Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những người sử dụng đất bị thu hồi đất phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Vậy việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Trường hợp đặc biệt để được bồi thường, hỗ trợ tái định cư được xác định như thế nào?
- 2 2. Pháp luật quy định như thế nào về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt?
- 2.1 2.1. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào dự án đầu tư do Quốc hội quyết định:
- 2.2 2.2. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế:
- 2.3 2.3. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người:
1. Trường hợp đặc biệt để được bồi thường, hỗ trợ tái định cư được xác định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 87 Luật Đất đai năm 2013 thì trường hợp đặc biệt để Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xác định như sau:
– Trường hợp dự án đầu tư do Quốc hội quyết định về chủ trương đầu tư, do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư khiến cho phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ đời sống, kinh tế- xã hội, truyền thống văn hoá của cộng đồng; phải thu hồi đất liên tỉnh (thực hiện thu hồi đất ở nhiều tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương);
– Dự án đầu tư có sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài mà Nhà nước Việt Nam có cam kết về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
– Trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.
2. Pháp luật quy định như thế nào về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt?
Đối với những dự án thông thường do các địa phương phê duyệt để phục vụ cho mục đích quốc phòng- an ninh, mục đích phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng thì việc chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được thực hiện theo nguyên tắc bồi thường về đất theo quy định tại Điều 74 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể việc bồi thường được thực hiện như sau:
– Phương án 1: Bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất mà người sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi;
– Phương án 2: Bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của từng loại đất bị Nhà nước thu hồi do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Bảng giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành được áp dụng trong giai đoạn 05 năm.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt phải tiến hành thu hồi đất thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
2.1. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào dự án đầu tư do Quốc hội quyết định:
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của người sử dụng đất được thực hiện khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thông thường, những dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và việc thu hồi đất liễn quan đến nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng đến cả cộng đồng dân cư đều là những dự án lớn, có quy mô đầu tư lớn. Do đó, khi thực hiện những dự án này thì người sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ do Chính phủ quyết định thay vì áp dụng theo bảng giá đất mà Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Chính phủ sẽ quyết định khung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất theo nguyên tắc được quy định tại Điều 17
– Bước 1: Các bộ, ngành có dự án đầu tư sẽ có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất bị thu hồi làm dự án để cùng nhau xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người sử dụng đất bị thu hồi đất. Theo quy định tại khoản 1 điều 17
+ Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi;
+ Số người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;
+ Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất; dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí;
+ Phương án bố trí tái định cư (dự kiến số hộ tái định cư, địa điểm, hình thức tái định cư);
+ Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nguồn vốn để thực hiện;
+ Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.
Lưu ý: Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thể hiện các nội dung nêu trên cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định tại Khoản này phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.
– Bước 2: Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và thực hiện phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để tổ chức buổi thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Việc thẩm định khung chính sách phải đảm bảo sao cho nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hợp lý với thực tiễn của từng địa phương và phù hợp với quy định pháp luật.
– Bước 3: Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sau đó sẽ ban hành Quyết định về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh/ thành phố tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người sử dụng đất bị thu hồi.
– Bước 4: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thực hiện tại địa phương sau khi đã có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ, ngành có dự án đầu tư. Sau đó các Uỷ ban sẽ tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với Bộ, ngành có dự án đầu tư.
2.2. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế:
Đối với dự án sử dụng vón vay của tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài mà Nhà nước Việt Nam cam kết về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì sẽ thực hiện theo khung chính sách đó. Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ thực hiện theo quy định của quản lý Nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 114/2021/NĐ-CP thì việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thực hiện chương trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đã ký kết về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2.3. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người:
Việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp này sẽ thực hiện theo nguyên tắc bồi thường được quy định tại Điều 16 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Về tiền bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất bị thu hồi:
+ Trích từ ngân sách Nhà nước để chi trả đối với việc thu hồi đất do thiên tai gây ra;
+ Trích từ nguồn tiền của doanh nghiệp nếu khu vực đát bị thu hồi bị ô nhiễm, đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ con người do doanh nghiệp gây ra. Nếu doanh nghiệp đã phá sản hoặc giải thể thì tiền bồi thường, hỗ trợ sẽ trích từ ngân sách Nhà nước.
– Nếu trong trường hợp đất ở của cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi do bị sạt lở, lún mà phần diện tích còn lại không còn khả năng tiếp tục sử dụng thì người sử dụng đất sẽ được bố trí tái định cư theo nguyên tắc:
+ Diện tích đất ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương quy định nhưng không được vượt quá hạn mức giao đất ở tại địa phương;
+ Việc nộp tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất và các ưu đãi khác thực hiện theo quy định của Nghị định về thu tiền sử dụng đất.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/5/2014 Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
– Nghị định số 06/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/1/2020 Sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
– Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/12/2021 Về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.