Các dấu hiệu pháp lý của tội giết người: Khách thể của Tội giết người, Mặt khách quan của tội giết người, Chủ thể của Tội giết người, Mặt chủ quan của Tội giết người.
Bất kỳ một loại tội phạm nào cũng có CTTP của nó, CTTP bao gồm: Khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Có nghĩa là hành vi nào thiếu một trong bốn dấu hiệu trên thì không đủ yếu tố CTTP và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mỗi trường hợp cụ thể của tội phạm nhất định có những biểu hiện riêng ở bốn yếu tố CTTP. Nghiên cứu CTTP có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm hiểu bản chất pháp lý tội phạm, đồng thời giúp người tiến hành tố tụng nhận biết được tội phạm này với tội phạm khác để xác định đúng tội danh và xử lý đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 8 BLHS thì “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS… ”, Nhà nước quy định tội phạm trong luật hình sự bằng cách mô tả những dấu hiệu của CTTP và quy định những dấu hiệu đã được quy định trong luật hình sự. Do vậy tất cả những dấu hiệu của CTTP đều phải là những dấu hiệu đã được quy định trong Luật hình sự. BLHS không nói rõ từng dấu hiệu pháp lý của mỗi loại tội phạm cụ thể, nhưng qua nghiên cứu và ADPL chúng ta có thể rút ra những dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng cho từng loại tội cụ thể. Theo đó, Tội giết người có những dấu hiệu pháp lý sau đây:
Mục lục bài viết
1. Khách thể của Tội giết người:
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại bằng cách gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội đó.
Tội giết người trong BLHS năm 2015 được quy định tại Chương XIV thuộc các chương các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Trong đó, quyền được sống là đặc trưng cho khách thể của Tội giết người. Vì “Tội giết người là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý xâm phạm tính mạng của người khác”.
Như vậy, khách thể của Tội giết người là hành vi trái pháp luật của người có năng lực trách nhiệm hình sự cố ý đoạt tính mạng, tước bỏ quyền sống của người khác. Quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người. Cuộc sống con người bắt đầu từ khi họ được sinh ra đến khi họ chết.
Tội phạm giết người trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội phạm giết người là con người đang sống.
2. Mặt khách quan của tội giết người:
Mặt khách quan của tội phạm này là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm bao gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội…..
Hành vi khách quan của Tội giết người là những biểu hiện của con người ra thế giới khách quan có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là hành vi đó phải có khả năng gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật tức là pháp luật cấm mà cứ làm, luật bắt làm mà không làm. Những hành vi không có khả năng gây ra cái chết cho người khác hoặc tuy có khả năng gây ra cái chết cho người khác nhưng không trái pháp luật thì đều không phải là hành vi khách quan của Tội giết người, ví dụ như phòng vệ chính đáng.
Hành vi khách quan của Tội giết người được coi là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
Một là, về mặt thời gian hành vi khách quan của Tội giết người phải xảy ra trước khi có hậu quả chết người.
Hai là, hậu quả chết người đã xảy ra phải là sự hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi giết người.
Ba là, hành vi khách quan của Tội giết người độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với một hay nhiều hiện tượng khách quan phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người.
Mặt khách quan của Tội giết người được thể hiện ở hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật bằng những thủ đoạn và phương tiện khác nhau gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hành vi tước đoạt tính mạng được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Những hành vi không có khả năng này không thể coi là hành vi khách quan của Tội giết người. Hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người có thể là hành động như: Bắn, chém, đâm đấm đá, đốt cháy, thiêu, dùng điện giật, đầu độc, bóp cổ, chôn sống … hoặc dùng hung khí tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể con người. Hành vi khách quan của tội giết người cũng có thể coi là không hành động đó là những trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm một số việc nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng cho người khác nhưng họ không hành động, không thực hiện những việc làm đó. Không hành động của họ trong trường hợp này có khả năng gây ra cái chết cho người khác. Chẳng hạn, để trả thù người có thai đến thời kỳ sinh nở, không thể sinh bình thường mà phải mổ, bác sĩ phụ sản trực tiếp xử lý ca mổ đã cố ý trì hoãn không cho mổ với mục đích giết hại người đó và dẫn đến người đó chết; hay một Y tá, điều dưỡng cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để bệnh nhân chết mặc dù người này phải có nghĩa vụ cho người bệnh uống thuốc; hay để thực hiện âm mưu trả thù một người đã lập kế hoạch làm thuyền chỉ chìm giữa hồ và thấy người khác đang trong tình trạng đuối nước và có khả năng chết đuối nhưng không cứu giúp.
