Điều kiện của phụ trách kế toán. Quy trình bổ nhiệm người phụ trách kế toán. Thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán.
Trong các đơn vị, cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp kế toán trưởng là người đứng đầu của bộ phận kế toán chịu trách nhiệm quản lý thu chi của tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế có những cơ quan, đơn vị không bắt buộc yêu cầu có vị trí kế toán trưởng mà người phụ trách kế toán sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý bộ phận đó. Vậy quy trình, thủ tục bổ nhiệm người phụ trách kế toán được quy định như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bào viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Điều kiện của phụ trách kế toán:
Căn cứ tại Điều 21
– Tiêu chuẩn chung của người làm kế toán:
+ Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật
+ Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán
– Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng
– Đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên thì phải đáp ứng thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm. Còn đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng phải đáp ứng thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm
– Không thuộc các trường hợp không được làm kế toán. Cụ thể là:
+ Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
+ Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật
+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự
+ Người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích
+ Những người thuộc mối quan hệ gia đình của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột
+ Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán. Ngoại trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
– Ngoài ra, có những đơn vị, cơ quan quy định phụ trách kế toán phải yêu cầu có chuyên môn nghiệp vụ kế toán từ trình độ đại học trở lên, bao gồm các đơn vị sau:
+ Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp
+ Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
+ Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này
+ Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước
+ Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia
+ Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên
+ Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
– Những đơn vị yêu cầu phụ trách kế toán yêu cầu phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, gồm những cơ quan sau:
+ Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có tổ chức bộ máy kế toán (trừ các đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện)
+ Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại cấp huyện, cơ quan của tỉnh đặt tại cấp huyện
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp huyện có sử dụng ngân sách nhà nước
+ Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước
+ Đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn
+ Đơn vị sự nghiệp công lập ngoài các đơn vị quy định
+ Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam không có vốn nhà nước, có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng
– Đối với những đơn vị, cơ quan khác ngoài các trường hợp nêu trên thì tiêu chuẩn phụ trách kế toán sẽ do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định phù hợp với quy định của Luật kế toán và các quy định khác của pháp luật liên quan
– Đối với trường hợp đặc biệt trong công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì phụ trách kế toán yêu cầu phải có thời gian công tác thực tế tối thiểu là 05 năm
– Đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tiêu chuẩn và điều kiện phụ trách kế toán sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định
2. Quy trình bổ nhiệm người phụ trách kế toán:
2.1. Hồ sơ bổ nhiệm người phụ trách kế toán:
Hồ sơ bổ nhiệm phụ trách kế toán bao gồm những giấy tờ sau:
– Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của đơn vị quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền)
– Văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán theo yêu cầu của vị trí bổ nhiệm (bản sao)
– Xác nhận của các đơn vị kế toán nơi người được lập hồ sơ bổ nhiệm phụ trách kế toán đã công tác về thời gian thực tế làm kế toán theo mẫu số 02/GXN ban hành kèm Thông tư số 04/2018/TT-BNV
– Văn bản đề nghị bổ nhiệm phụ trách kế toán do người đứng đầu đơn vị kế toán ký và đóng dấu của đơn vị
2.2. Thẩm quyền bổ nhiệm người phụ trách kế toán:
– Trường hợp đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm: thẩm quyền bổ nhiệm phụ trách kế toán do người đứng đầu cơ quan, đơn vị kế toán đó quyết định
– Trường hợp đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn: thẩm quyền bổ nhiệm là do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, lưu ý là sau khi có ý kiến của Phòng Nội vụ và Phòng Tài chính cấp huyện
2.3. Thủ tục bổ nhiệm phụ trách kế toán:
– Người đứng đầu đơn vị kế toán quyết định việc giao tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý lập hồ sơ để bổ nhiệm phụ trách kế toán trong trường hợp đối với đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm phụ trách kế toán trong trường hợp đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn
Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính cấp huyện thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định
3. Thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán:
– Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn: tiến hành bổ nhiệm phụ trách kế toán, không thực hiện việc bổ nhiệm kế toán trưởng
– Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: tiến hành phụ trách kế toán, không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng
– Thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán của các đơn vị quy định ở trên là 05 năm. Hết thời hạn 05 năm thì phải tiến hành bổ nhiệm lại phụ trách kế toán.