Việc xem xét liệu một người bị buộc tội có phải là tội phạm hay không đặt ra nhiều vấn đề phức tạp và đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Vậy trong những trường hợp nào thì người bị buộc tội được xem là tội phạm?
Mục lục bài viết
1. Người bị buộc tội có bị xem là tội phạm không?
1.1. Người bị buộc tội là gì?
Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về những đối tượng được xem là người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo:
– Người bị bắt trong các trường hợp bắt người theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự bao gồm bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bắt người bị yêu cầu dẫn độ, bị cáo để tạm giam;
– Người bị tạm giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ hoặc bị bắt theo quyết định truy nã;
– Bị can theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Nếu bị can là pháp nhân thì quyền và nghĩa vụ của bị can được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
– Bị cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là pháp nhân hoặc người đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Nếu bị cáo là pháp nhân thì quyền và nghĩa vụ của bị can được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
1.2. Người bị buộc tội có được xem là tội phạm không?
Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
– Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định và bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
– Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thì người bị buộc tội phải được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kết luận không có tội.
Theo quy định trên, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, người bị buộc tội không đương nhiên được xem là tội phạm.
2. Quyền bào chữa của người bị buộc tội:
2.1. Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa:
Quyền bào chữa của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự là quyền của bị tạm giữ, người bị bắt, bị can, bị cáo thực hiện trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật. Người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa nhằm phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội; loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc làm giảm nhẹ trong vụ án hình sự; hoặc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 16 đã ghi nhận nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa với 2 nội dung chính:
– Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.
– Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, đương sự, bị hại thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội được hiểu là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạo điều kiện cần và đủ, đảm bảo để người bị tạm giữ, người bị buộc bắt, bị can, bị cáo đưa ra những lí lẽ, lập luận, chứng cứ để phủ nhận một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự.
2.2. Người bào chữa của người bị buộc tội:
Người bào chữa của người bị buộc tội được quy định tại Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi sung 2017 như sau:
– Người bào chữa là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định hoặc người bị buộc tội nhờ bào chữa và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
– Theo đó, người bào chữa có thể là:
+ Luật sư;
+ Bào chữa viên nhân dân;
+ Người đại diện của người bị buộc tội;
+ Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
– Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Tổ quốc, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, có kiến thức pháp lý, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
– Những người sau đây không được là người bào chữa của người bị buộc tội:
+ Người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
+ Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
+ Người tham gia vụ án đó với tư cách là người giám định, người làm chứng, người phiên dịch, người định giá tài sản, người dịch thuật.
– Nếu quyền và lợi ích của những người bị buộc tội trong cùng một vụ án không đối lập nhau thì một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội đó. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.
3. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về ai?
Việc xác định sự thật của vụ án được quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ buộc phải chứng minh là mình vô tội.
– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách toàn diện, khách quan và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định vô tội và chứng cứ xác định có tội, tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
– Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự bao gồm:
+ Tòa án;
+ Cơ quan điều tra;
+ Viện kiểm sát.
– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự bao gồm các cơ quan sau:
+ Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;
+ Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;
+ Các cơ quan của Kiểm ngư;
+ Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Các cơ quan của Hải quan;
+ Các cơ quan của Kiểm lâm;
+ Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Còn đối với người bị buộc tội, pháp luật tố tụng hình sự quy định rõ người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.