Pháp luật quy định Hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển các hành khách vì lý do an ninh. Điều 17 Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không quy định các trường hợp sau đây hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển các hành khách vì lý do an ninh:
Mục lục bài viết
- 1 1. Hành khách là người mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình:
- 2 2. Hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã không đáp ứng được quy định của pháp luật:
- 3 3. Hành khách là người bị từ chối nhập cảnh nhưng không tự nguyện về nước không do hãng hàng không vận chuyển vào Việt Nam:
- 4 4. Theo yêu cầu của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài:
1. Hành khách là người mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình:
– Căn cứ khoản 1 Điều 17 của Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không quy định hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển những hành khách là người mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình.
– Hành khách không làm chủ được hành vi là hành khách trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc hành khách mất khả năng điều khiển hành vi của mình do bị bệnh tâm thần hoặc do sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích.
– Việc chấp nhận chuyên chở hành khách bị bệnh tâm thần do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định. Trong trường hợp hãng hàng không chấp nhận chuyên chở phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
+ Hành khách bị bệnh tâm thần phải có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được các hành vi bất thường của hành khách. Trong trường hợp cần thiết thì hành khách bị bệnh tâm thần cần phải được gây mê trước khi lên tàu bay, thời gian tác dụng của thuốc sẽ phải lâu hơn thời gian bay;
+ Hành khách bị bệnh tâm thần và hành lý, vật dụng của họ phải được kiểm tra trực quan; việc kiểm tra có thể sẽ được bố trí tại khu vực riêng;
+ Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của đại diện hãng hàng không, các nhân viên kiểm soát an ninh hàng không phải hộ tống hành khách bị bệnh tâm thần lên tàu bay và ngược lại;
+ Đại diện hãng hàng không phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của hành khách mà bị bệnh tâm thần. Người chỉ huy tàu bay thông báo cho người khai thác cảng hàng không, sân bay nơi mà tàu bay dự định hạ cánh về các yêu cầu trợ giúp nếu xét thấy cần thiết.
– Việc chấp nhận chuyên chở hành khách đã sử dụng rượu, bia hoặc là chất kích thích nhưng chưa đến mức không làm chủ được hành vi sẽ do đại diện hãng hàng không đánh giá, quyết định. Khi chuyên chở những đối tượng này, hãng hàng không phải áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không thích hợp.
2. Hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã không đáp ứng được quy định của pháp luật:
Pháp luật về an ninh hàng không quy định khi vận chuyển các hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã sẽ phải có người của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp giải, nếu như không có người của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp giải thì hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển các hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã.
Kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách là các bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã được thực hiện như sau:
– Khi làm thủ tục hàng không, người áp giải phải xuất trình lệnh hoặc quyết định áp giải của cơ quan có thẩm quyền;
– Đại diện hãng hàng không phối hợp với người áp giải đánh giá về nguy cơ trong việc vận chuyển hành khách bị áp giải và quyết định những biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn phù hợp;
– Đại diện hãng hàng không thông báo cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không và Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay nơi đi;
– Người áp giải và người bị áp giải có thể sẽ được bố trí kiểm tra an ninh hàng không tại khu vực riêng. Người bị áp giải và hành lý, vật dụng của họ cũng phải được kiểm tra trực quan;
– Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không phối hợp với người áp giải quản lý, giám sát chặt chẽ ở trong quá trình đưa người bị áp giải lên, xuống tàu bay;
– Đại diện hãng hàng không phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của các hành khách là bị can, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ và người áp giải cùng với những công cụ hỗ trợ họ mang theo. Người chỉ huy tàu bay phải thông báo cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không nơi tàu bay dự định hạ cánh về các yêu cầu trợ giúp cần thiết nếu có.
3. Hành khách là người bị từ chối nhập cảnh nhưng không tự nguyện về nước không do hãng hàng không vận chuyển vào Việt Nam:
Căn cứ khoản 3 Điều 17 của Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không quy định hành khách bị từ chối nhập cảnh nhưng lại không tự nguyện về nước không do hãng hàng không vận chuyển vào Việt Nam là một trong những đối tượng mà hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển vì lý do an ninh.
Quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát an ninh hàng không đối với hành khách bị từ chối nhập cảnh như sau:
– Hãng hàng không phải chịu trách nhiệm về hành khách do hãng chuyên chở bị Việt Nam từ chối nhập cảnh và có nghĩa vụ sau:
+ Chuyên chở hành khách rời khỏi Việt Nam trong thời gian sớm nhất;
+ Phối hợp với công an cửa khẩu tạm giữ giấy tờ về nhân thân của hành khách và làm các thủ tục để có các giấy tờ khác do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp nhằm với mục đích vận chuyển hành khách đó rời khỏi Việt Nam nếu hành khách không có giấy tờ về nhân thân hợp lệ;
+ Thông báo cho công an cửa khẩu danh sách các hành khách, thời gian, địa điểm quản lý các hành khách bị từ chối nhập cảnh và chuyến bay chuyên chở hành khách rời khỏi Việt Nam;
+ Thông báo cho Cảng vụ hàng không danh sách các hành khách, thời gian, địa điểm quản lý các hành khách bị từ chối nhập cảnh và chuyến bay chuyên chở hành khách rời khỏi Việt Nam;
+ Tiếp nhận giấy tờ về nhân thân hoặc những giấy tờ khác do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cung cấp và chỉ giao lại các giấy tờ nêu trên khi hành khách đã được bàn giao cho nhà chức trách có thẩm quyền của quốc gia nơi tàu bay đến.
– Trường hợp hãng hàng không chuyên chở hành khách bị từ chối nhập cảnh tại nước ngoài về nước Việt Nam thì hãng hàng không có trách nhiệm phối hợp với các nhà chức trách có thẩm quyền của nước sở tại để có những giấy tờ về nhân thân của hành khách đó hoặc những giấy tờ khác do nhà chức trách có thẩm quyền của nước sở tại cấp nhằm mục đích vận chuyển hành khách.
– Trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh được quản lý, giám sát tại cảng hàng không, sân bay thì lực lượng kiểm soát an ninh hàng không quản lý, giám sát hành khách bị từ chối nhập cảnh. Trong trường hợp hành khách bị từ chối nhập cảnh không tự nguyện về nước thì hãng hàng không phải bố trí nhân viên an ninh áp giải trên chuyến bay, tối thiểu là 01 nhân viên áp giải 01 hành khách.
– Hãng hàng không chịu mọi chi phí liên quan đến hành khách bị từ chối nhập cảnh.
– Đại diện hãng hàng không sẽ phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của hành khách mà bị từ chối nhập cảnh và người áp giải cùng với các công cụ hỗ trợ mang theo. Người chỉ huy tàu bay thực hiện thông báo cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay hoặc là nhà chức trách nước ngoài nơi tàu bay dự định hạ cánh về các yêu cầu trợ giúp cần thiết.
– Trường hợp hành khách mang quốc tịch nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó lại xuất cảnh để đi nước thứ ba nhưng bị từ chối nhập cảnh và buộc phải trở lại Việt Nam thì hãng hàng không chịu trách nhiệm vận chuyển hành khách đó trở lại Việt Nam, bàn giao cho Công an cửa khẩu và hãng hàng không phối hợp với Công an cửa khẩu về xác minh hành trình, thông tin nhân thân, quốc tịch của hành khách để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
4. Theo yêu cầu của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài:
Căn cứ khoản 4 Điều 17 của Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không quy định theo yêu cầu của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam (ví dụ như cơ quan công an, cơ quan thi hành án, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân,…) hoặc nước ngoài thì hãng hàng không căn cứ theo yêu cầu của nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài từ chối vận chuyển các hành khách.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không;
– Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam;
– Thông tư 41/2020/TT-BGTVT sửa Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.