Tuy nhiên, các hành vi nói trên đều phải trái pháp luật, với những ví dụ trên là làm trái với quy trình làm việc, không thực hiện chức trách nhiệm vụ với mong muốn cho người bệnh bị chết mới cấu thành tội giết người. Vì vậy, không coi là phạm tội giết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc thi hành án tử hình … Ngoài một số trường hợp nêu trên thì tất cả những hành vi tước bỏ quyền sống của người khác, kể cả được sự đồng ý của nạn nhân cũng đều được coi là trái pháp luật. Ví dụ: tước đoạt tính mạng của người mắc bệnh hiểm nghèo nhằm tránh đau đớn kéo dài cho họ theo sự yêu cầu của nạn nhân và gia đình nạn nhân. Dù với động cơ nào, theo Luật hình sự Việt Nam những trường hợp này cũng bị coi là trái pháp luật theo Luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, một số nước trên thế giới lại cho phép và công nhận việc tước đoạt tính mạng người khác trong những trường hợp đó là hợp pháp ví dụ như Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ, Pháp, Argentina, Canada và 5 bang của Mỹ.
Được coi là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Hậu quả trực tiếp của Tội giết người là làm chết người trong trường hợp tội phạm đã hoàn thành. Để truy cứu TNHS về Tội giết người, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Nhưng cũng có trường hợp nạn nhân chỉ bị thương, bị cố tật hoặc thậm chí nạn nhân không bị ảnh hưởng gì trong trường hợp giết người chưa đạt như: Nạn nhân bị bắn nhưng không trúng hoặc trúng nhưng không chết, nạn nhân bị chém vào đầu, đâm vào ngực, bụng nhưng chỉ bị thương tích 10% hoặc 20%, đuổi đánh nạn nhân bằng xe máy, ô tô làm nạn nhân điều khiển xe máy bỏ chạy và tai nạn dẫn đến tử vong, đầu độc nạn nhân nhưng được cấp cứu kịp thời nên không chết … . Việc nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Đây là trường hợp giết người chưa đạt đã hoàn thành.
Phân biệt tội phạm giết người theo Điều 123 BLHS với một số hành vi tuy cũng tước đoạt tính mạng con người nhưng không thuộc Điều 123 như:
+ Nếu đối tượng bị chết là con mới đẻ thì cấu thành Tội giết hoặc vứt con mới đẻ (Điều 124 BLHS).
+ Nếu giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân thì cấu thành Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125 BLHS).
+ Nếu giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì cấu thành Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126 BLHS).
+ Nếu tự làm chết chính bản thân mình thì là tự tử.
Việc xác định mối quan hệ nhân quả là điều kiện cần thiết để có thể buộc người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người đã xảy ra. Người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những hậu quả chết người đã xảy ra, nếu hành vi họ thực hiện là nguyên nhân của hậu quả chết người đã xảy ra đó. Việc xác định này trong nhiều trường hợp cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi có sự hỗ trợ của giám định pháp y. Vì vậy, khi xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phải xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả với những đặc điểm sau:
+ Hành vi là nguyên nhân gây ra chết người phải là hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. Ví dụ: Sau khi bị bắn hoặc đâm vào ngực thì nạn nhân chết.
Tuy nhiên, không phải bất cứ hành vi nào xảy ra trước hậu quả chết người đều là nguyên nhân mà chỉ những hành vi có mối quan hệ nội tại, tất yếu với hậu quả thì mới là nguyên nhân. Mối quan hệ nội tại, tất yếu đó thể hiện ở chỗ khi cái chết của nạn nhân có cơ sở ngay trong hành vi của người phạm tội; hành vi của người phạm tội đã mang trong đó mầm mống sinh ra hậu quả chết người. Ví dụ: Một người dùng súng ngắm bắn vào đầu của người khác hoặc dùng dao dài 60cm, bản rộng 10cm chém vào đầu nạn nhân tất yếu sẽ dẫn đến cái chết cho người này. Nhưng nếu hành vi đó mang trong nó mầm mống dẫn đến cái chết cho nạn nhân nhưng hành vi đó lại được thực hiện trong hoàn cảnh không có những điều kiện cần thiết để hậu quả chết người xảy ra thì người có hành vi đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Ví dụ: B có ý định dùng dao chém vào đầu C nhằm tước đoạt tính mạng của C.
