Bị cáo có thể yêu cầu thay đổi luật sư bên nguyên đơn không? Đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự có được đình chỉ xét xử không?
Bị cáo có thể yêu cầu thay đổi luật sư bên nguyên đơn không? Đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự có được đình chỉ xét xử không?
Tóm tắt câu hỏi:
Năm đứa trẻ vị thành niên (3 đứa 16 tuổi và 2 đứa 17 tuổi), đánh một trẻ 16 tuổi, xác định thương tật 17%. Sau khi nằm viện mấy ngày thì trẻ này đã đi học lại bình thường. Đã có lệnh khởi tố của Viện kiểm sát theo khoản 2 điều 104 về tội cố ý gây thương tích và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của công an. Sau nhiều lần lấy lời khai, trước khi có lệnh của viện kiểm sát, công an yêu cầu 2 bên tự thỏa thuận mức bồi thường để không ra tòa nhưng bên nguyên không hợp tác vì vậy đã có 2 lệnh nói trên. Bên nguyên đơn yêu cầu bồi thường gần 49 triệu . Bên bị can đề nghị khắc phục hậu quả trước 20 triệu để bên nguyên ký giấy bãi nại nhằm có tình tiết giảm nhẹ khi ra tòa thì luật sư của bên nguyên tác động không chấp nhận 20 triệu mà phải đủ 48 triệu và nói rằng sau khi giao tiền và ký giấy bãi nại thì tòa sẽ đình án, đồng thời có thái độ chứng tỏ mình sẽ thắng kiện khi đưa mức án 7 năm ra tác động những vị phụ huynh có con tham gia vụ đánh nhau mau lo tiền bồi thường. Đề nghị các vị luật sư giúp tôi:
1/ Bên bị cáo có thể xin đổi luật sư của bên nguyên không?
2/ Đã có lệnh khởi tố theo điều 2 rồi thì có thể đình xét xử không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
+ Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003
2. Giải quyết vấn đề
Điều 59 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định:
“Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình”.
Đồng thời Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền lựa chọn hoặc thay đổi người bào chữa của họ.
Mặt khác, Điều 50 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định về quyền và nghĩa vụ của bị cáo đều không xác định quyền được thay đổi người bào chữa của đương sự của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Về việc đình chỉ xét xử vụ án
Điều 180 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử khi có một trong những căn cứ sau:
– Có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003: người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ đối với tội phạm tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 . Do đó, với trường hợp này bị truy cứu về tội phạm tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 không áp dụng đình chỉ theo căn cứ người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về đình chỉ xét xử vụ án hình sự: 1900.6568
– Có căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ Tố tụng Hình sự 2003:
“3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.”
– Hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà.
Như vậy, việc vụ án hình sự bị đình chỉ xét xử trong giai đoạn xét xử khi thuộc một trong những căn cứ liệt kê trên. Nếu vụ án hình sự có một trong các yếu tố quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của Bộ Tố tụng Hình sự 2003 hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Trong trường hợp này, thẩm phán sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án.