Việc sang tên nhà đất cho con sau khi bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đã mất là một thủ tục hành chính đất đai. Vậy bố mất mẹ có được quyền sang tên nhà đất cho con không?
Mục lục bài viết
1. Bố mất mẹ có được quyền sang tên nhà đất cho con không?
Việc sang tên nhà đất cho con sau khi bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đã mất là một thủ tục hành chính đất đai, cụ thể là thủ tục chuyển quyền sử dụng đất sau khi đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Bố mất mẹ có được quyền sang tên nhà đất cho con không sẽ còn phải tùy thuộc vào những trường hợp khác nhau, cụ thể:
1.1. Bố mất có để lại di chúc:
Nếu như bố mất có để lại di chúc thì sẽ có những trường hợp sau:
Trường hợp 1: Di chúc của người bố để lại chỉ định người mẹ được thừa kế toàn bộ quyền sử dụng đất (di chúc hợp pháp)
Trong trường hợp người bố chỉ định người mẹ được thừa kế toàn bộ quyền sử dụng đất (không có trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc) thì sau khi khai nhận di sản thừa kế theo di chúc và đăng ký biến động đất đai người mẹ được quyền sang tên nhà đất cho con (sang tên một phần đất hoặc toàn bộ đất).
Trường hợp 2: Di chúc của người bố để lại chỉ định người mẹ được thừa kế một phần quyền sử dụng đất
Trong trường hợp người bố chỉ định người mẹ được thừa kế một phần quyền sử dụng đất thì sau khi làm thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và đăng ký biến động đất đai người mẹ được quyền sang tên nhà đất cho con nhưng chỉ được sang tên phần đất mà mình được quyền hưởng di sản và phần quyền sử dụng đất của mình trong phần đất chung của vợ chồng chứ không được quyền sang tên toàn bộ phần đất.
Trường hợp 3: Di chúc của người bố để lại không chỉ định người mẹ được thừa kế đất
Theo quy định của pháp luật, người vợ là một trong những đối tượng là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, thế nên trong trường hợp người cha không chỉ định người mẹ được thừa kế đất trong di chúc thì theo pháp luật người mẹ vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, tức người mẹ vẫn được hưởng một phần đất mà người cha để lại. Khi đó, giống với trường hợp 2, sau khi làm thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và đăng ký biến động đất đai người mẹ được quyền sang tên nhà đất cho con nhưng chỉ được sang tên phần đất mà mình được quyền hưởng di sản và phần quyền sử dụng đất của mình trong phần đất chung của vợ chồng chứ không được quyền sang tên toàn bộ phần đất.
1.2. Bố mất không để lại di chúc:
Trường hợp bố mất đi không để lại di chúc thì di sản bố để lại là đất phải chia thừa kế theo pháp luật và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Hàng thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự bao gồm:
– Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bố.
– Hàng thừa kế thứ hai bao gồm:
+ Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người bố;
+ Cháu ruột của người bố mà người bố là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
– Hàng thừa kế thứ ba bao gồm:
+ Cụ nội, cụ ngoại của người bố;
+ Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người bố;
+ Cháu ruột của người bố mà người bố là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột;
+ Chắt ruột của người bố mà người bố là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó, người mẹ là một trong các đồng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất, người mẹ sẽ chỉ được sang tên nhà đất cho người con trong phần đất mà mình được hưởng sau khi đã thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản với những đồng thừa kế còn lại và đăng ký biến động đất đai. Hoặc người mẹ có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản là đất mà mình được hưởng cho người con khi thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản (người còn cũng là một trong những đồng thừa kế), bởi Luật công chứng quy định trong
2. Trong trường hợp nào người mẹ không được quyền sang tên đất cho con sau khi bố mất:
Theo quy định của pháp luật, những trường hợp sau đây người mẹ sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế từ người cha khi người cha mất không để lại di chúc, trừ trường hợp người cha đã biết hành vi của người mẹ, nhưng vẫn cho hưởng di sản theo di chúc:
– Người mẹ bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người cha hoặc người mẹ bị kết về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người cha, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người cha;
– Người mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người mẹ bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác để hưởng một phần hoặc là để hưởng toàn bộ phần di sản mà những người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người mẹ có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người cha trong việc lập di chúc; người mẹ giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu đi di chúc của người cha nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người cha.
Khi người mẹ thuộc một trong các trường hợp này thì sẽ không được hưởng di sản là đất của người cha để lại, chính vì thế người mẹ không thể nào sang tên đất của người cha để lại được.
3. Thủ tục mẹ sang tên nhà đất cho con sau khi bố mất:
Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng.
Bước 2: đăng ký sổ đỏ đứng tên người mẹ
– Người mẹ (và những đồng thừa kế khác) nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ khác theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi có đất phân quyền hoặc UBND cấp xã (nếu có nhu cầu).
– Lưu ý rằng, trong trường hợp người mẹ hưởng di sản thừa kế từ người bố là một phần thửa đất thì người mẹ (các đồng thừa kế khác) đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện thủ tục đo đạc tách thửa đối với phần diện tích được hưởng thừa kế trước khi nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai.
Bước 3: thực hiện thủ tục sang tên nhà đất cho con
– Công chứng hợp đồng tặng cho/mua bán.
– Nộp hồ sơ sang tên đất cho con đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan khác tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh phân quyền hoặc UBND cấp xã (nếu có nhu cầu). Hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
+ Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK;
+ Hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất có công chứng hoặc chứng thực;
+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
+ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu số 03/BĐS-TNCN;
+ Các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế (nếu có);
+ Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ theo Mẫu số 01;
+ Giấy tờ chứng minh thuộc diện miễn lệ phí trước bạ (nếu có).
– Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện gửi thông tin sang cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính.
– Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thông tin chuyển nhượng hoặc tặng cho giữa người mẹ và người con vào Giấy chứng nhận.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013;
– Bộ luật Dân sự 2015.