+ Hậu quả chết người có trường hợp không phải do một nguyên nhân gây ra mà do nhiều nguyên nhân gây ra, thì cần phải phân biệt nguyên nhân nào là nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân nào là nguyên nhân gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là nguyên nhân nếu không có nó thì hậu quả không xảy ra. Nó quyết định những đặc trưng tất yếu chung của hậu quả ấy. Còn nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời cá biệt không ổn định của hậu quả, khi nó tác dụng vào hậu quả thì có tác dụng hạn chế. Ví dụ: có nhiều người đánh một người, người bị đánh chết là do đòn tập thể. Nhưng trong đó có hành vi của một người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết cho nạn nhân, còn hành vi của những người khác chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Dù là chủ yếu hay thứ yếu thì tất cả những người đó đều phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người nhưng mức độ có khác nhau.
+ Khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cần phân biệt nguyên nhân và điều kiện. Điều kiện là những hiện tượng khách quan hoặc chủ quan, nó không trực tiếp gây ra hậu quả nhưng nó đi với nguyên nhân trong không gian và thời gian và ảnh hưởng đến nguyên nhân và bảo đảm cho nguyên nhân có sự phát triển cần thiết để sinh ra hậu quả. Nếu một người có hành vi không liên quan đến việc giết người và người đó không biết hành vi của mình đã tạo điều kiện cho người khác giết người thì không phải chịu trách nhiệm về Tội giết người. Ví dụ: T cho Y đi nhờ xe mô tô nhưng không biết Y đi nhờ xe của mình là để đuổi kịp M và giết M.
3. Chủ thể của Tội giết người:
Chủ thể của tội phạm: Là người thực hiện hành vi phạm tội phải có năng lực TNHS và đạt độ tuổi nhất định.
+ Người có năng lực TNHS: Là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và có khả năng điều khiển được hành vi của mình. Có nghĩa là người đó có khả năng kiềm chế được hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể lựa chọn cách xử sự khác phù hợp, không gây nguy hiểm cho xã hội và được pháp luật cho phép.
Những người tước bỏ tính mạng của người khác một cách trái pháp luật nhưng không có năng lực TNHS thì không phải chịu TNHS do hành vi của mình gây ra và thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và theo quy định tại Điều 21 BLHS. Tình trạng không có năng lực TNHS là “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định những trường hợp hạn chế năng lực TNHS. Đó là trường hợp do mắc bệnh nên hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Những người này vẫn phải chịu TNHS do hành vi của mình gây ra nhưng khi xét xử được xem xét là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm q, khoản 1 Điều 51 BLHS: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
+ Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
Điều 12 BLHS quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này. Có nghĩa là người từ đủ 14 tuổi trở lên khi vi phạm các điều luật trên nhưng phải ở khung quy định hình phạt tối thiểu là trên 7 năm tù trở lên.
Từ những phân tích nêu trên chúng ta xác định được chủ thể của tội giết người là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực TNHS.
4. Mặt chủ quan của Tội giết người:
Mặt chủ quan của tội phạm là diễn biến tâm lý bên trong của người phạm tội bao gồm: Lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.
* Lỗi của người phạm Tội giết người: Lỗi cố ý ở đây có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
+ Trong trường hợp lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra (hoặc tất nhiên sẽ xảy ra), nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
+ Trong trường hợp lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình, người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hay nói một cách khác, họ chấp nhận hậu quả đó. Trong trường hợp hậu quả chết người đã xảy ra, việc xác định lỗi là cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không có ý nghĩa trong việc định tội. Nhưng trong trường hợp hậu quả chết người chưa xảy ra, việc xác định lỗi này có ý nghĩa rất quan trọng. Cụ thể là:
Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người nhưng ở giai đoạn chưa đạt.
Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích (nếu có thương tích xảy ra) hay các tội phạm khác mà người phạm tội đã thực hiện (không mong muốn hậu quả chết người nhưng có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra nhưng nó chưa xảy ra), mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người chưa đạt. Trong thực tiễn, việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không phải luôn đơn giản, mà trong nhiều trường hợp hết sức phức tạp. Việc xác định lỗi còn đặc biệt phức tạp hơn trong những trường hợp xác định lỗi cố ý gián tiếp hay chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin đối với hậu quả chết người.
* Mục đích, động cơ phạm tội: Không phải là dấu hiệu bắt buộc của CTTP giết người. Nhưng cần phải làm rõ động cơ, mục đích của người phạm tội để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội vì một số trường hợp luật quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Cụ thể như: Vì động cơ đê hèn, để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác…