Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì lời khai chính là một trong những chứng cứ quan trọng mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ để thực hiện việc điều tra theo quy định của pháp luật. Thực tế, trong giai đoạn điều tra có nhiều trường hợp các bị can có được thay đổi lời khai trong quá trình điều tra hay không?
Mục lục bài viết
1. Bị can có được thay đổi lời khai trong quá trình điều tra không?
Việc thay đổi lời khai được quy định theo Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất, Căn cứ theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về biên bản như sau:
– Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên bản theo mẫu thống nhất theo quy định. Theo đó, biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
– Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định. Những điểm tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.
+ Người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản trong trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản.
+ Người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến áp dụng trong trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ.
+ Người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến áp dụng trong trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản.
Thứ hai, Căn cứ theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về biên bản điều tra như sau:
– Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định thì phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nêu trên.
– Cán bộ điều tra lập biên bản, Điều tra viên theo quy định cần phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Đồng thời, các ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản, trong các trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản, theo quy định pháp luật thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra, người tham gia tố tụng cùng ký tên vào biên bản.
– Đối với các trường hợp Kiểm tra viên, Kiểm sát viên tiến hành việc lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nêu trên và trong biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
– Đồng thời, theo quy định thì việc lập biên bản trong giai đoạn khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Thứ ba, Căn cứ theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về biên bản hỏi cung bị can như sau:
– Theo quy định thì mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản. Biên bản hỏi cung bị can được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và phải ghi đầy đủ các câu hỏi và câu trả lời, đặc biệt là các lời trình bày của bị can. Nghiêm cấm Cán bộ điều tra, Điều tra viên tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
– Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Cán bộ điều tra, Điều tra viên theo quy định cần phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Lưu ý là người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.
Trường hợp hỏi cung bị can có mặt người đại diện, người bào chữa của bị can thì Cán bộ điều tra, Điều tra viên cần phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người đại diện, người bào chữa phải cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trong trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.
– Điều tra viên, Cán bộ điều tra sau khi hỏi cung cần phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có sự bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận. Đối với biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trong trường hợp bị can viết bản tự khai thì theo quy định Cán bộ điều tra, Điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó.
– Đối với các trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì biên bản được thực hiện theo quy định nêu trên. Biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì bị can hoàn toàn có thể thay đổi, sửa chữa lời khai trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, theo quy định thì khi thay đổi, sửa chữa lời khai bi can cần ký vào nội dung sửa chữa. Trường hợp không chấp nhận những ý kiến của họ thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản lấy lời khai người làm chứng phải có chữ ký của Cán bộ điều tra, Điều tra viên, người làm chứng, người khác nếu có.
2. Quyền và nghĩa vụ của bị can:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì bị can được hiểu là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Đối với pháp nhân thì quyền và nghĩa vụ của bị can sẽ được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 bị can có các quyền sau đây:
– Bị can phải được biết lý do mình bị khởi tố;
– Được nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
– Bị can phải được giải thích, thông báo về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
– Được đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật; đề nghị định giá tài sản, giám định;
– Được trình bày ý kiến, trình bày lời khai không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
– Được đưa ra yêu cầu, chứng cứ, tài liệu, đồ vật;
– Được trình bày ý kiến về đồ vật, chứng cứ, tài liệu liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Được nhờ người bào chữa, tự bào chữa;
– Được đọc, ghi chép bản sao bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu hoặc tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội;
– Được quyền khiếu nại hành vi tố tụng, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 bị can có các nghĩa vụ sau đây:
– Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, trường hợp bị bỏ trốn thì bị truy nã;
– Bị can cần phải chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Mẫu biên bản thay đổi lời khai của bị can:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
VIỆN KIỂM SÁT …
Số:…../BB-VKS…-…
…., ngày…tháng…năm…
BIÊN BẢN GHI LỜI KHAI
Vào hồi…giờ…phút, ngày…tháng…năm…tại …
Tôi….Chức vụ/ chức danh …
Và ông /bà …
Với sự tham gia của ông (bà)…là người đại diện (hoặc giám hộ) (Áp dụng cho trường hợp người được lấy lời khai là bị hại, người làm chứng…… dưới 18 tuổi).
Tiến hành ghi lời khai của:
Họ và tên:…Giới tính: ….
Tên gọi khác: …
Sinh ngày…tháng…năm…tại: …
Quốc tịch:…Dân tộc:…Tôn giáo: …
Nơi đăng ký HKTT: …
Chỗ ở: …
Nghề nghiệp: …
Chức vụ: …
Số CMND/Thẻ CCCD/Hộ chiếu: …
Tư cách tham gia tố tụng: …
Người khai đã được giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản …Điều…Bộ luật Tố tụng hình sự và cam đoan chịu trách nhiệm về lời khai của mình.
HỎI VÀ TRẢ LỜI …
Việc lấy lời khai kết thúc hồi… giờ… ngày…tháng…năm… và đã được ghi âm, ghi hình (nếu có)
Biên bản này đã đọc lại (hoặc tự đọc), phát lại ghi âm, ghi hình cho người khai nghe, công nhận đúng như đã khai và ký tên xác nhận dưới đây.
NGƯỜI KHAI
(ký, ghi rõ họ tên)
KIỂM SÁT VIÊN
(ký, ghi rõ họ tên)
NGƯỜI GHI BIÊN BẢN
(ký, ghi rõ họ tên, chức danh)
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.