Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân hưởng phụ cấp thế nào? Quy định về chế độ phụ cấp kiêm nhiệm mới nhất. Cách tính phụ cấp kiêm nhiệm công tác đảng.
Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ra đời đã hướng dẫn cụ thể về phụ cấp kiêm nhiệm chức danh.
Trong khuôn khổ bài viết này, đội ngũ các luật sư, luật gia, chuyên gia pháp luật hành chính của công ty Luật Dương gia xin được phân tích, làm rõ chế độ phụ cấp của Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung Nghị định 34/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mục lục bài viết
1. Chế độ kiêm nhiệm là gì?
Chế độ kiêm nhiệm của cán bộ, công chức là việc một cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức ở một cơ quan, đơn vị này kiêm nhiệm thêm các chức vụ ở nơi khác. Việc kiêm nhiệm này phải có quyết định của cơ quan sử dụng, quản lý cán bộ, công chức và phải được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức có biên chế. Ví dụ, công chức có trình độ khoa học – kỹ thuật làm việc ở các cơ quan nhà nước có thể kiêm nhiệm việc giảng dạy ở các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm khai thác, phát huy những kinh nghiệm, tri thức của đội ngũ cán bộ khoa học…
Theo quy định của pháp luật thì bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân là cán bộ. Bí thư là chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản còn Chủ tịch Hội đồng nhân dân là người đứng đầu, lãnh đạo hoạt động của thường trực Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân được Hội đồng nhân dân bầu ra trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kì họp đầu tiên của mỗi khóa Hội đồng nhân dân để lãnh đạo thường thực Hội đồng nhân dân và bảo đảm các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Theo
2. Chế độ phụ cấp của Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân
Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thay thế
Theo quy định tại Điều 10. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP như sau:
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
“3. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh
1. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm: 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.
2. Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
3. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.”
Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2, 3 Điều 11 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định về kiêm nhiệm chức danh và mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh như sau:
– Chỉ bố trí cán bộ cấp xã kiêm nhiệm chức danh công chức cấp xã khi cán bộ cấp xã đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh công chức cấp xã quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và Thông tư này.
– Mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ cấp xã đủ điều kiện hưởng phụ cấp kiêm nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP như sau:
+ Cán bộ cấp xã đang xếp lương theo bảng lương chức vụ mà kiêm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của chức vụ kiêm nhiệm.
+ Cán bộ cấp xã đang xếp lương như công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà kiêm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính đang xếp cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức vụ kiêm nhiệm.
+ Cán bộ cấp xã mà kiêm nhiệm chức danh công chức cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính đang xếp của cán bộ cấp xã được bố trí kiêm nhiệm.
– Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định.
TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
3. Mức phụ cấm kiêm nhiệm chức danh được hưởng của Chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm Bí Thư đảng uỷ
Tóm tắt câu hỏi:
Xã tôi (Đỗ Xuyên, Thanh ba, Phú thọ) là xã loại 2 được biên chế 23 cán bộ, hiện tại sử dụng 22 cán bộ. Tôi là bí thư đảng uỷ, kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo quy định thì tôi được hưởng 20% chức danh kiêm nhiệm, nhưng hiện tại tôi không được hưởng như vậy là đúng hay sai?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Nghị định 34/2019/NĐ-CP
Thông tư 13/2019/TT-BNV
2. Nội dung tư vấn:
Chủ tịch Hội đồng nhân dân có nhiệm kỳ theo theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ thì Chủ tich Hội đồng nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới. Nếu trong nhiệm kỳ mà khuyết chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân có quyền bầu bổ sung Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
Tại Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã như sau:
“1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
1. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:
a) Loại 1: tối đa 23 người;
b) Loại 2: tối đa 21 người;
c) Loại 3: tối đa 19 người.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều này, bảo đảm đúng với chức danh quy định tại Điều 3 Nghị định này và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với các xã, thị trấn bố trí Trưởng Công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều này giảm 01 người.”
Như vậy, xã của bạn loại 2 được biên chế 21 cán bộ, việc được quyết định bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã bằng hoặc thấp hơn sẽ do UBND cấp tỉnh phù hợp với tình hình thực tế theo từng địa phương. Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân sẽ được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh tại Điều 10 Nghị định 92/2009/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP có quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức danh như sau:
“Điều 10. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh
1. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm: 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.
2. Cán bộ, công chức cấp xã được kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
3. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.”
Theo thông tin bạn trình bày, bạn là Bí thư Đảng Ủy kiêm Chủ tịch hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, như vậy trường hợp của bạn sẽ được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh bằng 50% mức lương, lưu ý là mức lương bậc 1 chứ không phải 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) như trước đây nữa. Đây là quy định được áp dụng từ từ ngày 25 tháng 6 năm 2019.
Được hướng dẫn bởi Khoản 2, 3 Điều 11 Thông tư 13/2019/TT-BNV quy định về kiêm nhiệm chức danh và mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh có hướng dẫn cụ thể trường hợp của bạn như sau:
Trường hợp này bạn được hưởng 50% mức lương bậc 1 của chức vụ kiêm nhiệm tức là chức vụ ở đây là chủ tịch hội đồng nhân dân cấp xã khi mà bạn đang xếp lương theo bảng lương chức vụ bí thư đảng ủy mà kiêm nhiệm chức vụ cán bộ cấp xã là chủ tịch hội đồng nhân dân thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm như trên.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã; hướng dẫn việc kiêm nhiệm các chức danh để bảo đảm các lĩnh vực công tác ở địa phương đều có cán bộ, công chức đảm nhiệm; bố trí, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định này. Do vậy, trong trường hợp này, nếu hiện tại bạn không được hưởng mức phụ cấp trên thì bạn cần liên hệ trực tiếp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị để được giải quyết.