Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta được nghe tên các vị bộ trưởng trên chương trình thời sự, trên sách báo và trên nhiều các phương tiện truyền thông khác. Hôm nay, Luật Dương gia sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc những nội dung cơ bản nhất liên quan đến chức danh Bộ trưởng.
Mục lục bài viết
1. Bộ trưởng là gì?
Bộ trưởng là một chức danh quản lý trong hệ thống các cơ quan nhà nước của Việt Nam. Người đó là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu một Bộ, lãnh đạo công tác của bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, đơn vị được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn, sau đó đề nghị lên Quốc Hội để phê chuẩn và Chủ tịch nước sẽ là người bổ nhiệm sau khi được Quốc Hội thông qua.
Trong tiếng Anh, Bộ trưởng là “Minister.”
Ví dụ: Bộ trưởng Bộ Y tế là “Vietnam’s Minister of Health”.
2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng:
2.1. Với tư cách là thành viên Chính phủ:
– Bộ trưởng sẽ tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ; cùng tập thể Chính phủ quyết định và liên đới chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
– Bộ trưởng sẽ đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về công việc của Chính phủ và công việc khác có liên quan; chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao.
– Bộ trưởng cũng sẽ tham dự phiên họp Chính phủ và tham gia biểu quyết tại phiên họp Chính phủ.
– Bộ trưởng thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật, việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công.
– Ngoài ra sẽ còn các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.
2.2. Với tư cách là người đứng đầu bộ:
– Bộ trưởng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của bộ; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt, các nhiệm vụ của bộ được Chính phủ giao.
– Bộ trưởng quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ mà mình là người đứng đầu.
– Bộ trưởng có quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức Thứ trưởng.
– Bộ trưởng được phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công; ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công.
– Bộ trưởng được thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
– Bộ trưởng quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo phạm vi lãnh thổ; phân cấp, ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị trực thuộc.
– Bộ trưởng được quyết định chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế – kỹ thuật của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền.
– Bộ trưởng có thể quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành, tổ chức sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
– Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.
– Bộ trưởng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
– Bộ trưởng quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và tài chính, ngân sách nhà nước được giao; quyết định biện pháp tổ chức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong ngành, lĩnh vực được phân công.
– Bộ trưởng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ.
– Bộ trưởng cũng cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội,
– Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
2.3. Trong mối quan hệ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
– Bộ trưởng có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.
– Bộ trưởng có quyền kiến nghị với Bộ trưởng khác hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định do các cơ quan đó ban hành trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của bộ, cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực do bộ chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2.4. Trong mối quan hệ với chính quyền địa phương:
– Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực được phân công hoặc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
– Bộ trưởng được kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý.
Đề nghị Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trái với các văn bản về ngành, lĩnh vực được phân công. Nếu Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không chấp hành thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Trách nhiệm của Bộ trưởng:
– Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
– Thực hiện báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
– Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
4. Danh sách các Bộ và Bộ trưởng đương nhiệm của Việt Nam:
Hiện tại, Việt Nam có 18 Bộ. Danh sách các bộ và bộ trưởng đương nhiệm được nêu dưới đây:
– Bộ Ngoại giao: Ông Phạm Bình Minh
– Bộ Nội vụ: Ông Lê Vĩnh Tân
– Bộ Tư pháp: Ông Lê Thành Long
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Ông Nguyễn Chí Dũng
– Bộ Tài chính: Ông Đinh Tiến Dũng
– Bộ Công thương: Ông Trần Tuấn Anh
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ông Nguyễn Xuân Cường
– Bộ Giao thông vận tải: Ông Nguyễn Văn Thể
– Bộ Xây dựng: Ông Phạm Hồng Hà
– Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ông Trần Hồng Hà
– Bộ Thông tin và Truyền thông: Ông Nguyễn Mạnh Hùng
– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Ông Đào Ngọc Dung
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ông Nguyễn Ngọc Thiện
– Bộ Khoa học và Công nghệ: Ông Huỳnh Thành Đạt
– Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ông Phùng Xuân Nhạ
– Bộ Y tế: Ông Nguyễn Thanh Long
– Bộ Quốc phòng: Ông Ngô Xuân Lịch
– Bộ Công an: Ông Tô Lâm
5. Phân biệt giữa Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:
Ngoài các bộ trưởng, chúng ta còn thường được nghe về “thủ trưởng cơ quan ngang bộ”, vậy chức danh này là gì và có sự khác biệt như thế nào đối với bộ trưởng. Hãy cùng Luật Dương gia tìm hiểu nhé:
Về mặt pháp lý, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đều là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Như vậy, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương đương với Bộ trưởng. Điểm khác biệt chỉ ở đơn vị mà người đó quản lý, bộ trưởng là người đứng đầu các bộ (18 bộ đã được nêu ở trên) còn thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý các đơn vị không có tên gọi là bộ nhưng có nhiệm vụ hoạt động tương đương với bộ. Các đơn vị này cũng thuộc quản lý của Chính phủ. Thêm vào đó, “thủ trưởng cơ quan ngang bộ” chỉ là cách gọi chung, còn chức vụ của người đứng đầu các cơ quan ngang bộ có sự khác nhau., cụ thể như sau:
– Ủy ban Dân tộc: Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Ông Đỗ Văn Chiến
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Bà Nguyễn Thị Hồng
– Thanh tra Chính phủ: Tổng Thanh tra Chính phủ: Ông Lê Minh Khái
– Văn phòng Chính phủ: Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Ông Mai Tiến Dũng
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: