Việc đăng ký mã số, mã vạch là rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Bởi có mã số, mã vạch sẽ giúp quá trình quản lý sản phẩm, hàng hóa được thuận lợi hơn. Vậy đối với cá nhân có được phép đăng ký mã số mã vạch không?
Mục lục bài viết
1. Cá nhân có được phép đăng ký mã số mã vạch không?
Hiện nay, pháp luật không cung cấp quy định cụ thể về đối tượng nào có quyền đăng ký mã số vạch. Tại Điều 2 Thông tư số 10/2020/TT-BKHCN quy định đối tượng áp dụng gồm có:
– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch.
– Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giải pháp liên quan đến mã số, mã vạch.
– Cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến sử dụng mã số, mã vạch.
Đồng thời, tại Điều 6 Thông tư số 10/2020/TT-BKHCN cũng quy định đối tượng thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch cho các đối tượng gồm có:
– Trường hợp cấp mới mã vạch:
+ Tổ chức, cá nhân chưa đăng ký sử dụng mã số, mã vạch.
+ Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch có nhu cầu đăng ký cấp mới khi: đã sử dụng hết quỹ mã số được cấp; đăng ký bổ sung mã GLN; trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch nhưng đã đủ điều kiện cấp lại theo quy định pháp luật hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch hết thời hạn hiệu lực.
– Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch: cá nhân, tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch và Giấy chứng nhận còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân.
Do đó, theo quy định trên thì sẽ hiểu là cá nhân được áp dụng đăng ký mã số mã vạch.
2. Hồ sơ, thủ tục đăng ký mã số, mã vạch cho cá nhân:
Thứ nhất, đối với trường hợp đăng ký cấp mới Giấy chứng nhận:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm có:
– Đơn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch theo quy định (mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP).
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập (bản sao).
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Cá nhân, tổ chức sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên sẽ nộp tại cơ quan thường trực về mã số, mã vạch.
Lưu ý: nếu như nộp hồ sơ trực tiếp thì phải có bản chính để đối chiếu. Còn trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì phải có bản sao được chứng thực hoặc bản sao y bản chính có ký tên, đóng dấu.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
(1) Trường hợp cấp mới Giấy chứng nhận:
Sau khi nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra:
– Nếu hồ sơ không đầy đủ thì cơ quan thường trực về mã số, mã vạch thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để sửa đổi, bổ sung trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ.
– Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cá nhân, tổ chức sẽ đóng các khoản phí theo quy định.
Cơ quan thường trực về mã số, mã vạch có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Thứ hai, trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm có:
– Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định (theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP).
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập đối với trường hợp thay đổi tên, địa chỉ (bản sao).
– Giấy chứng nhận (trừ trường hợp bị mất) – bản chính.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Cá nhân, tổ chức sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ như trên sẽ nộp tại cơ quan thường trực về mã số, mã vạch.
Lưu ý: nếu như nộp hồ sơ trực tiếp thì phải có bản chính để đối chiếu. Còn trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì phải có bản sao được chứng thực hoặc bản sao y bản chính có ký tên, đóng dấu.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Cơ quan thường trực về mã số, mã vạch chịu trách nhiệm cấp lại giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân trong vòng 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đầy đủ.
Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Mẫu đơn đăng ký mã số, mã vạch hiện nay:
Mẫu số 12
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
……, ngày… tháng…..năm….
ĐƠN ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG MÃ SỐ, MÃ VẠCH1
Thông tin tổ chức:
Tên bằng tiếng Việt*:……..
Tên bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Việt không dấu):…….
Số Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư*:..
Ngày cấp*:……. Cơ quan cấp*:…..
Địa chỉ*:…….
Điện thoại*:….. Email:……
Đăng ký trích nợ tự động (Điền √ vào ô trống):
□ Qua tài khoản □ Qua ví điện tử
□ Qua thẻ ngân hàng □ Khác (Other)……
Lĩnh vực hoạt động (Điền √ vào ô trống):
□ Sản xuất □ Thương mại □ Bán lẻ
□ Dịch vụ □ Khác:……
Chúng tôi xin đăng ký sử dụng loại mã* (Điền √ vào ô trống):
□ Tiền tố mã doanh nghiệp (GS1 Company Prefix GCP) | □ Mã doanh nghiệp GS1 loại 12 số (GCP-12) |
□ Mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (GCP-10) | |
□ Mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (GCP-9) | |
□ Mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (GCP-8)2 | |
□ Mã địa điểm toàn cầu GLN3 (Global Location Number) | □ Dành cho địa điểm vật lý (Physical location) |
□ Dành cho địa điểm số (Digital location) | |
□ Dành cho pháp nhân (Legal entity) | |
□ Dành cho đơn vị chức năng (Functional entity) | |
□ Mã thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8)3 |
Đại diện tổ chức *
Chức danh | Họ và tên | Chức vụ, đơn vị | Điện thoại | Hòm thư điện tử (Email) |
Đại diện có thẩm quyền | ||||
Người liên lạc chính |
Chúng tôi cam đoan thông tin kê khai trên là đúng và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến mã số, mã vạch, các quy định về phí và các điều khoản sau đây:
– Chỉ sử dụng mã số đã được cấp cho các sản phẩm, dịch vụ của mình;
– Thực hiện đúng các quy định về nộp phí và nộp phí duy trì theo quy định của pháp luật;
– Khi vì lý do nào đó (bị giải thể, phá sản, v.v…) không còn nhu cầu sử dụng mã số đã được cấp, chúng tôi sẽ thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong thời gian 01 tháng kể từ ngày giải thể hoặc phá sản;
– Nếu đổi tên, tư cách pháp nhân hoặc địa chỉ, chúng tôi sẽ thông báo cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong thời gian 01 tháng kể từ ngày có thay đổi để làm thủ tục đổi giấy chứng nhận.
…., ngày… tháng… năm… |
1. Danh mục địa điểm cần đăng ký mã địa điểm toàn cầu GLN
STT | Loại mã GLN4 | Tên/Mô tả | Địa chỉ | Ghi chú |
2. Danh mục mã thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8) cần đăng ký
STT | Tên sản phẩm | Mô tả sản phẩm | Ghi chú |
___________________
* Trường thông tin bắt buộc kê khai.
1 Các thông tin kê khai có thể được cập nhật phù hợp với yêu cầu của Tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1.
2 Chỉ cấp theo khuyến cáo của Tổ chức mã số, max vạch quốc tế GS1.
3 Danh mục mã địa điểm, thương phẩm gửi kèm.
4 Loại mã GLN bao gồm: Địa điểm vật lý (Physical location)/Địa điểm số (Digital location)/Pháp nhân (Legal entity)/Đơn vị chức năng (Functional entity)
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư số 10/2020/TT-BKHCN quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 và nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của chính phủ về sử dụng mã số, mã vạch.
Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa