Tại sao cần áp dụng các biện pháp cần thiết khi có dấu hiệu trốn thuế trong thanh tra thuế? Biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế khi có dấu hiệu trốn thuế?
Hành vi trốn thuế là một trong những hành vi phổ biến ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Để phát hiện ra hành vi trốn thuế, cần thiết phải thực hiện các hoạt động thanh tra. Trong quá trình thanh tra thuế, đoàn thanh tra nếu phát hiện những dấu hiệu trốn thuế của đối tượng thanh tra thì cần thiết phải đảm bảo cho việc thanh tra, điều tra sau này. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có những biện pháp áp dụng phù hợp khi có những dấu hiệu đó.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Tại sao cần áp dụng các biện pháp cần thiết khi có dấu hiệu trốn thuế trong thanh tra thuế?
Thanh tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, tình hình áp dụng, thực hiện các thủ tục hành chính thuế, việc chấp hành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi trái pháp luật, bảo đảm luật thuế được thi hành một cách nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội. Mục đích của hoạt động thanh tra là việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi trái pháp luật.
Hoạt động thanh tra thuế phải đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, xử lý đúng người, đúng tội. Đảm bảo được yêu cầu này cũng là đảm bảo cho mục đích của thanh tra, kiểm tra là cán cân công lý trong việc thực hiện sự công bằng, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Thanh tra thuế phải đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời tạo điều kiện tốt nhất để quần chúng nhân dân tham gia ý kiến. Đảm bảo công khai, dân chủ là yêu cầu quan trọng của công tác thanh tra thuế, vì thông qua đó phát huy được sức mạnh và vai trò quần chúng nhân dân trong công tác giám sát, tuân thủ pháp luật. Yêu cầu kịp thời nhằm khắc phục yếu kém, bất cập trong quản lý nhà nước, ngăn chặn hành vi tiêu cực, tránh tổn thất.
Thanh tra thuế phải đảm bảo thực hiện đúng các luật thuế, ngăn ngừa, loại trừ các hành vi trốn, lậu thuế.
Thông qua hoạt động thanh tra thuế, các cơ quan quản lý thuế phát hiện ra rất nhiều những vi phạm. Để hoạt động thanh tra thuế đạt được những yêu cầu đặt ra cũng như việc ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, đặc biệt là hành vi trốn thuế, thì cần phải có những biện pháp áp dụng kịp thời khi tiến hành hoạt động thanh tra thuế. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trong khi tiến hành thanh tra thuế, khi có các dấu hiệu trốn thuế của đối tượng nộp thuế. Các biện pháp giúp các cơ quan nhà nước thu thập được đầy đủ các bằng chứng kết luận về hành vi trốn thuế của đối tượng trốn thuế, cũng như tránh được việc các chủ thể bị thanh tra thuế có những hành vi vi phạm pháp luật khác để che đậy đi vi phạm của mình.
2. Biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế khi có dấu hiệu trốn thuế:
Biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế khi có dấu hiệu trốn thuế được quy định tại Mục 4 (từ Điều 121 đến Điều 123) của Chương XIII Luật Quản lý thuế năm 2019. Cụ thể gồm các biện pháp sau:
Thứ nhất: Thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế
Tại Khoản 1 Điều 121 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp.” Như vậy, việc thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế là quyền của cơ quan quản lý thuế. Chủ thể có thẩm quyền thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin đó chính là thủ trường cơ quan thuế. Chủ thể này có thể yêu cầu đối tượng thanh tra thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin trực tiếp.
Các đối tượng cung cấp thông tin phải đảm bảo cung cấp đúng, đủ thông tin được yêu cầu và họ sẽ phải “chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp.” Đây là nghĩa vụ của những người cung cấp thông tin. Thông qua những thông tin mà các đối tượng cung cấp, các chủ thể thuộc đoàn thanh tra thuế sẽ căn cứ trên những thông tin đó để xem xét liệu rằng đối tượng thanh tra có thực hiện hành vi trốn thuế hay không.
Thứ hai: Tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế
Tương tự như biện pháp thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, biện pháp này cũng chỉ do thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định áp dụng biện pháp này. Việc quyết định áp dụng được thể hiện bằng Quyết định tạm giữ. Căn cứ áp dụng biện pháp này đó chính là: “Việc tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế được áp dụng khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để có quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay hành vi trốn thuế.”
