Việc nắm vững các dấu hiệu pháp lý của tội mua bán người là căn cứ để nghiên cứu biện pháp đấu tranh, phòng chống phù hợp, đồng thời giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền có thể xác định hành vi đã xảy ra có cấu thành tội phạm hay không, cấu thành tội danh cụ thể nào.
Để nâng cao chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án mua bán người, trước hết cần phải nắm vững các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội mua bán người. Việc nắm vững các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội này là căn cứ để nghiên cứu đường lối, giải pháp, biện pháp đấu tranh, phòng chống phù hợp, đồng thời giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền có thể xác định hành vi đã xảy ra có cấu thành tội phạm hay không, cấu thành tội danh cụ thể nào.
Qua nghiên cứu về tội mua bán người, có thể khái quát các dấu hiệu pháp lý của tội mua bán người theo quy định hiện hành như sau:
Mục lục bài viết
1. Khách thể của tội phạm:
Theo quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 thì khách thể của Luật hình sự là những quan hệ xã hội được Nhà nước xác định cần bảo vệ bằng những quy phạm pháp luật hình sự.
Khách thể của tội mua bán người xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của con người, xâm phạm đến quyền con người được pháp luật bảo vệ. Người phạm tội coi con người như một loại hàng hóa để mua, bán, trao đổi nhằm mục đích kiếm lợi hoặc vì mục đích khác.
2. Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm có những dấu hiệu như: Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, thời gian, địa điểm, phương tiện và công cụ phạm tội.
Trong các dấu hiệu trên thì hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc ở mọi tội phạm, hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động. Đối với tội mua bán người thì hành vi mua bán... là hành vi xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm con người, là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi mua bán người thể hiện ở hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi, mua bán người như một thứ hàng hóa. Người phạm tội coi người bị hại như một loại hàng hóa và có ý thức để trao đổi, mua bán. Trường hợp người bị hại đồng ý hay không đồng ý thì người thực hiện hành vi mua bán vẫn bị truy cứu TNHS vì người phạm tội ý thức được hành vi mua bán của mình. Để thực hiện việc phạm tội, người phạm tội có thể dùng các hành vi như sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, dụ dỗ, ép buộc bằng nhiều hình thức và thủ đoạn. Hậu quả của hành vi mua bán người là con người bị đem ra mua bán, trao đổi như hàng hóa, danh dự, nhân phẩm bị trà đạp, bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục... Tội phạm được coi là hoàn thành khi đã thực hiện việc thỏa thuận mua bán, không cần thiết phải hoàn thành việc trao đổi người hay lợi ích vật chất. Tức là nếu người phạm tội đã thực hiện một số hành vi như tìm kiếm người, liên hệ nơi bán, mua, thỏa thuận giá cả, nơi giao nhận... nhưng vì một nguyên nhân nào đó ngoài ý muốn mà họ không thực hiện được việc mua bán người thì đó là trường hợp phạm tội chưa đạt. Người thực hiện các hành vị nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người.
Theo Điều 150, Điều 151 BLHS năm 2015 quy định, hành vi phạm tội mua bán người là người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác thực hiện hành vi: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận trên cơ thể nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a, b khoản này.
Tội phạm mua bán người sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi, đa dạng và ngày càng phức tạp như lập ổ nhóm, đường dây liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ trong vùng mà thậm chí còn xuyên quốc gia. Các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, giao nhận người trong các vụ án mua bán người có thể do một người thực hiện nhưng cũng có thể do nhiều người thực hiện. Những người thực hiện ở các vai trò chủ mưu, tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức cho người thực hiện hành vi mua bán người đều là đồng phạm của tội mua bán người.
3. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội mua bán người là con người cụ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội một cách cố ý, là người có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định. Đây là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội danh này. Để xác định chủ thể của tội mua bán người thì cần căn cứ vào Điều 12 BLHS năm 2015.
BLHS năm 2015 quy định những người có năng lực TNHS là người không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Có nghĩa là, chủ thể của tội danh này phải là người có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và đạt độ tuổi từ 14 trở lên, kể cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng phải chịu TNHS theo khoản 1 Điều 150 và phải chịu TNHS theo quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này. Trong thực tế thì người phạm tội mua bán người hầu hết là người đã thành niên, những người chưa thành niên phạm tội này thường ở vai trò đồng phạm. Để xác định tuổi của người phạm tội thì cần căn cứ vào giấy khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác, trường hợp không có giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân khác hoặc nghi ngờ tính xác thực của giấy tờ tùy thân cần trưng cầu giám định để kết luận.
Theo quy định của phần chung và phần các tội phạm của BLHS năm 2015 thì đối với tội mua bán người, chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân mà không thể là pháp nhân thương mại.
4. Mặt chủ quan của tội phạm:
Mặt chủ quan của tội phạm là các dấu hiệu bên trong của tội phạm, phản ánh trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó gây ra. Theo tâm lý học thì mọi hoạt động của con người đều có ý thức và tội phạm là một dạng hoạt động có ý thức gồm bên trong và bên ngoài. Hai mặt này luôn là một thể thống nhất không tách rời nhau. Mặt bên trong của tội phạm là diễn biến tâm lý của tội phạm gồm lỗi, động cơ, mục đích của tội phạm.
Như vậy, mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, động cơ, mục đích, trong đó lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm, có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý. Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó gây ra. Mặt chủ quan của tội mua bán người là lỗi cố ý (ở loại tội phạm này chỉ có thể là cố ý trực tiếp). Đây là tội phạm có cấu thành hình thức nên hậu quả của tội phạm, người phạm tội có thể nhìn thấy trước hoặc không thấy trước.
Lỗi cố ý trực tiếp là khi người phạm tội thực hiện hành vi mua bán, trao đổi người khác và nhận thức rõ hành vi của mình, mong muốn hành vi đó diễn ra.
Động cơ của người phạm tội mua bán người có thể là vì vụ lợi hoặc vì những động cơ đê hèn như trả thù cá nhân…