Tàu là phương tiện giao thông đường sắt được lập bởi đầu máy và toa xe, giá vé là chi phí hành khách phải trả khi di chuyển bằng tàu. Vậy câu hỏi đặt ra: Pháp luật hiện nay ghi nhận như thế nào về các đối tượng chính sách xã hội được miễn, giảm giá vé tàu?
Mục lục bài viết
1. Các đối tượng chính sách xã hội được miễn, giảm giá vé tàu:
1.1. Đối tượng chính sách xã hội được miễn, giảm giá vé tàu gồm những ai?
Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt (sửa đổi bởi Nghị định 01/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt), có quy định miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách xã hội khi đi tàu, cụ thể như sau:
– Người hoạt động cách mạng trước giai đoạn ngày 1 tháng 1 năm 1945;
– Người hoạt động cách mạng từ giai đoạn ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;
– Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định của pháp luật (là danh hiệu vinh dự được Nhà nước Việt Nam phong tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, có những hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì độc lập quốc gia, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế);
– Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, đã chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
– Người khuyết tật đặc biệt nặng (là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn/suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên), người khuyết tật nặng (là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần/suy giảm chức năng, không tự kiểm soát/không tự thực hiện được một số hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc/suy giảm khả năng lao động từ 61% – 80%);
– Trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về trẻ em.
1.2. Mức miễn, giảm giá vé tàu cụ thể đối với các đối tượng chính sách xã hội:
Nhìn chung thì mức giảm và miễn giá vé tàu đối với các đối tượng chính sách xã hội cụ thể như sau:
– Trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về trẻ em được miễn giá vé khi đi cùng người lớn. Trẻ em được miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 2 đối tượng miễn vé đi cùng (tức là không được kèm quá 2 đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi trong cùng 1 lần đi tàu);
– Người hoạt động cách mạng trước giai đoạn ngày 1 tháng 1 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ giai đoạn ngày 1 tháng 1 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định của pháp luật, thì sẽ được giảm 90% giá vé;
– Các đối tượng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; nạn nhân chất độc màu da cam; người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng được giảm 30% giá vé, nhìn chung thì việc giảm giá vé được áp dụng theo giá vé bán thực tế của loại chỗ, loại tàu mà hành khách sử dụng;
– Trường hợp các chủ thể khi đi tàu được hưởng từ 2 chế độ giảm giá vé trở lên thì khi đó, những đối tượng thuộc chính sách xã hội này chỉ được hưởng một chế độ giảm giá vé cao nhất. Khi đi tàu, để được miễn giảm giá vé tàu theo quy định, hành khách cần phải xuất trình giấy chứng nhận hoặc giấy tờ tùy thân để chứng minh mình thuộc đối tượng hưởng chính sách xã hội;
– Việc miễn giảm giá vé đi tàu cho các đối tượng thuộc chính sách xã hội theo quy định của pháp luật khi các hành khách này đi tàu liên vận quốc tế sẽ được thực hiện theo các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với thông lệ quốc tế, mức mét giảm giá vé đối với các đối tượng thuộc chính sách xã hội này cũng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật; Căn cứ vào điều kiện và thời gian cụ thể thì các chủ thể có thẩm quyền đó là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt sẽ có thể mở rộng thêm các đối tượng được xét miễn giảm giá vé đi tàu tùy theo độ tuổi cũng như tùy theo các đối tượng hành khách khác nhau.
2. Các đối tượng khác không thuộc diện chính sách xã hội có được miễn, giảm giá vé tàu hay không?
Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt (sửa đổi bởi Nghị định 01/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt), có quy định miễn, giảm giá vé cho các đối tượng học sinh, sinh viên ngoài chính sách xã hội nêu trên, cụ thể như sau:
– Giảm 15% giá vé trên các tàu khách nhanh cho cán bộ công nhân viên ngành đường sắt hiện đang công tác và đã nghỉ hưu có thẻ ưu đãi giảm giá (áp dụng đối với tàu thường địa phương thì sẽ giảm với mức là 50% giá vé ngồi ,15% áp dụng đối với giá vé gường nằm);
– Giảm 50% giá vé loại chỗ ghế ngồi hoặc giảm 25% giá vé loại chỗ giường nằm cho trẻ em từ 6 đến 10 tuổi;
– Giảm 10% giá vé đối với học sinh trường SOS (nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn) và học sinh các trường khuyết tật;
– Giảm 10% giá vé cho học sinh, sinh viên, học viên các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, các trường đại học, các ngôi trường học viện (không bao gồm các sinh viên, học viên học sau đại học), các đối tượng này được gọi tắt là học sinh, sinh viên. Riêng giấy báo nhập học học sinh được mua 01 vé giảm giá cho một lượt đi và được mua thêm 01 vé giảm giá cho thân nhân đi cùng (nếu có);
– Giảm 10% giá vé cho người cao tuổi từ 65 trở lên, bởi đây là đối tượng đã có tuổi cần nhận được sự hỗ trợ của nhà nước;
– Giảm 50% giá vé áp dụng cho các đối tượng được xác định là trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 10 tuổi và được bố trí chỗ riêng;
– Giảm giá vé khi đi theo tập thể, bao gồm: Giảm 02% giá vé áp dụng đối với tập thể có từ 20 người đến 29 người; Giảm 04% giá vé áp dụng đối với tập thể có từ 30 người đến 39 người; Giảm 08% giá vé áp dụng đối với tập thể có từ 40 người đến 49 người; Giảm 10% giá vé áp dụng đối với tập thể có từ 50 người trở lên.
Ngoài ra, các đối tượng được ưu tiên mua vé được quy định theo thứ tự ưu tiên sau đây:
– Người có bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật có yêu cầu của cơ quan y tế phải nhanh chóng chuyển đi;
– Thương binh, bệnh binh;
– Người khuyết tật;
– Phụ nữ có thai;
– Người đi tàu kèm trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi;
– Người già trên 70 tuổi;
– Cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, công an; nhà báo đi công tác khẩn cấp.
3. Điều kiện mà các chủ thể cần phải lưu ý khi mua vé giảm giá và đi tàu:
Thứ nhất, khi mua vé, các chủ thể cần lưu ý những vấn đề sau:
– Đối với người cao tuổi (những người lớn tuổi, thường có độ tuổi khoảng từ 60 trở lên): xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân được pháp luật công nhận là người lớn tuổi;
– Đối với trẻ em: các bậc phụ huynh cần phải cung cấp thông tin tên và ngày, tháng, năm sinh cho nhân viên bán vé để tiến hành rà soát thông tin;
– Đối với Học sinh, sinh viên: phải xuất trình các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân … các loại giấy tờ chứng minh khác được pháp luật công nhận và thẻ sinh viên, học viên … do các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, học viện cấp còn hiệu lực;
– Các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội: thì khi đó họ cần phải xuất trình căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân … hoặc giấy tờ tùy thân (có ảnh) được pháp luật công nhận và Giấy xác nhận là đối tượng chính sách xã hội của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Lưu ý rằng: Riêng đối với giấy tờ chứng nhận đối tượng chính sách xã hội có ảnh và dấu giáp lai thì không phải xuất trình giấy tờ tùy thân.
Thứ hai, khi đi tàu, các chủ thể cần lưu ý những vấn đề sau:
– Trẻ em dưới 6 tuổi: phải có người lớn đi kèm; phải có bản sao giấy khai sinh hoặc hộ chiếu (trường hợp không có giấy tờ xác định được tuổi thì phải có chiều cao dưới 112 cm);
– Trẻ em từ 6 đến 10 tuổi: Có bản sao giấy khai sinh hoặc hộ chiếu (trường hợp không có giấy tờ xác định được tuổi thì phải có chiều cao dưới 132 cm);
– Các đối tượng cách sách xã hội, đối tượng giảm giá khác: các đối tượng này khi lên tàu phải mang theo đầy đủ giấy tờ như khi di mua vé để xuất trình cho nhân viên đường sắt kiểm tra khi có yêu cầu. Trường hợp giấy tờ tùy thân có thông tin không đúng với thông tin ghi trên vé giảm giá thì vé giảm giá đó coi như không hợp lệ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 01/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.