Truất hữu gián tiếp được hiểu là nhà nước gián tiếp triệt tiêu các giá trị kinh tế của quyền tài sản. Vậy quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là truất hữu gián tiếp?
Truất hữu gián tiếp được hiểu là nhà nước thực hiện triệt tiêu các giá trị kinh tế của quyền tài sản một cách gián tiếp của nhà đầu tư. Hoặc Nhà nước kiểm soát tài sản của nhà đầu tư, từ đó dẫn đến việc Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, truất hữu gián tiếp cũng thể hiện ở việc cơ quan chức năng của quốc gia sở tại ra quyết định tước đi các quyền phụ cận có liên quan mật thiết nhất cùng với các quyền sở hữu, quyền tài sản của nhà đầu tư (có thể kế đến như quyền sáng chế).
Hoặc trường hợp đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhà nước hoặc doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ nắm giữ các cổ phần nhằm mục đích chi phối công ty. Hoặc trong các công ty nước ngoài, bổ nhiệm người quản lý do nhà nước chỉ định cũng là một trong những hình thức truất hữu gián tiếp. Những việc này đều dẫn tới việc nhà đầu tư nước ngoài bị tước đi quyền định đoạt tài sản đầu tư hay tước đi quyền kiểm soát đối với tài sản và lợi nhuận của doanh nghiệp.
2. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp:
Trên tinh thần các hiệp định về đầu tư nước ngoài hiện nay đều phải tiến hành bồi thường cho nhà đầu tư nước ngoài khi xảy ra trường hợp truất hữu gián tiếp. Để một biện pháp truất hữu được xem là hợp pháp thì việc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết, bắt buộc.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong trường hợp truất hữu gián tiếp này phải đảm bảo nhanh chóng, thỏa đáng và hiệu quả nhất. Nhà đầu tư sẽ được nhận một khoản bồi thường nhanh chóng và đáng kể nhất từ khi có việc truất hữu này xảy ra. Và số tiền bồi thường phải đáp ứng đúng với mức thiệt hại thực tế đối với khoản giá trị đầu tư bị truất hữu.
Tuy nhiên, bên cạnh việc áp dụng một cách thuận tiện các biện pháp truất hữu gián tiếp hiệu quả thì cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể là biện pháp truất hữu gián tiếp nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi quyết định của nhà nước nhưng về danh nghĩa, nhà đầu tư vẫn không mất đi quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với khoản đầu tư, nhưng trên thực tế, khoản đầu tư đó đã bị mất đi những lợi ích tài chính hoặc có thể không tồn tại.
3. Tính bồi thường thiệt hại của truất hữu gián tiếp tại thời điểm nào?
– Theo quy định, trước hoặc không chậm hơn ngày truất hữu xảy ra thì sẽ bắt đầu tính thiệt hại trong truất hữu gián tiếp.
– Việc xác định thời điểm bồi thường đối với truất hữu gián tiếp thường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, bởi lẽ, bản chất của truất hữu gián tiếp chính là kết quả của rất nhiều hành vi pháp lý và các hành vi đó có thể gây ảnh hưởng từ từ, không trực tiếp, không ảnh hưởng ngay lập tức đến nhà đầu tư. Do đó, thời điểm xác định mức bồi thường sẽ không xảy ra tại một thời điểm cụ thể.
Ví dụ minh chứng rõ ràng cho việc trên có thể kể đến vụ việc Unglaube với Costa Rica. Theo đó, Chính phủ Costa Rica đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý nhằm dần dần tước đi quyền đối với các bất động sản thuộc sở hữu của nhà đầu tư. Thời điểm bắt đầu tính toán thiệt hại cho nhà đầu tư Unglaube được trọng tài xác định tại thời điểm năm 2003, khi bắt đầu có những văn bản của nhà nước yêu cầu “75-Meter Strip” về bảo vệ môi trường dẫn đến việc nhà đầu tư phải bán dần các bất động sản của mình để đáp ứng yêu cầu này.
