Biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự là gì? Biện pháp cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án?
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, người được thi hành án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng những biện pháp mang tính quyền lực nhà nước, đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế quyền sử dụng, định đoạt nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, định đoạt tài sản để trốn tránh việc thi hành án. Một trong những biện pháp đó là biện pháp cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án. Vậy biện pháp cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Biện pháp cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án”.
– Cơ sở pháp lý:
1. Biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự là gì?
– Khái niệm: biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được hiểu là biện pháp pháp lý đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, định đoạt. Biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự nhằm ngăn chặn việc người phải thi hành án tẩu tán, định đoạt tài sản trốn tránh việc thi hành án và đôn đốc họ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình do chấp hành viên áp dụng trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.
– Khi tổ chức thi hành án dân sự, pháp luật quy định về những biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự như phong toả tài khoản; tạm giữ giấy tờ, tài sản của người phải thi hành án; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản và tuỳ từng trường hợp chấp hành viên có thể áp dụng các biện pháp bảo đảm khác nhau. Theo Điều 66
– Ngoài ra, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật thi hành án dân sự 2008 thì trong theo thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm được pháp luật quy định để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của toà án về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
– Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là biện pháp pháp lí mang tính quyền lực nhà nước, do đó trong trường hợp cần thiết chỉ cần có căn cứ cho rằng tài sản mà người phải thi hành án hoặc người thứ ba đang quản lí, sử dụng thuộc sở hữu của người phải thi hành án là cơ quan thi hành án dân sự có thể áp dụng biện pháp này. Sau khi đã áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án và nếu có căn cứ khẳng định tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự phù hợp.
– Ý nghĩa của biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự nhằm bảo toàn tình trạng tài sản hiện có của người phải thi hành án và đốc thúc họ tự nguyện thi hành nghĩa vụ thi hành án dân sự của mình. Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự nếu người phải thi hành án dân sự vẫn không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự để buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của mình. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự có các ý nghĩa sau đây:
+ Thứ nhất, ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án nên bảo đảm được hiệu lực của bản án, quyết định, quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
+ Thứ hai, đốc thúc người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình. Bởi vì, khi đã bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì tài sản của người phải thi hành án đã bị đặt trong tình trạng bị hạn chế hoặc bị cấm sử dụng, định đoạt, do vậy, họ không thể tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án và giải pháp có lợi hơn cả đối với họ là tự nguyện thi hành các nghĩa vụ của mình đã được xác định trong bản án, quyết định được đưa ra thi hành.
+ Thứ ba, việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là cơ sở, là tiền đề cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự sau này, bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự nhằm buộc người thi hành án phải thực hiện các nghĩa vụ của họ
Sau khi bị áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự Các tài sản của người phải thi hành án đã bị đặt trong tình trạng bị hạn chế quyền sử dụng, định đoạt hoặc bị cấm định đoạt trước đây sẽ được xử lý để thi hành án.
2. Biện pháp cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án.
Biện pháp cưỡng chế khai thác đối với tài sản để thi hành án là biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản của người phải thi hành án có thể khai thác được để thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định. Theo quy định tại Điều 107 Luật thi hành án dân sự 2008 thì biện pháp này được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
+ Tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có thể khai thác để thi hành án;
+ Người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác tài sản không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Khi cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án, chấp hành viên phải ra quyết định cưỡng chế khai thác tài sản( trong đó quyết định cưỡng chế khai thác tài sản phải bảo đảm được những nội dung như sau: ghi rõ hình thức khai thác; số tiền, thời hạn, thời điểm, địa điểm, phương thức nộp tiền cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án). Sau khi quyết định cưỡng chế khai thác tài sản được ban hành thì phải được gửi ngay cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, đăng kí đối với tài sản đó và uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản. Sau khi có quyết định cưỡng chế khai thác tài sản, mọi giao dịch liên quan đến tài sản đang bị cưỡng chế khai thác phải được sự đồng ý của chấp hành viên.
– Theo quy định tại Điều 108, Điều 109 Luật thi hành án dân sự 2008 thì việc cưỡng chế khai thác tài sản của người phải thi hành án được thực hiện như sau:
+ Tài sản mà người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác hoặc cho người khác khai thác thì người đang khai thác được tiếp tục khai thác.
+ Trường hợp tài sản chưa khai thác thì chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kí hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác tài sản. Người khai thác tài sản phải nộp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, sau khi trừ các chi phí cần thiết. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu mà người phải thi hành án không kí hợp đồng khai thác với người khác thì chấp hành viên kê biên, xử lí tài sản đó để thi hành án.
+ Nếu việc khai thác tài sản không hiệu quả hoặc làm cản trở đến việc thi hành án, người phải thi hành án, người khai thác tài sản thực hiện không đúng yêu cầu của chấp hành viên về việc khai thác tài sản thì chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản và kê biên, xử lí tài sản đó để thi hành án.
Trong trường hợp người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và các chi phí về thi hành án hoặc cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án thì chấp hành viên cũng ra quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác tài sản. Trong trường hợp này, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định chấm dứt việc cưỡng chế khai thác, chấp hành viên ra quyết định giải toả việc cưỡng chế khai thác tài sản và trả lại tài sản cho người phải thi hành án.
Như vậy có thể thấy biện pháp cưỡng chế khai thác đối với tài sản là một trong những biện pháp này có tính chất bảo toàn tình trạng tài sản, đôn đốc người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ thi hành án của họ, bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự, nhằm ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án nên bảo đảm được hiệu lực của bản án, quyết định, quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.