Bố theo lính ngụy con có được kết nạp Đảng không? Điều kiện kết nạp đảng viên.
Bố theo lính ngụy con có được kết nạp Đảng không? Điều kiện kết nạp đảng viên.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Nhờ Luật sư tư vấn giúp trường hợp của tôi có đủ điều kiện kết nạp Đảng không ạ. Cha đẻ tôi ngày trước có đi lính ngụy (bị bắt đi lính) và làm nhiệm vụ gác đồn, không gây nợ máu với nhân dân. Năm 2013, chị gái tôi được chi bộ cơ quan thẩm tra lý lịch và đủ điều kiện kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt NamS, hiện là Đảng viên chính thức. Năm 2015, tôi được chi bộ cơ quan nơi tôi công tác giới thiệu vào Đảng. Chi bộ đã thâm tra lý lịch và có nhận xét của Đảng ủy xã là đủ điều kiện kết nạp Đảng. Tôi đã hoàn tất hồ sơ, chi bộ đã gửi hồ sơ của tôi đến Ban tổ chức Huyện ủy. Tuy nhiên, Ban tổ chức Huyện ủy trả lời lý lịch của tôi bị vướng do cha đẻ đi lính ngụy nên không kết nạp Đảng được và trường hợp chị gái tôi kết nạp Đảng là do cấp đó xét duyệt hồ sơ (cấp nào xét duyệt thì cấp đó chịu trách nhiệm). Tôi xin hỏi trong trường hợp này thì Ban tổ chức huyện ủy trả lời như vậy có đúng hay không?Quy trình xác minh lý lịch của người được vào Đảng như thế nào? Trong cùng một gia đình mà ngươì được xét vào Đảng, người không thì đúng hay sai? Xin cảm ơn. Chúc Luật sư sức khoẻ!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam
2. Nội dung pháp lý:
Tại Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có quy định:
“Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên, thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xem xét để kết nạp vào Đảng”.
Thêm vào đó, tại Mục 3, Điểm 3.2, Hướng dẫn số 04 của Ban Tổ chức TW về vấn đề lý lịch của người vào Đảng nêu rõ:
+ Đối với bản thân người vào Đảng, cần làm rõ vấn đề lịch sử chính trị; chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
+ Đối với cha mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ, vợ hoặc chồng, cần làm rõ vấn đề lịch sử chính trị; chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở quê quán, nơi làm việc, nơi cư trú, do cấp uỷ cơ sở xác nhận.
+ Đối với ông, bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác… cần làm rõ vấn đề lịch sử chính trị ở quê quán, nơi đang ở, do cấp ủy cơ sở xác nhận.
+ Nếu những người thân (ông, bà, nội, ngoại, chú, bác, cô, dì, cậu ruột…) có nghi vấn về lịch sử chính trị phức tạp thì phải xác minh rõ từng trường hợp.
Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, tại Khoản 2, Điều 2 quy định người vào Đảng có người thân vi phạm một trong các điều sau đây thì không được kết nạp:
“Có cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng:
2.1- Đã làm tình báo, gián điệp, chỉ điểm, mật báo viên, công tác viên hoặc làm việc cho các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát đặc biệt của địch.
2.2- Tham gia bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của địch có tội ác với cách mạng, với nhân dân; giữ chức vụ uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên ban thư ký hoặc tương đương trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động, đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội do địch lập ra từ cấp xã và tương đương trở lên.”
Theo thông tin bạn trình bày, bố bạn có đi lính ngụy, do vậy theo quy định tại Quy định số 57-QĐ/TW thì có thể thấy trường hợp của bạn không được kết nạp Đảng. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt, từ khi tham gia công tác đến nay bạn có thành tích xuất sắc, thật sự giác ngộ lý tưởng của Đảng, tỏ rõ thái độ kiên quyết phản đối sai phạm, tội ác của người thân, được cấp ủy có thẩm quyền thẩm tra, kết luận, nếu có đủ tiêu chuẩn đảng viên thì bạn vẫn kết nạp vào Đảng, nhưng phải được ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương đồng ý.
Về quy trình thẩm tra lý lịch người xin vào Đảng được quy định tại Hướng dẫn 01-HD/TW một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng như sau:
3.4- Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng
a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :
– Người vào Đảng.
– Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).
b) Nội dung thẩm tra
– Đối với người vào Đảng : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
– Đối với người thân : Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
c) Phương pháp thẩm tra
– Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh. Nếu vợ (chồng) người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên : cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng theo quy định thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng). Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi các cấp uỷ cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.
– Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn…) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi uỷ báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp uỷ cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.
– Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp uỷ cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.
– Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp uỷ nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp uỷ hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng uỷ Ngoài nước) để lấy xác nhận; trường hợp có nghi vấn về chính trị thì đến cơ quan an ninh ở trong nước để thẩm tra.
– Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đại diện cấp uỷ cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này.
d) Trách nhiệm của các cấp uỷ và đảng viên
– Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ cơ sở nơi có người vào Đảng :
+ Kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào Đảng (chi uỷ chưa nhận xét và cấp uỷ cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch).
+ Gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp uỷ cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp uỷ những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.
+ Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào Đảng.
– Trách nhiệm của cấp uỷ cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch :
+ Chỉ đạo chi uỷ hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi uỷ) và cơ quan trực thuộc có liên quan xác nhận vào lý lịch người xin vào Đảng.
+ Cấp uỷ cơ sở nơi đến thẩm tra : Thẩm định, ghi nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp uỷ nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch; tập thể cấp uỷ hoặc ban thường vụ cấp uỷ thống nhất nội dung ghi vào mục "Nhận xét của cấp uỷ, tổ chức đảng…" ở phần cuối bản "Lý lịch của người xin vào Đảng". Người thay mặt cấp uỷ xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ đóng dấu vào lý lịch và gửi cho cấp uỷ cơ sở có yêu cầu; nếu gửi theo đường công văn thì không để chậm quá 30 ngày làm việc (ở trong nước), 90 ngày làm việc (ở ngoài nước) kể từ khi nhận được Công văn đề nghị thẩm tra lý lịch.
+ Tập thể lãnh đạo ban tổ chức cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi được yêu cầu thẩm tra lý lịch thống nhất về nội dung trước khi xác nhận vào lý lịch của người xin vào Đảng.
đ) Kinh phí chi cho việc đi thẩm tra lý lịch của người vào Đảng
Ở các cơ quan thụ hưởng ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, cước gửi công văn thẩm tra, công tác phí cho đảng viên đi thẩm tra được thanh toán theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước; ở các đơn vị khác nếu có khó khăn về kinh phí thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng cấp kinh phí.