Vấn đề bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán là một trong những mục tiêu quan trọng, cơ bản nhất mà nhà nước Việt Nam hướng tới, nhằm mục đích phát triển thị trường chứng khoán ổn định, bền vững và công bằng. Dưới đây là một số biện pháp quản lý bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Các biện pháp pháp lý bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán:
Trước hết, cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán. Căn cứ theo quy định tại khoản 16 Điều 4 của Luật chứng khoán năm 2019 có quy định về nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán là các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Bảo vệ nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư chứng khoán nói riêng là một trong những mục tiêu vô cùng quan trọng. Dưới góc độ kinh tế, thì nhà đầu tư chứng khoán chính là những người bỏ tiền ra mua hoặc bán chứng khoán trên thị trường nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Khác với các loại hàng hóa thông thường, tư cách nhà đầu tư chứng khoán không bắt đầu phát sinh khi họ thực hiện hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường, từ các nhà đầu tư chứng khoán sẽ xuất hiện ngay khi họ thực hiện thủ tục mở tài khoản tại các công ty chứng khoán và tư cách này sẽ chấm dứt khi thực hiện thủ tục đóng tài khoản. Khi đó, một số biện pháp được đặt ra để bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Một số biện pháp pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán thông qua hoạt động thanh tra, giám sát. Biện pháp thanh tra và giám sát có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư chứng khoán khi họ tham gia vào thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán khi tham gia vào thị trường chứng khoán đều có thể phát sinh mâu thuẫn với các chủ thể khác, khi tham gia vào thị trường chứng khoán thì rủi ro xuất hiện rất cao, do đó bên cạnh các nghĩa vụ và điều kiện đối với từng chủ thể nhất định, cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và cần phải đưa ra các biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán. Cần phải thanh tra và kiểm tra quá trình thực hiện pháp luật, các đối tượng tham gia vào thị trường chứng khoán để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư một cách tối đa và hiệu quả nhất.
Thứ hai, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến quá trình tổ chức bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán. Các quy định nên tập trung vào thẩm quyền và phạm vi hoạt động, quy chế xử lý khi có mâu thuẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, quy định về vấn đề ủy thác khởi kiện, nội dung ủy thác và thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cần phải xem xét, kiến nghị và xây dựng đạo luật riêng biệt để bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán, trong đó cần phải nêu rõ nguyên tắc bảo vệ, cơ chế bảo vệ và các chính sách hoạt động trong quá trình bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán, quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán.
Thứ ba, thiết lập quy định về việc tiếp nhận hòa giải của các nhà đầu tư chứng khoán khi có tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh. Khi tranh chấp được đưa ra cơ quan tài phán Việt Nam, tòa án cần phải xem xét và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cần phải mở rộng phạm vi áp dụng bảo vệ đối với các nhà đầu tư, trong đó bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Điều này giúp nâng cao vị thế hội nhập của Việt Nam trên thị trường chứng khoán quốc tế, từ đó thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Có thể nói, quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vô cùng lớn, trong đó bao gồm quyền được hưởng các lợi ích vật chất từ việc mua bán chứng khoán, quyền tham gia vào thị trường chứng khoán, tham gia vào giao dịch chứng khoán, quyền tiếp cận thông tin trên thị trường chứng khoán, tham gia vào quá trình điều hành công ty chứng khoán, quyền khởi kiện khi lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nhà đầu tư chứng khoán sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi tham gia vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sẽ chấm dứt khi làm thủ tục đóng tài khoản. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng. Bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán để tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư, thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, giảm thiểu hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, hiện tượng đầu cơ quá mức và các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, cần phải đặc biệt quan tâm đến các biện pháp pháp lý bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán nêu trên.
2. Biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Luật chứng khoán năm 2019 có quy định về biện pháp bảo đảm an ninh và an toàn trên thị trường chứng khoán. Theo đó, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán sẽ bao gồm các biện pháp sau đây:
– Giám sát an ninh, an toàn thị trường chứng khoán;
– Ứng phó khắc phục sự cố, sự kiện và biến động ảnh hưởng đến quá trình an toàn, ổn định của thị trường, tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán;
– Tạm ngừng giao dịch, đình chỉ giao dịch đối với một số chứng khoán/một chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán;
– Tạm ngừng một phần, đình chỉ một phần/toàn bộ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con;
– Tạm ngưng một phần/đình chỉ một phần, đình chỉ toàn bộ, khôi phục hoạt động đăng ký, bù trừ/lưu ký, thanh toán chứng khoán của các Tổng công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;
– Cấm đảm nhiệm chức vụ tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, các chi nhánh công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, các công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc đầu tư chứng khoán vĩnh viễn, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và tham gia vào thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực chứng khoán và trên thị trường chứng khoán;
– Phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa các khoản tiền liên quan đến quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
3. Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Luật chứng khoán năm 2019 có quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần sẽ bao gồm các điều kiện sau đây:
– Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm thực hiện thủ tục đăng ký chào bán cổ phần với mức từ 30.000.000.000 đồng trở lên tính theo giá chị ghi nhận trên sổ sách kế toán;
– Hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian 02 năm liên tục trước năm đăng ký chào bán, đồng thời phải có lãi, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán cổ phần;
– Cần phải có phương án sử dụng vốn phù hợp thu được từ đợt chào bán cổ phần, phương án này phải được đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần thông qua;
– Tối thiểu là 15% số cổ phiếu cổ phần biểu quyết của tổ chức phát hành bắt buộc phải được chào bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn trong công ty cổ phần;
– Cổ đông lớn trong công ty cổ phần trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cần phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu trong khoảng thời gian 12 tháng tính kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
– Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự/bị kết án về một trong các tội xâm phạm an ninh trật tự quản lý kinh tế tuy nhiên chưa được xóa án tích;
– Có công ty chứng khoán tư vấn thành phần hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, ngoại trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
– Có văn bản cam kết và phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc giai đoạn chào bán;
– Tổ chức phát hành bắt buộc phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền cổ phiếu của đợt chào bán.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Chứng khoán năm 2019.
THAM KHẢO THÊM: