao cho các chủ thể sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
1.2. Khái niệm hỗ trợ:
Bên cạnh thuật ngữ bồi thường, thì trong các văn bản pháp luật hiện hành còn đề cập đến khái niệm hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Hỗ trợ thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước và biểu hiện bản chất “của dân do dân và vì dân” của nhà nước ta nhằm hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với người bị thu hồi đất cũng như giúp họ nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất có thể hiểu là, việc nhà nước trợ giúp cho người bị thu hồi đất thông qua nhiều chính sách khác nhau như đào tạo nghề mới, bố trí việc làm mới, cấp kinh phí để di dời đến địa điểm mới, nhằm ổn định đời sống sản xuất và phát triển của người dân có đất bị thu hồi.
2. Các khoản hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất:
Thứ nhất, hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu Nhà nước theo Điều 23
Hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở không phải là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thứ hai, hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn theo Điều 24 nghị định số 47/2014/NĐ-CP:
Trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì được hỗ trợ; mức hỗ trợ cao nhất có thể bằng mức bồi thường; mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; tiền hỗ trợ được nộp vào ngân sách nhà nước và được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của xã, phường, thị trấn; tiền hỗ trợ chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Thứ ba, hỗ trợ khác ngoài các biện pháp hỗ trợ trên đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất:
Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:
Theo quy định tại Điều 83 Luật Đất đai năm 2013 hiện hành quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất. Một là, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của pháp luật đất đai còn được nhà nước xem xét hỗ trợ. Hai là, việc hỗ trợ phải đảm bảo tính khách quan vô tư, công bằng và kịp thời, công khai, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Luật Đất đai năm 2013 hiện hành quy định cụ thể hơn về việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp cùng loại để bồi thường. Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nào thì được nhận vào làm trong các cơ sở đào tạo nghề và được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm hoặc vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển trong quá trình sản xuất kinh doanh theo khoản 1 Điều 84 Luật Đất đai năm 2013. Luật cũng quy định việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề hoặc tìm kiếm việc làm cho các hộ gia đình cá nhân sử dụng đất kết hợp kinh doanh dịch vụ mong muốn thu nhập chính của họ là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đó khi nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở. Đồng thời họ còn được vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh theo khoản 2 Điều 84.
4. Các đối tượng được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất:
Đối tượng được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Theo đó đối tượng được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất bao gồm:
– Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật dân sự;
– Hộ gia đình và cá nhân trong nước;
– Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn hoặc điểm dân cư tưởng tượng có cùng một phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
– Các cơ sở tôn giáo;
– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thừa nhận là cơ quan đại diện của tổ chức thuộc liên hợp quốc cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật về quốc tịch;
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh Việt Nam mà nhà Đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sắp nhập hoặc mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư doanh nghiệp.
Có thể thấy Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định mở rộng đối tượng được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất là rất cần thiết nhằm phù hợp với thực tế sử dụng đất của người Việt Nam hiện nay bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Hơn nữa việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất còn phù hợp với mục tiêu đảm bảo tính tương thích với pháp luật trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới đồng thời xóa bỏ sự khác biệt về quyền sử dụng đất giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài qua đó tạo thuận lợi động viên người Việt Nam định cư ở nước ngoài hướng sự đầu tư về quê hương nước nhà.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
– Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 (
– Nghị định 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.