Tây Tiến là bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng. Tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Sau đây là bố cục nội dung, tóm tắt Tây Tiến hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Bố cục nội dung Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất:
Nội dung
Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng.
Bố cục
+ Phần 1 (14 câu đầu): Khung cảnh thiên nhiên miền Tây và những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến
+ Phần 2 (8 câu tiếp theo): Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng
+ Phần 3 (8 câu tiếp theo): Chân dung người lính Tây Tiến
+ Phần 4 (còn lại): Lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây
2. Tóm tắt Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất:
Mẫu 1
Bài thơ “Tây Tiến” đã khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng nhưng cũng đầy lãng mạn, hào hoa và cùng với đó là hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ dữ dội và thơ mộng. Mạch cảm xúc của bài thơ bắt đầu từ nỗi nhớ, tiếp theo là những kỉ niệm của nhà thơ về Tây Tiến và kết thúc là lời khẳng định sẽ mãi gắn bó lòng mình với Tây Tiến.
Mẫu 2
Rời khỏi đoàn quân Tây Tiến tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng đã viết bài thơ Tây Tiến. Bài thơ là nỗi nhớ của nhân vật trữ tình về chiến trường xưa cùng những người đồng đội cũ một thời đã đồng lòng đồng sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt bài thơ chính là nỗi nhớ của nhà thơ về một chiến trường và những đồng đội một thời đánh giặc vô cùng gian khổ mà rất đỗi hào hùng. Nỗi nhớ ấy đã “xâu chuỗi” các ý thơ trong từng đoạn với nhau để thành bài ca Tây Tiến của một thời kỳ lịch sử không thể nào quên: từ nhớ khung cảnh chiến trường rồi nhớ đến những vùng đất đã đi qua đầy kỉ niệm, cuối cùng hội tụ lại trong chân dung người lính Tây Tiến. Các anh vẫn gắn bó mãi mãi với mùa xuân của chiến trường đánh giặc đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Mẫu 3
“Tây Tiến” là một trong những bài thơ hay nhất viết về người chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc và tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Mở đầu bài thơ “Tây Tiến” là nỗi nhớ về con người, thiên nhiên miền Tây hùng vĩ trên chặng đường hành quân gian khổ. Nhà thơ nhớ kỉ niệm ấm áp tình quân dân và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng. Cùng với đó hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên một cách anh dũng và mang âm hưởng sử thi. Kết thúc bài thơ là khúc vĩ thanh nhớ nhung về miền Tây và Tây Tiến, đó lời thề và lời hẹn ước của chính nhà thơ đối với một thời kỳ gian lao mà hào hùng. Qua bài thơ “Tây Tiến”, tác giả Quang Dũng đã khắc hoạ nỗi gian khổ trên những con đường hành quân của binh đoàn Tây Tiến, dựng lên được hình tượng vô cùng đẹp đẽ về người lính với hào khí ngất trời trong chiến đấu và nét hào hoa, lãng mạn trong tâm hồn. Bức tượng đài người lính Tây Tiến thể hiện tình cảm của tác giả đối với những người đồng đội, đối với đất nước.
Mẫu 4
Tây Tiến là một bài thơ rất đặc sắc của Quang Dũng, tác phẩm xuất hiện ngay trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ đã nói lên nỗi nhớ và niềm tự hào của Quang Dũng về đồng đội thân yêu, cùng vào sinh ra tử một thời trận mạc. Thiên nhiên miền Tây, qua ngòi bút lãng mạn của Quang Dũng, được cảm nhận với vẻ đẹp vừa đa dạng vừa độc đáo, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, hoang sơ mà ấm áp. Hình ảnh những cô gái, những con người miền Tây càng tô đậm thêm chất huyền bí, thơ mộng của núi rừng. Sinh hoạt của những người lính Tây Tiến hết sức gian khổ, ốm đau không có thuốc men, tử vong vì sốt rét nhiều hơn là vì đánh trận. Tuy vậy họ dẫn sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Vượt lên trên mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh và hoàn cảnh sống cực kì gian khổ, họ vẫn giữ được cái cốt cách đáng trân quý. Trước sự dữ dội của thiên nhiên, cái chết, sự hi sinh của người lính Tây Tiến không bi luỵ. Tâm hồn, tình cảm của những người lính Tây Tiến vẫn gắn bó máu thịt với những ngày, những nơi mà Tây Tiến đã đi qua. “Tây Tiến mùa xuân ấy” đã thành thời điểm một đi không trở lại.
Mẫu 5
Nhắc đến nhà thơ Quang Dũng, ta nghĩ ngay đến tác phẩm để đời của ông là Tây Tiến. Là một người lính trẻ hào hoa, lãng mạn ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, sống và chiến đấu nơi núi rừng gian khổ nhưng chất thi sĩ vẫn trào dâng mãnh liệt trong lòng nhà thơ. Có một thời gắn bó sâu đậm với Tây Tiến, với đồng đội, với núi rừng Tây Bắc đã làm cho ông không khỏi bồi hồi, xúc động khi nỗi nhớ về Tây Tiến. Ở 14 câu thơ đầu là nỗi nhớ của Quang Dũng về núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và binh đoàn Tây Tiến anh hùng. 8 câu tiếp theo khắc hoạ khung cảnh đêm vui liên hoan văn nghệ và bức tranh sông nước miền Tây Bắc hư ảo. Đoạn thơ 8 câu theo là chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà vẫn lãng mạn hào hoa, sự hi sinh mất mát. Đến những câu thơ kết là lời khái quát lại những ngày Tây Tiến, những kỉ niệm không thể nào phai. Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử.
Mẫu 6
Tây Tiến là tên gọi của trung đoàn Tây Tiến, được thành lập năm 1947. Đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc Bộ của Việt Nam, có địa bàn hoạt động rộng khắp Hòa Bình, Sơn La, miền Tây Thanh Hóa và Sầm Nứa (Lào). Xuất thân của những chiến sĩ trong binh đoàn Tây Tiến chủ yếu là người Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên trẻ. Bài thơ Tây Tiến được sáng tác năm 1948 khi Quang Dũng đã rời đơn vị chuyển sang đơn vị khác. Khi dự hội nghị toàn quân ở Phù Lưu Chanh tác giả bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm kháng chiến cùng đồng đội ở đơn vị cũ trong những tháng năm ở miền biên cương Tây Bắc. Những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy đã rung lên những dây tơ xúc cảm trong tâm hồn để nhà thơ viết nên bài “Tây Tiến”. Tây Tiến là một trong những bài thơ viết về thiên nhiên miền Tây và người lính Tây Tiến với bút pháp lãng mạn và hiện thực đặc sắc của nền văn học Việt Nam. Bao trùm toàn bộ bài thơ là nỗi nhớ, xuyên suốt bài thơ là những kỉ niệm và nỗi nhớ đối với núi rừng và đoàn binh Tây Tiến.
Mẫu 7
Bức tranh Tây Tiến về thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc thơ mộng, trữ tình nhưng cũng ẩn chứa những hiểm nguy đáng sợ. Trước vẻ đẹp hùng vĩ của non nước, hình ảnh của người lính Tây Tiến của Quang Dũng hiện lên như một tượng đài bất diệt. Bài thơ Tây Tiến tái hiện một cách chân thực sự tàn khốc của chiến tranh và những gian lao mà người lính phải trải qua trong cuộc kháng chiến. Mặc cho những khó khăn, họ vẫn sống lạc quan và chiến đấu anh dũng.
3. Nét đặc sắc trong bố cục nội dung bài thơ Tây Tiến:
Sau khi đọc toàn bộ bài thơ, ta có thể xác định bố cục bài thơ và nội dung chính của từng đoạn, từ đó chỉ ra mạch cảm xúc của bài thơ. Mạch cảm xúc của bài thơ Tây Tiến là mạch hồi tưởng, hoài niệm về quá khứ, cuối cùng thì trở về thực tại.
Ở phần 1 (Khổ 1, 14 câu đầu) là khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc và cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến. Phần này có thể đặt theo nội dung tương tự là hình ảnh những cuộc hành quân gian khổ giữa thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng đầy thơ mộng trữ tình. Phần 2 (khổ 2, 8 câu tiếp) diễn tả không khí vui tươi, tình quân dân, kỷ niệm đẹp trong đêm liên hoan và cảnh sông nước mơ mộng. Phần 3 (khổ 3, 8 câu tiếp) là chân dung người lính Tây Tiến gắn với vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn. Phần 4 (khổ cuối) là lời thề gắn bó với Tây Tiến.
THAM KHẢO THÊM: