Các hình thức định cư ở nước ngoài, khi một người được phép định cư dài hạn tại nước ngoài thì sẽ có những quyền lợi gần giống như những người có quốc tịch....
Các hình thức định cư ở nước ngoài, khi một người được phép định cư dài hạn tại nước ngoài thì sẽ có những quyền lợi gần giống như những người có quốc tịch….
Định cư theo dạng đoàn tụ gia đình: Trường hợp này vợ chồng bảo lãnh nhau, bố mẹ bảo lãnh con cái, con cái bảo lãnh bố mẹ. Hiện tại theo tôi biết thì không còn nước nào cho phép anh, chi em bảo lãnh cho nhau. Thông thường trường hợp bảo lãnh vợ chồng, hoặc vợ chồng bảo lãnh con dưới 18 tuổi thủ tục làm khá nhanh để tạo điều kiện cho người định cư ổn định cuộc sống, (con dưới 18 tuổi khi được bảo lãnh thì thông thường được nhập quốc tịch ngay). Nhưng với trường hợp con cái bảo lãnh bố mẹ và bố mẹ bảo lãnh con trên 18 tuổi hồ sơ được duyệt thường rất lâu.
Có nhiều quốc gia chấp nhận hình thức quốc tịch nơi sinh (tức là con cái bạn sinh ra tại quốc gia đó đương nhiên được công nhận là công dân, ví dụ Mỹ và Canada), với trường hợp này người mẹ được phép ở lại nuôi con nhưng không có chế độ như người được phép định cư dài hạn, sau khi con lớn 18 tuổi mới đủ điều kiện để bảo lãnh cho bố và mẹ định cư dài hạn tại quốc gia đó.Tôi có đọc một tờ báo nói về việc giới chức Mỹ đang quan tâm tới tình trạng nhiều trẻ em là công dân Mỹ nhưng không sống tại Mỹ vì nhiều bố mẹ là người châu Á đã tìm cách đi du lịch sang Mỹ và sinh con tại Mỹ để con cái có quốc tịch rồi đưa con về nước bản địa sinh sống. Nhưng khả năng trong thời gian tới hình thức này sẽ bị kiểm tra gắt gao và khó khăn hơn.Một số trường hợp muốn con cái được nhập quốc tịch theo dạng nhận làm con nuôi, với trường hợp này thì đứa trẻ phải ra nước ngoài khá sớm (dưới 18 tuổi) và người nhận làm cha mẹ nuôi sẽ phải hoàn toàn chịu các trách nhiệm pháp lý cho đứa trẻ, sau khi lớn lên đứa trẻ đó không có khả năng bảo lãnh cha mẹ đẻ của chúng nữa.
Với trường hợp vợ bảo lãnh chồng là thường hợp khá phổ biến và bị kiểm tra tương đối kỹ lưỡng vì sợ những hồ sở làm giả để đưa người sang, sở di trú sẽ có nhiều biện pháp khác nhau để kiểm tra tính chính xác và hợp lý của hôn nhân, nếu bạn đã được định cư nhưng sau đó mới bị phát hiện ra có hành vi gian lận sẽ bị tước thẻ định cư và trục xuất về nước, thậm chí những ai đã có quốc tịch còn có thể bị tước cả quốc tịch. Những người có hành vị nhận tiền để làm giả vợ chồng có thể bị pháp luật từng nước xử lý theo các hình thức khác nhau, nếu nặng có thể bị truy tố. Với những người định cư theo trường hợp này cũng khá rủi ro vì nhiều trường hợp bị lừa tiền và không bao giờ còn cơ hội để định cư vào quốc gia mình muốn nữa.
Định cư theo dạng kỹ năng: Nhiều quốc gia thiếu lao động trong các lĩnh vực nhất định và có nhu cầu cho phép nhập cư những người có kỹ năng trong các nghành nghề mà họ đang thiếu. Đây không phải là dạng cấp visa tạm thời cho người tới lao động (theo hình thức xuất khẩu lao động) mà trường hợp này là định cư dài hạn và được phép nhập quốc tịch sau một thời gian nhất định, được phép cho cả vợ chồng và con cái cùng sang.
Danh sách các nghành nghề và tiêu chuẩn thường được sở di trú công bố công khai trên website. Khác với suy nghĩ của nhiều người, những người đi theo dạng kỹ năng không hẳn là những người làm việc trong các nghành được coi là VIP tại Việt Nam như tài chính ngân hàng, luật hoặc phải có bằng tiến sĩ. Tôi có xem danh sách các nghành nghề mà Canada đang thiếu thì phần nhiều thuộc các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe (bác sĩ, y tá, dược sĩ), nhà hàng ăn uống (đầu bếp), thợ (thợ hàn, thợ chì, thợ khoan…).
Nhiều trường hợp muốn con cái sang du học và sau đó định cư luôn theo dạng kỹ năng (hai trong một) nhưng chọn ngành nghề học sai (tài chính hay luật), tuy con cái họ đã tốt nghiệp thạc sĩ nhưng vẫn rất khó để xin định cư dạng kỹ năng vì đây không phải là ngành nghề mà Canada thiếu hụt nhân lực. Các tiêu chuẩn thông thường đối với định cư theo dạng kỹ năng thường xét trên khía cạnh độ tuổi, bằng cấp và kinh nghiệm nghề nghiệp phù hợp với danh mục nghề nghiệp đang thiếu hụt, trình độ ngoại ngữ.
Định cư dạng doanh nhân: Đối với những người đã từng có kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, có tài sản ở mức quy định tối thiểu nào đó và có mong muốn mở doanh nghiệp kinh doanh tại nước họ muốn sang định cư. Với trường hợp này thì tiêu chuẩn về kinh nghiệm quản lý cũng không đơn giản bao gồm chức vụ quản lý, số năm kinh nghiệm và quy mô doanh nghiệp họ từng quản lý phải đạt chuẩn nhất định. Ngoài ra họ phải có đề án kinh doanh và khi sang định cư cũng sẽ bị kiểm tra hiệu quả của việc điều hành kinh doanh bao gồm cả số việc làm tạo ra, lợi nhuận và việc đóng thuế. Trên cơ sở đó thì việc định cư mới được lâu dài và cho phép nhập quốc tịch sau này.
Định cư dạng đầu tư: Đây là trường hợp cho phép định cư với những người có trình độ quản lý, có nhiều tiền. Cụ thể như ở Canada thì phải có số tài sản chứng minh được là 1,6 triệu CAD và phải bỏ vào một ngân hàng số tiền là 800.000 CAD trong 5 năm mà không được hưởng lãi. Sau đó thì sẽ được hòan trả lại số tiền và với trường hợp này thì không cần phải có hoạt động kinh doanh hay phương án kinh doanh như dạng định cư doanh nhân.