Bố đi lấy vợ hai con có được hưởng tài sản do ông nội để lại cho bố không? Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như thế nào?
Bố đi lấy vợ hai con có được hưởng tài sản do ông nội để lại cho bố không? Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Mẹ em mất đã lâu ba em đang sống chung với người khác họ đã đăng kí kết hôn hiện nay đã có em bé. Tài sản ông nội em để lại cho ba. Xin tư vấn 1. Có di chúc. 2. Không di chúc. 3. Hai người li hôn. 4. Nếu tài sản không để lại cho em pháp luật có can thiệp được không ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật hôn nhân gia đình 2014.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự 2005 về quyền thừa kế của cá nhân:
"Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật."
Có thể thây, bố bạn hiện tại đang là người sở hữu tài sản thì sẽ có quyền định đoạt phần tài sản của mình tức là có thể để lại thừa kế. Thứ nhất, nếu bố bạn mất đi mà để lại di chúc thì di sản bố bạn để lại sẽ được chia theo nội dung của di chúc, trừ trường hợp được quy định tại Điều 669 Bộ luật dân sự 2005 về việc thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
"Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động."
Như vậy, nếu bạn chưa thành niên thì dù di chúc không có tên bạn thì bạn vẫn được quyền hưởng 2/3 của một suất thừa kế hoặc có tên trong danh sách những người nhận thừa kế nhưng phần thừa kế lại ít hơn 2/3 của một suất thừa kế. Thứ hai, trong trường hợp không có di chúc thì di sản bố bạn để lại sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế, các đồng thừa kế ở đây được xác định thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 về người thừa kế theo pháp luật:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Thứ ba, trong trường hợp mà hai người ly hôn thì tài sản của hai người sẽ được chia theo thỏa thuận, hoặc nếu không thỏa thuận được thì sẽ tiến hành khởi kiện yêu cầu Tòa án chia tài sản chung, Tòa án sẽ chia theo nguyên tác được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:
"1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
…"
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hưởng thừa kế tài sản của ông nội: 1900.6568
Trường hợp nếu bố bạn để lại di chúc mà trong di chúc không có tên bạn thì khi tiến hành chia di sản thừa kế nếu bạn thuộc trường hợp là người chưa thành niên, hoặc không có khả năng lao động thì vẫn sẽ được hưởng 2/3 của một suất thừa kế, số di sản mà bạn được hưởng sẽ trừ vào khối di sản chung sau đó còn bao nhiêu mới chia cho các đồng thừa kế còn lại có tên trong di chúc.