Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 Điều 5 “Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu”.
Vì vậy mà trách nhiệm của gia đình và những người thân của trẻ đóng vai trò quan trọng và mang tính quyết định về việc đảm bảo quyền lợi được chăm sóc, được học tập đầy đủ…
Câu “dậy con từ thuở còn thơ” của người Việt Nam thường nói là câu nói ứng dụng nhất trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt, ở vào thời điểm khi mà đứa trẻ còn nhỏ hoặc đang phát triển mạnh về thể chất lẫn tinh thần, có những thay đổi nhất định trong tuổi dậy thì… Đặc biệt, khi các em bước vào tuổi lên 4, lên 5 là các em đã bắt đầu khám phá cái thế giới riêng tư của mình và thế giới chung quanh cách em bằng lối nhìn và những cảm nhận của cá nhân. Lên 7 tuổi, các em đã biết dùng trí khôn để biện minh cho hành động của mình, và nếu cần các em sẽ nói dối để làm việc đó.
Ngược lại, trong thực tế, hầu hết các phụ huynh khi con em mình còn nằm trong tuổi giáo dục lại ít để ý và hầu như lơ là với thời điểm giáo dục này. Lý do vì ở tuổi này các em chưa đủ khả năng bộc lộ điều mình muốn ngược với điều cha mẹ muốn ngoài trừ khóc lóc, ăn vạ, làm nũng. Nhưng trong thâm tâm các em lại biết rằng nếu dùng hình thức ăn vạ, làm nũng, hoặc khóc lóc mà được việc thì chúng sẽ tiếp tục làm như thế.
Giáo dục là việc làm đòi nhiều khó khăn, nhiều nhẫn nại và hiểu biết. Nó cần có sự đồng thuận của cả cha lẫn mẹ về những nguyên tắc và phương pháp giáo dục. Nhưng nhất là cha mẹ cần phải dành nhiều thời giờ hơn cho con khi những năm tháng tuổi thơ đang cần sự có mặt và trái tim yêu thương của cha mẹ. Khi mà thời gian phát triển đang bùng phát và hình ảnh người mẹ, người cha trở thành thần tượng.
Sở dĩ cả cha lẫn mẹ đều phải cộng tác và góp phần vào việc giáo dục, vì người con dù là trai hay gái trong thời gian thơ trẻ bao giờ cũng gắn liền và cận kề mẹ mình hơn. Vai trò người mẹ lúc này là đem lại cho con mình những yêu thương, săn sóc, trong khi người cha cộng tác với mẹ để hướng dẫn con đi vào những nguyên tắc của luân lý, của tình cảm, và của những va chạm xã hội chung quanh mình. Khi em lên 4 lên 5 là lúc ảnh hưởng người cha trở thành quan trọng. Ở tuổi này, các trẻ cần những hành động và lối suy nghĩ của những thần tượng, mà thần tượng tuổi thơ ấy chính là người cha. Người mẹ, trong trường hợp này lại cộng tác với người cha để bổ túc cho những thiếu sót trong việc hướng dẫn con cái. Và khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì là thời gian mà cả hai cha mẹ đều phải sát cánh bên nhau, cộng tác chặt chẽ, người là khối óc, người là trái tim, cả hai uyên chuyển nhưng cương quyết giúp đứa trẻ vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì.
Tóm lại, giáo dục là một bổn phẩn cao cả, một trách nhiệm lớn lao của cha mẹ, nhưng lại là một bổn phận và trách nhiệm đem lại nhiều thành quả tốt và vinh dự cho những cha mẹ nào biết cùng nhau cộng tác trong việc giáo dục con cái mình.
Bên cạnh có sự dạy dỗ của cha mẹ, nghĩa vụ ấy cũng thuộc về những người thân thích như ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em, những người thân thích…
Trong trường hợp cha mẹ qua đời hoặc cha mẹ không ai có khả năng trông nom, nuôi dưỡng thì nghĩa vụ ấy đương nhiên thuộc về ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em,…Có thể hiểu, trước hết là anh, chị đã thành niên phải nuôi dưỡng giáo dục em chưa thành niên. Trong trường hợp anh, chị đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự, không còn cha mẹ, không có vợ, chồng, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì anh, chị, em đã thành niên đều phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau.
Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu đã chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng thì ông bà có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước"
"Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai"
Thiết nghĩ vai trò của việc nuôi dạy con cái là rất quan trọng và góp phần xây dựng một thế hệ mới phát triển mạnh, nuôi dạy con để giáo dục con trong môi trường tốt, đối xử tôn trọng công bằng, yêu thương và cho thấy mối quan tâm cần thiết cha mẹ dành cho trẻ không phải là vấn đề dễ.
Thứ nhất, về phía gia đình thì cha mẹ nên hiểu được rằng trách nhiệm và tình yêu của cha mẹ khi nuôi dạy con cái khiến cho họ cảm thấy không biết thế nào là đúng sai. Tình trạng cha mẹ vì quá nôn nóng rèn con để con tuân theo khuôn khổ của mình bằng cách luôn giận dữ, quát mắng…vì vậy mà cha mẹ nên lắng nghe những suy nghĩ của con cái để hiểu hơn những gì con cái muốn. Có thể bỏ qua những mâu thuẫn bản thân để hi sinh vì con cái, hạn chế mâu thuẫn tới mức tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mà mục đích của hôn nhân không đạt để dẫn đến ly hôn.
Cha mẹ nên dành nhiều thì giờ cho con cái, nhất là trong lúc chúng mới lớn. Cha mẹ nên ý thức cho con cái món quà tình thương của mình chứ không phải món quà vật chất. Món quà tinh thần này bao gồm bồi đắp lòng tự trọng cho con cái, cố gắng tạo ra không khí chuyện trò cha mẹ – con cái tích cực, tình thương yêu vô điều kiện và loại bỏ những khía cạnh cản trở sự phát triển tâm lý của đứa trẻ. Đó là những món quà thiết thực và có nghĩa lý sâu xa. Bậc cha mẹ hiểu biết đó là món quá lớn nhất mà đứa con có thể nhận được và cha mẹ có thể cho được.
Bậc cha mẹ phải tự mình làm gương. Thái độ cũ của bậc cha mẹ là “ hãy làm những gì cha mẹ bảo mình làm chứ không phải những gì cha mẹ làm” không còn đứng vững nữa. Tính nết tốt phải chính nơi cha mẹ. Nếu chúng ta muốn con cái chúng ta có tiêu chuẩn đạo đức thích hợp, chúng ta phải bắt đầu ngay tại gia đình. Nếu có điều gì không phải giữa con trai và người cha, thì người cha phải tự mình bắt đầu tìm câu giải đáp. Cha lẫn mẹ cần phải hy sinh. Cha mẹ nên dành đủ thì giờ và cố gắng làm cho mọi người trong gia đình tham gia vào tất cả các hoạt động trong việc xây dựng gia đình và định hướng các hoạt động.
Điều thiết yếu là phải sắp xếp cho đúng các việc ưu tiên phải làm chẳng hạn như ưu tiên hướng về gia đình và hôn nhân, tạo mối tương quan gia đình khăng khít cho một môi trường hòa hợp để con cái có thể phát triển tốt cả về nhân phẩm lẫn thể chất
Thứ hai, các tổ chức xã hội cũng phải tuyên truyền về tác hại của bạo lực gia đình gây ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em? Còn các em không được đi học hay phải bỏ học sớm do hoàn cảnh gia đình thì câu hỏi đặt ra là các tổ chức này nên làm gì để giảm tỷ lệ trẻ không biết chữ? Trẻ em vẫn được đi học đầy đủ?…
Điều 8 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 “Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá – Thông tin, Uỷ ban Thể dục Thể thao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo sự phân công của Chính phủ.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.”
Vì vậy, trên phạm vi cả nước, Hội Khuyến học, Cựu giáo chức, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM, đài Truyền hình Việt Nam… đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội đến trường như: Tổ chức cuộc vận động "Giúp bạn đến trường" nhằm quyên góp áo ấm, sách vở; Lập quỹ "Vì trẻ em nghèo" hỗ trợ học sinh vùng khó; Phổ biến, nhân rộng các mô hình khu dân cư khắc phục tình trạng trẻ em bỏ học được Hội khuyến học, Hội Phụ nữ thực hiện thành công ở một số địa phương; Phát hiện và giới thiệu nhiều tấm gương vượt khó học giỏi cho chương trình "Thắp sáng tương lai" được phát sóng trên VTV1.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Các địa phương có cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho trẻ được đi học thuận lợi nên sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống, mạng lưới trường lớp hợp lý để học sinh đi học thuận lợi; tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng nhà công vụ, kiên cố hoá trường lớp để đảm bảo tốt điều kiện dạy và học; đẩy mạnh dạy học 2 buổi/ ngày; phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc, miền núi.sĩ số học sinh, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học là việc làm thường xuyên và lâu dài của nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Ví dụ: |
Năm 2011, Uỷ ban tỉnh Yên Bái đã thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ chính sách phổ cập trung học cơ sở 2 đợt cho 10.077 học sinh mồ côi, tàn tật, học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo. Chương trình trao học bổng: Quỹ cấp tỉnh đã trao 200 suất học bổng trị giá 80 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học giỏi. Phối hợp với Bảo Việt nhân thọ trao 20 suất học bổng cấp trung ương trị giá 10 triệu đồng cho học sinh con thương binh liệt sỹ, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó, học khá, giỏi. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa có sự quan tâm đầy đủ của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; ý thức chấp hành luật pháp và kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận gia đình và công dân chưa tốt, nhiều hành vi xâm hại tình dục, ngược đãi đối với trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc thực hiện các nhóm quyền của trẻ em chưa đầy đủ, tình trạng trẻ em bỏ học, bị xâm hại, bỏ rơi, bị ngược đãi và bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn đang có diễn biến phức tạp; tình hình trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang có xu hướng gia tăng; chưa huy động được các nguồn lực để xây dựng được các điểm vui chơi cho trẻ em ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu về số lượng cán bộ làm công tác trẻ em và năng lực chuyên môn hạn chế kể cả tuyến huyện và tuyến xã, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên tại thôn bản. Tình trạng quá tải công việc, chưa được tập huấn cơ bản và chưa có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của cán bộ làm công tác lao động, văn hoá tại xã/phường, thị trấn dẫn đến việc tham mưu chậm cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em và việc cung cấp số liệu, chỉ tiêu về trẻ em chưa được đánh giá đầy đủ và cập nhật kịp thời phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và định hướng nhiệm vụ của ngành. Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho trẻ em thì có ý kiến cho rằng cần sửa đổi “Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em năm 2004” Đề xuất trong năm 2011, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004) để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ trẻ em giai đoạn mới, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội. Bởi: • Cần phải định nghĩa rõ các hình thức gây tổn hại, xâm hại, bạo lực, xao nhãng đối với trẻ em; trách nhiệm xác định, thủ tục tách trẻ em khỏi cha mẹ, người giám hộ, chăm sóc thay thế trong trường hợp chính cha, mẹ, người giám hộ, người chăm sóc thay thế có nguy cơ, thực hiện hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em. Đồng thời quy định hệ thống cung cấp dịch vụ, phúc lợi xã hội bảo vệ trẻ em, các biện pháp đặc biệt cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, bạo lực gia đình… • Điều quan trọng nữa cần sửa đổi, bổ sung là một số quyền cơ bản, chính sách Nhà nước dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: còn cha mẹ nhưng không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc da cam nhưng không thuộc diện gia đình chính sách. Để tăng cường các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em, hạn chế các hành vi xâm hại, ngược đãi, bạo lực, bóc lột, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của trẻ em, trong thời gian tới cần có những giải pháp tích cực như sau: +) Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chú trọng giáo dục pháp luật, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình; nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng, biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cộng đồng, gia đìng và cho bản thân các em. Đưa các nội dung nêu trên vào chương trình sinh hoạt của đoàn thể ở cơ sở như Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc… +) Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Thực hiện đầy đủ các chính sách hiện có đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo nhất là trẻ em nghèo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. +) Huy động gia đình và cộng đồng và toàn xã hội tham gia hỗ trợ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ có hiệu quả các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. +) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu của chương trình hành động quốc gia vì trẻ em trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền trẻ em. |