Khi đó, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền tự định đoạt và lựa chọn thời điểm phù hợp để bán các bất động sản này, bao gồm cả giai đoạn bất động sản tăng giá rất mạnh vào năm 2006 và lượng người mua cũng rất dồi dào nếu không có các quyết định của chính phủ. Theo phán quyết của Trọng tài cho rằng việc áp dụng ngày tính toán bồi thường là ngày đã hoàn thành truất hữu là không hợp lý và không có cơ sở.
Với vấn đề về việc bồi thường trong truất hữu gián tiếp sẽ có tiêu chuẩn Chorzów’s (“full reparation”) dịch cụ thể là bồi thường đầy đủ. Theo đó, chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ cho các tổn thất xảy ra bao gồm cả những khoản lợi nhuận được tính từ sau thời điểm bị ảnh hưởng bởi các biện pháp truất hữu cho đến trước ngày phán quyết được tuyên và kể cả các thiệt hại gián tiếp khác khi thực hiện những hành vi không hợp lệ.
Với tiêu chuẩn này, các cơ quan giải quyết tranh chấp được phép lựa chọn ngày xác định bồi thường phù hợp để đảm bảo mọi thiệt hại của nhà đầu tư phải được thanh toán đầy đủ. Ngày được xác định trong khoảng thời điểm nhà đầu tư bị ảnh hưởng kinh tế bởi truất hữu cho đến trước thời điểm ra phán quyết là ngày được tính toán bồi thường (thường sẽ là thời điểm mà hành vi của nhà nước có tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế của nhà đầu tư).
4. Khoản thiệt hại được bồi thường trong truất hữu gián tiếp được xác định như thế nào?
Việc xác định thiệt hại được bồi thường trong truất hữu gián tiếp được xác định trên các phương pháp tính toán như sau:
– Phương pháp dựa trên giá trị thị trường.
– Phương pháp dựa trên sổ sách kế toán.
– Phương pháp dựa trên doanh thu.
Thực tế, các cơ quan có thẩm quyền không xác định một mức cụ thể khoản thiệt hại hay các công thức tính thiệt hại được bồi thường mà chỉ quy định chung chung về yêu cầu xác định bồi thường thiệt hại. Các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ xác định dựa trên việc cân nhắc bằng các phương pháp phù hợp.
Theo quy định tại Luật đầu tư Việt Nam, nhà nước cam kết bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Nhà đầu tư sẽ được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan nếu như thuộc trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Trên tinh thần đó, có thể thấy pháp luật Việt Nam ghi nhận bồi thường là một yêu cầu bắt buộc khi nhà nước áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến khoản đầu tư của nhà đầu tư.
Việc xác định khoản bồi thường thiệt hại thực tế sẽ có 02 hướng xảy ra, cụ thể là:
(1) Giá trị bồi thường là giá trị thị trường hợp lý của doanh nghiệp trước khi bị truất hữu khi hoạt động đầu tư đã kết thúc. Nếu hoạt động đầu tư đã chấm dứt tồn tại thì không thể tính toán lợi nhuận dự kiến có được trong tương lai để bồi thường mà có thể sử dụng phương pháp tính toán bằng sổ sách kế toán và các phương pháp tính giá trị thị trường của khoản đầu tư hiện hữu.
(2) Khoản bồi thường có thể sẽ bao gồm các thiệt hại đã xảy ra trên thực tế và cả những khoản lợi nhuận dự kiến bị mất đi trong tương lai nếu hoạt động đầu tư vẫn còn tồn tại trên thực tế dù bị ảnh hưởng bởi quyết định của nhà nước.
Nhưng xét trên khía cạnh khác nếu khoản lợi nhuận trong tương lai được chấp nhận thì khoản lợi nhuận này cũng phải tính toán trong điều kiện hoàn cảnh thay đổi bởi tác động của hành vi truất hữu.
Như vậy, có thể thấy việc tính toán bồi thường dù là truất hữu trực tiếp hay gián tiếp chỉ được quy định một công thức chung dẫn đến việc áp dụng chung một yêu cầu bồi thường cho cả truất hữu trực tiếp và trường hợp truất hữu gián tiếp là chưa phù hợp.