Kinh doanh rau, củ, quả có phải đóng thuế không? Cá nhân nộp thuế theo phương pháp kê khai của cá nhân kinh doanh? Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh?
Thuế là một khoản thu để nộp vào ngân sách nhà nước và các cá nhân, tổ chức kinh doanh phải có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Có nhiều loại thuế khác nhau tùy vào đối tượng và đặc điểm kinh doanh mà các cá nhân, tổ chức phải nộp thuế và thực hiện thủ tục về thuế theo quy định như cá nhân kinh doanh thì có phải nộp thuế không? Cá nhân kinh doanh rau, củ, quả có phải đóng thuế không? đó là những câu hỏi thường gặp hiện nay, dưới bài viết này chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở lý luận:
Nghị định Số: 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP
Dịch vụ Luật sư
1. Cá nhân kinh doanh rau, củ, quả có phải đóng thuế không?
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà em có mua xe tải 0.81 tấn, xe được lắp giáp tại Việt Nam, em chỉ phục vụ trở rau củ mua ở quê đi bán, mà thuế xã lại bắt đóng thuế, thuế GTGT kê khai gì đó em không rõ, Em muốn xin luật sư tư vấn giúp.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 79. Hộ kinh doanh Nghị định Số: 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định cụ thể:
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trò trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
Theo quy định trên, gia đình bạn mua xe tải phục vụ cho việc kinh doanh rau, củ, quả thuộc trường hợp hộ gia đình kinh doanh ” bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động” mà không phải đăng ký kinh doanh. Căn cứ theo quy định của pháp luật thì người nộp thuế bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Do đó, mặc dù không phải đăng ký kinh doanh nhưng gia đình bạn vẫn phải nộp thuế. Nếu bạn kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/ năm trở xuống thì không thuộc đối tượng nộp thuế. Các khoản thuế phải nộp bao gồm: lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
*Lệ phí môn bài
Nếu mức doanh thu của gia đình bạn được xác định trên 100 triệu đồng/ năm, bạn cần nộp một khoản lệ phí môn bài theo quy định tại Khoản 2 Điều 4
“Điều 4: Mức thu lệ phí môn bài
2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.”
*Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng
Căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật cụ thể như sau:
– Doanh thu tính thuế: là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiên cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế của các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
– Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
+ Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:
++ Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
++ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.
++ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
++ Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
– Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT * Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN * Tỷ lệ thuế TNCN
2. Cá nhân nộp thuế theo phương pháp kê khai của cá nhân kinh doanh
căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định:
” Điều 5. Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai
1. Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.
4. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.”
Theo quy định chúng tôi đưa ra như trên có thể thấy ngoài hộ kinh doanh và các cá nhân kinh doanh đáp ứng tiêu chí quy mô lớn phải nộp thuế theo phương pháp kê khai thì hộ kinh doanh và các cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng được tiêu chí đó nhưng lựa chọn phương pháp kê khai thì được nộp thuế theo phương pháp này là rất hợp lý, hon nữa pháp luật đã quy định chi tiết về phương pháp nộp thuế để cá nhân kinh doanh có thể thực hiện. Theo thực tế ta thấy so với các phương pháp nộp thuế khác thì chỉ có phương pháp kê khai hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới được lựa chọn, như vậy điều này cũng rất dễ hiểu vì phương pháp kê khai là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý theo quy định của pháp luật. So với phương pháp khoán thì phương pháp kê khai sẽ quản lý thuế chặt chẽ hơn, kỳ nộp hồ sơ khai thuế giống với các loại hình doanh nghiệp nên cá nhân kinh doanh nên lựa chọn phương pháp tính thuế này.
3. Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh
3.1. Hồ sơ khai thuế
Theo quy định của pháp luật thì hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai quy định tại điểm 8.2 Phụ lục I – Danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, cụ thể như sau:
+ Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu do pháp luật quy định.
+ Phụ lục Bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định.
3.2. Nơi nộp hồ sơ khai thuế
Nơi nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế 2019 quy định đó là Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3.3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế, cụ thể như sau:
+ Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
+ Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
3.4. Thời hạn nộp thuế
– Thời hạn nộp thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 quy định, cụ thể: Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Cá nhân kinh doanh rau, củ, quả có phải đóng thuế không” và các thông tin pháp lý dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.