” Trong quá trình thanh tra thuế, nếu đối tượng thanh tra có biểu hiện tẩu tán, tiêu hủy tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế thì trưởng đoàn thanh tra thuế đang thi hành nhiệm vụ được quyền tạm giữ tài liệu, tang vật đó. ” (Khoản 3 Điều 122) Quy định này thể hiện sự linh động trong khi thanh tra thuế. Nếu khi phát hiện đối tượng thanh tra thuế có dấu hiệu biểu hiện tẩu tán, tiêu hủy tài liệu, tang vật mà đoàn thanh tra thuế phải đợi đến khi Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra Quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật thì khi có Quyết định đối tượng có hành vi trốn thuế đã thực hiện xong việc tẩu tán, tiêu hủy tài liệu đó, dẫn đến việc thanh tra thuế không đạt được mục đích, bỏ lọt hành vi vi phạm. Do đó, pháp luật quy định về việc quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật trước. Sau đó trình lên Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, nếu Thủ trưởng đồng ý thì ra Quyết định tạm giữ nếu Thủ trưởng không đồng ý thì phải thực hiện việc trả lại tài liệu, tang vật đã tạm giữ đó.
Hoạt động thu giữ tài liệu, tang vật phải được thực hiện theo đúng thủ tục được quy định. Theo đó, việc lập biên bản khi thực hiện tạm giữ là điều bắt buộc. Biên bản tạm giữ này chính là văn bản thể hiện lại quá trình tạm giữ cũng như cung cấp các thông tin liên quan về việc tạm giữ như tài liệu, tang vật bị tạm giữ; thông tin về người tạm giữ, người quản lý những tài liệu, tang vật bị tạm giữ,… Việc quản lý, bảo quản những tang vật, tài liệu bị tạm giữ là điều vô cùng quan trọng, vừa đảm bảo cho quá trình thanh tra, vừa bảo quản tài sản đó cho những chủ sở hữu những tài sản đó.
Pháp luật cũng đã có quy định rõ ràng về việc bảo quản riêng đối với từng loại tang vật, tài liệu bị tạm giữ như sau:
“5. Tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý và những vật thuộc diện quản lý đặc biệt phải được bảo quản theo quy định của pháp luật; tang vật là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay để tránh tổn thất; tiền thu được phải được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.”
Việc quy định như trên dựa trên đặc tính tự nhiên của các loại tài sản bị tạm giữ, mỗi loại tài sản có một đặc tính riêng, do đó cần thiết phải có những biện pháp xử lý khác nhau đối với các loại tài sản đó nhằm đảm bảo giá trị của những tài sản này.
Thời hạn tạm giữ tài liệu, tang vật là 10 ngày, thời hạn này có thể gia hạn lên đến 60 ngày đối với những vụ việc phức tạp. Sau khoảng thời hạn này, thì Thủ trưởng cơ quan thuế phải thực hiện xử lý những tài sản đó theo quyết định xử lý hoặc trả lại cho các đối tượng có tài sản bị tạm giữ nếu không áp dụng biện pháp tịch thu đối với họ.
Thứ ba: Khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế
Việc khám xét là hoạt động có tính chất xâm phạm đến quyền của các đối tượng bị thanh tra thuế. Do đó, việc khám xét này cũng cần phải có sự đồng ý, cho phép của chủ thể có thẩm quyền đó chính là Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế. Cần đặc biệt lưu ý nếu nơi khám xét là nơi ở thì cần phải có văn bản chấp thuận của chủ thể có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. (Khoản 1 Điều 123)
Tại Khoản 2 Điều 123 quy định: “Việc khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật được tiến hành khi có căn cứ về việc cất giấu tài liệu, tang vật có liên quan đến hành vi trốn thuế.” Có thể thấy, quy định đã thể hiện rằng chỉ khi có những căn cứ rõ ràng việc tài liệu, tang vật bị cất giấu có liên quan đến việc trốn thuế, thì mới được áp dụng biện pháp khám xét. Thông qua việc khám xét, các cơ quan có thể tìm kiếm thêm được các tài liệu, tang vật liên quan đến việc trốn thuế.
Việc thực hiện khám xét trong thanh tra thuế cũng phải đảm bảo các nguyên tắc chung của việc khám xét như việc phải có người chứng kiến, tuân thủ về thời gian được thực hiện việc khám xét, có biên bản ghi lại việc khám xét,…. Việc tuân thủ những nguyên tắc này vừa đảm bảo việc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng bảo vệ quyền của người bị khám xét.