Bảo vệ hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân. Pháp luật cũng quy định rõ những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động cấp thoát nước.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc hoạt động và chính sách phát triển ngành nước:
– Phải đảm bảo tài nguyên nước được quản ký, bảo vệ, khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm, sử dụng hợp lý và một cách hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu phát triển một cách bền vững kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
– Ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước.
– Có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho Nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt.
– Đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
– Hỗ trợ phát triển nguồn nước và phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước.
– Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.
– Nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển các nguồn nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt, thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra có cơ chế đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.
– Bảo đảm ngân sách cho các hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động cấp thoát nước:
Căn cứ Điều 9 Văn bản hợp nhất số 34/VBHN-VPQH quy định các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động cấp thoát nước, cụ thể gồm:
– Hành vi xả nước thải, đưa chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
– Hành vi xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước.
– Hành vi đổ chất thải, rác thải; làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
– Hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
– xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào hoặc thông qua các hình thức khác để đưa nước thải vào trong lòng đất.
– Có hành vi gian lận trong việc xả nước thải.
– Thực hiện các hành vi cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch như đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép.
– Thực hiện khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây hậu quả như sau: sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa.
– Thực hiện xây dựng hồ chứa, đập, công trình khai thác nước trái quy hoạch về tài nguyên nước.
– Có hành vi khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa.
– Thực hiện những hành vi nhằm cản trở hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Thực hiện những hành vi phá hoại công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
– Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.
– Thực hiện những hành vi trái phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất.
3. Mức xử phạt khi thực hiện hành vi vi phạm về sử dụng hệ thống thoát nước:
– Mức phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng:
Thực hiện hành vi đấu nối hệ thống thoát nước của công trình vào hệ thống thoát nước chung không đúng các quy định của thỏa thuận đấu nối.
– Mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng:
+ Không tiến hành xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
+ Không thực hiện bảo vệ an toàn, hiệu quả và tiết kiệm trong quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy định.
+ Không quản lý tài sản được đầu tư từ nguồn vốn của chủ sở hữu công trình thoát nước và xử lý nước thải theo hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đã ký kết.
+ Với những đối tượng có nhu cầu không thực hiện cung cấp thông tin thỏa thuận đấu nối.
+ Không thiết lập cơ sở dữ liệu, quản lý các hộ thoát nước đấu nối vào hệ thống thoát nước do mình quản lý hoặc không phối hợp với đơn vị cấp nước hoặc không trực tiếp tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước theo quy định.
+ Không bảo đảm duy trì ổn định dịch vụ thoát nước.
+ Không tiến hành báo cáo định kỳ theo quy định tới chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước ở địa phương và trung ương.
Ngoài mức phạt tiền như trên, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:
– Bắt buộc đấu nối đúng quy định tương ứng với hành vi vi phạm.
– Bắt buộc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy trình quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo quy định.
– Bắt buộc cung cấp thông tin thỏa thuận đấu nối cho các đối tượng có nhu cầu.
– Bắt buộc bảo đảm duy trì ổn định dịch vụ thoát nước.
– Bắt buộc thiết lập cơ sở dữ liệu, quản lý các hộ thoát nước đấu nối vào hệ thống thoát nước do mình quản lý hoặc buộc phối hợp với đơn vị cấp nước hoặc buộc trực tiếp tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước theo quy định.
– Bắt buộc bảo đảm duy trì ổn định dịch vụ thoát nước theo quy định.
– Bắt buộc thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định tới chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước ở địa phương và trung ương.
4. Đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả hoạt động cấp thoát nước:
Hoạt động cấp nước sạch là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát của nhà nước; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải là hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích. Dịch vụ cấp nước phải bảo đảm cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ thoát nước phải bảo đảm quản lý thoát nước an toàn và bền vững, kiểm soát, phòng chống ngập úng. Do đó, việc ưu tiên thực hiện các chính sách đảm bảo cấp thoát nước là điều cần thiết.
Hiện nay, Bộ xây dựng đã đề xuất các nguyên tắc quản lý hoạt động cấp thoát nước và xử lý nước thải với mục đích để bảo vệ tài nguyên nước cũng như đảm bảo cuộc sống cho người dân xung quanh.
Theo đó, cần bố trí kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Tiến hành xây dựng hệ thống giám sát, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Bên cạnh đó có những cơ chế ưu tiên, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Có chính sách ưu đãi thuế đối với các cá nhân, tổ chức quản lý, khai thác công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Đa dạng hoá hình thức đầu tư.
Khuyến khích xã hội hóa ngành nước, huy động, khai thác tối ưu nguồn lực tham gia đầu tư phát triển và quản lý, vận hành công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Trường hợp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng phải có những biện pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 34/VBHN-VPQH Luật tài nguyên nước.
Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BXD Nghị định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.