Trợ cấp có thể hiểu là bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào của nhà nước/tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và các ngành nghề sản xuất. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về biện pháp chống trợ cấp trong hoạt động phòng vệ thương mại?
Mục lục bài viết
1. Biện pháp chống trợ cấp trong phòng vệ thương mại:
Trước hết, phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chống phá giá, biện pháp chống trợ cấp, biện pháp tự vệ do Bộ công thương quyết định cụ thể để áp dụng đối với các loại hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam trong trường hợp cần thiết. Vì vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt trong quá trình bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với những đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài.
Biện pháp chống trợ cấp trong phòng vệ thương mại là một trong những chế định quan trọng của luật quản lý ngoại thương. Căn cứ theo quy định tại Điều 83 của Luật quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định về các biện pháp chống trợ cấp. Theo đó, biện pháp chống trợ cấp đối với các loại hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xác định là biện pháp áp dụng trong trường hợp các loại hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất hoặc có khả năng đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, hoặc ngăn cản sự hình thành của các ngành sản xuất mới trong nước. Theo đó, các biện pháp chống trợ cấp trong hoạt động phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp cơ bản sau:
(1) Áp dụng thuế chống trợ cấp.
(2) Cam kết của các tổ chức, cam kết của cá nhân hoặc của Chính phủ nước sản xuất, nước xuất khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức độ trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu.
(3) Các biện pháp chống trợ cấp khác.
2. Các hình thức trợ cấp trong phòng vệ thương mại:
Căn cứ theo quy định tại Điều 84 của Luật quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định về trợ cấp. Theo đó, trợ cấp là sự đóng góp của Chính phủ hoặc cũng có thể là sự đóng góp của bất kỳ tổ chức nào ở quốc gia của hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo các hình thức sau đây, có khả năng đem lại lợi ích cho tổ chức và cá nhân nhận trợ cấp. Như vậy, có thể kể đến các hình thức trợ cấp trong hoạt động phòng vệ thương mại bao gồm:
– Chính phủ thực tế chuyển vốn trực tiếp cho các tổ chức, cho các cá nhân, hoặc nhận nợ trực tiếp cho các tổ chức hoặc cho các cá nhân;
– Chính phủ tuyên bố bỏ qua, không thu các khoản thu mà các tổ chức hoặc cá nhân cần phải có nghĩa vụ nộp cho Chính phủ;
– Chính phủ cung cấp cho các tổ chức, cung cấp cho các cá nhân các loại hàng hóa, tài sản, dịch vụ không phải là cơ sở hạ tầng sử dụng chung;
– Chính phủ mua sắm các loại tài sản, mua sắm các loại hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức/cá nhân với giá cao hơn so với giá trên thị trường;
– Chính phủ bán các loại tài sản, bán các loại hàng hóa hoặc dịch vụ cho các tổ chức/cá nhân với mức giá thấp hơn so với mức giá lưu hành trên thị trường;
– Chính phủ cấp tiền mặt vào một cơ chế tài trợ, tiến hành thủ tục ủy thác, giao phó hoặc chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tư nhân thực hiện một hoạt động hoặc một số hoạt động nhất định, thông thường thuộc chức năng của Chính phủ và trong thực tế không khác với những hoạt động thông thường khác của Chính phủ;
– Các hình thức hỗ trợ về thu nhập, hỗ trợ về giá;
– Các hình thức trợ cấp khác không thuộc một trong những trường hợp nêu trên, được xác định dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp lý, không trái với nội dung trong điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong phòng vệ thương mại:
Việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong hoạt động phòng vệ thương mại cũng là một vấn đề quan trọng. Căn cứ theo quy định tại Điều 89 của Luật quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định về vấn đề áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Cụ thể như sau:
– Quá trình áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời sẽ do bộ trưởng Bộ công an quyết định, quá trình quyết định cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, trước hết là căn cứ vào kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra. Mức thuế chống trợ cấp trong hoạt động phòng vệ thương mại tạm thời sẽ không được phép vượt quá mức trợ cấp đưa ra trong kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra. Thời hạn áp dụng biện pháp thuế chống trợ cấp tạm thời là không vượt quá 120 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày ra quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời, và quyết định đó có hiệu lực pháp luật. Bộ trưởng Bộ công thương là chủ thể có thẩm quyền gia hạn áp dụng mức thuế chống trợ cấp tạm thời tuy nhiên thời gian gia hạn không vượt quá 60 ngày;
– Việc áp dụng biện pháp cam kết được thực hiện như sau: Sau khi có kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra, và trước khi kết thúc giai đoạn điều tra, tổ chức hoặc cá nhân sản xuất/xuất khẩu các loại hàng hóa bị điều tra, hoặc Chính phủ nước trợ cấp hàng hóa có thể đưa ra cam kết với cơ quan điều tra về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức độ trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu hoặc đưa ra các biện pháp áp dụng sao cho phù hợp. Đồng thời, cơ quan điều tra có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận, hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết dựa trên cơ sở lấy ý kiến của các tổ chức và cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước;
– Việc áp dụng thuế chống trợ cấp sẽ được thực hiện như sau: Trong trường hợp không đạt được cam kết, sau khi kết thúc giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra bắt buộc phải công bố kết luận cuối cùng để các nội dung điều tra căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra cần phải được thông báo bằng văn bản cho các bên có liên quan. Căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra, bộ trưởng Bộ công thương sẽ ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng mức thuế chống trợ cấp. Tuy nhiên, mức thuế chống trợ cấp sẽ không được phép vượt quá mức trợ cấp ghi nhận trong kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra;
– Việc áp dụng thuế chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước (hay còn được gọi là hiệu lực khứ hồi) sẽ được thực hiện như sau: Trong trường hợp kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra xác định có thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành nghề sản xuất trong nước thì Bộ công thương có thể ra quyết định áp dụng mức thuế chống trợ cấp có hiệu lực khứ hồi. Thuế chống trợ cấp được áp dụng có hiệu lực khứ hồi đối với các loại hàng hóa nhập khẩu trong thời gian 90 ngày trước khi áp dụng mức thuế chống trợ cấp tạm thời, khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có trợ cấp nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra kéo dài cho đến khi áp dụng mức thuế chống trợ cấp tạm thời, từ đó gây ra thiệt hại khó khăn cho các ngành sản xuất trong nước và không có khả năng khắc phục;
– Việc áp dụng các biện pháp chống trợ cấp khác sẽ được thực hiện theo nội dung trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc có thể áp dụng theo nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý ngoại thương 2017.
THAM KHẢO THÊM: