Các hình thức đấu giá đất? Cách đấu giá đất bỏ phiếu kín? Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và không đấu giá quyền sử dụng đất.
Đấu giá đất là hình thức bán đất công khai có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định của pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc nắm về các hình thức đấu giá đất, cách đấu giá đất bỏ phiếu kín và các vấn đề liên quan đến đấu giá đất.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
– Luật Đấu giá tài sản 2016;
– Luật Đất đai 2013.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các hình thức đấu giá đất:
- 2 2. Cách đấu giá đất bỏ phiếu kín:
- 2.1 2.1. Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá theo hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp (bỏ phiếu kín) tại cuộc đấu giá theo trình tự sau đây:
- 2.2 2.2. Việc trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên được thực hiện như sau:
- 2.3 2.3. Việc chấp nhận giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống được thực hiện như sau:
- 3 3. Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất:
- 4 4. Đối tượng được tham gia đấu giá đất:
1. Các hình thức đấu giá đất:
Theo điều 40
– Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có đất đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá:
+) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
+) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
+) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
+) Đấu giá trực tuyến
– Phương thức đấu giá bao gồm:
+) Phương thức trả giá lên;
+) Phương thức đặt giá xuống.
– Hình thức đấu giá, phương thức đấu giá phải được quy định trong Quy chế cuộc đấu giá và công bố công khai cho người tham gia đấu giá biết.
2. Cách đấu giá đất bỏ phiếu kín:
Điều 42 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định về việc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá.
2.1. Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá theo hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp (bỏ phiếu kín) tại cuộc đấu giá theo trình tự sau đây:
– Giới thiệu bản thân, người giúp việc; công bố danh sách người tham gia đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá;
– Đọc Quy chế cuộc đấu giá;
– Giới thiệu từng tài sản đấu giá;
– Nhắc lại mức giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm;
– Thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá, đặt giá;
– Phát số cho người tham gia đấu giá;
– Hướng dẫn cách trả giá, chấp nhận giá và trả lời câu hỏi của người tham gia đấu giá;
– Nhắc lại yêu cầu đối với phiếu trả giá hợp lệ, thời gian để thực hiện việc ghi phiếu;
– Điều hành việc trả giá, chấp nhận giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản.
2.2. Việc trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên được thực hiện như sau:
– Người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu trả giá, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình. Hết thời gian ghi phiếu, đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá nộp phiếu trả giá hoặc bỏ phiếu vào hòm phiếu; kiểm đếm số phiếu phát ra và số phiếu thu về; công bố từng phiếu trả giá, phiếu trả giá cao nhất với sự giám sát của ít nhất một người tham gia đấu giá;
– Đấu giá viên công bố giá cao nhất đã trả của vòng đấu giá đó và đề nghị người tham gia đấu giá tiếp tục trả giá cho vòng tiếp theo. Giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề;
– Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất và công bố người đó là người trúng đấu giá;
– Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả mức giá cao nhất, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá. Nếu có người trả giá cao nhất không đồng ý đấu giá tiếp hoặc không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá.
2.3. Việc chấp nhận giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống được thực hiện như sau:
– Người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu chấp nhận giá, ghi việc chấp nhận, giá khởi điểm mà đấu giá viên đưa ra vào phiếu của mình. Hết thời gian ghi phiếu, đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá nộp phiếu chấp nhận giá hoặc bỏ phiếu vào hòm phiếu; kiểm đếm số phiếu phát ra và số phiếu thu về;
– Đấu giá viên công bố việc chấp nhận giá của từng người tham gia đấu giá với sự giám sát của ít nhất một người tham gia đấu giá;
– Đấu giá viên công bố người chấp nhận giá khởi điểm và công bố người đó là người trúng đấu giá. Trường hợp không có người nào chấp nhận giá khởi điểm thì đấu giá viên công bố mức giảm giá và tiến hành việc bỏ phiếu với mức giá đã giảm;
– Trường hợp có từ hai người trở lên cùng chấp nhận giá khởi điểm hoặc giá đã giảm thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá.
3. Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất:
3.1. Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất:
Theo khoản 1 điều 118
– Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua;
– Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;
– Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;
– Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;
– Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
– Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;
– Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân;
– Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp trên mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
3.2. Các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất:
Theo khoản 2 điều 118 Luật đất đai 2013 quy định các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm:
– Giao đất không thu tiền sử dụng đất;
– Sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 110 của Luật này;
– Sử dụng đất quy định tại các điểm b, g khoản 1 và khoản 2 Điều 56 của Luật này;
– Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản;
– Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ;
– Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền;
– Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
– Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
– Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định
4. Đối tượng được tham gia đấu giá đất:
Đối tượng được tham gia đấu giá đất gồm: Tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo quy định của luật đất đai 2013.
– Đối tượng được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất:
+) Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;
+) Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
+) Người Việt Nam định cự ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.
+)Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
– Đối tượng được nhà nước cho thuê đất:
+) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
+) Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao
+) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;
+) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;
+) Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê;
+) Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;
+) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.