Hồ sơ bệnh án là tài liệu lưu trữ thông tin người bệnh cũng như quá trình điều trị bệnh của cá nhân thực hiện khám chữa bệnh. Vậy, sau khi khám chữa bệnh xong bệnh nhân có thể xin cấp đầy đủ hồ sơ bệnh án hay không? Thủ tục xin cấp thông tin về hồ sơ bệnh án ra sao?
Mục lục bài viết
1. Bệnh nhân có thể xin cấp đầy đủ hồ sơ bệnh án hay không?
Theo khoản 1 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì hồ sơ bệnh án được hiểu là những tài liệu y học, y tế và pháp lý ghi nhận thông tin về bệnh nhân và những vấn đề y khoa liên quan đến sức khỏe của cá nhân này. Hiện nay, mỗi một bệnh nhân chỉ được cấp một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cũng theo quy định tại luật này thì bệnh nhân chỉ được cung cấp tóm tắt bệnh án chứ không phải hoàn bộ hồ sơ bệnh án ,cụ thể được quy định tại Điều 11 như sau:
– Bệnh nhân có quyền được cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu cá nhân này gửi yêu cầu bằng văn bản đến cho người có thẩm quyền quyết định cấp bản tóm tắt này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Các cơ sở, bệnh viện khám chữa bệnh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, tại Khoản 4, Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã ghi nhận các trường hợp được quyền khai thác hồ sơ bệnh án:
– Cá nhân đang là sinh viên thực tập, nghiên cứu công tác chuyên môn kỹ thuật, người đang trực tiếp hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có mong muốn mượn hồ sơ bệnh án để thực hiện mục đích này thì được tạo điều kiện mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép;
– Các cơ quan để phục vụ tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó cần tìm hiểu thông tin về hồ sơ bệnh án thì Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư tiến hành mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép;
– Với quy định của Điều luật này thì người bệnh hoặc cá nhân là người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này. Để được cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đưa ra quyết định cho phép thực hiện việc khai thác hồ sơ bệnh án này.
Như vậy, bệnh nhân và người đại diện bệnh nhân hoàn toàn có quyền được cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án. Còn việc yêu cầu cấp đầy đủ hồ sơ bệnh án là không được chấp thuận vì nội dung trong hồ sơ này còn bao gồm cả những tài liệu y học, y tế và pháp lý cần có sự bảo mật thông tin nên không phải ai cũng được xem, nắm bắt tất cả thông tin và nội dung liên quan đến vấn đề này.
Bệnh viện chỉ có trách nhiệm thực hiện trích sao hồ sơ bệnh án theo mẫu cho cơ quan chức năng. Xin hồ sơ bệnh án đối với yêu cầu của cơ quan, tổ chức muốn có giấy này cần phải có
Người bệnh, người nhà yêu cầu cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án phải được thể hiện nguyện vọng bằng văn bản trong đó trình bày cụ thể mục đích sử dụng, bệnh viện sẽ xem xét , trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Việc cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án là quyền của người bệnh và bên có thẩm quyền lập và lưu trữ hồ sơ bệnh án phải đảm bảo việc giữ gìn bí mật riêng tư của bệnh nhân.
2. Quy định về việc lập, lưu trữ hồ sơ bệnh án:
– Việc lập hồ sơ bệnh án được quy định như sau:
+ Cơ sở khám bệnh không có sự phân biệt giữa người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của mình. Những cá nhân này đều phải được lập hồ sơ bệnh án để quản lý thông tin cũng như tình hình sức khỏe của họ;
+ Hiện nay, Hồ sơ bệnh án có thể được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải đảm bảo các nội dung lưu trữ ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án;
+ Hồ sơ bệnh án bao gồm những tài liệu, thông tin liên quan đến người bệnh và quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
– Việc lưu trữ hồ sơ bệnh án được quy định như sau:
+ Dựa theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước mà quyết định đến việc lưu trữ hồ sơ bệnh án;
+ Thời gian để quá trình lưu trữ được thực hiện có sự khác nhau đối với mỗi loại bệnh án: Hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú được lưu trữ ít nhất 10 năm; hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được lưu trữ ít nhất 15 năm; hồ sơ bệnh án đối với người bệnh tâm thần, người bệnh tử vong được lưu trữ ít nhất 20 năm;
+ Đối với trường hợp lưu trữ hồ sơ bệnh án bằng bản điện tử thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chuẩn bị thêm bản sao dự phòng và thực hiện theo các chế độ lưu trữ quy định tại điểm a và điểm b của Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
3. Thủ tục xin cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án:
3.1. Hồ sơ xin cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án:
Thành phần hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Chủ thể cần chuẩn bị 01 giấy giới thiệu hoặc đơn đề nghị cấp bản tóm về hồ sơ bệnh án;
– Có thêm giấy tờ tùy thân của đại diện tổ chức hoặc cá nhân (để xác minh).
3.2. Trình tự thực hiện xin cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị
Tổ chức, cá nhân trực tiếp nộp giấy giới thiệu hoặc đơn đề nghị cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án (có thể gọi tắt là giấy đề nghị) tại phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện. Nhân viên phòng kế hoạch tổng hợp tiếp nhận, kiểm tra tính xác thực của giấy tờ, gửi giấy hẹn trả kết quả cho người đề nghị; hướng dẫn nộp lệ phí tại quầy thu lệ phí theo quy định của pháp luật.
– Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ bệnh án
Nhân viên phòng kế hoạch tổng hợp ký duyệt giấy đề nghị tại Ban giám đốc bệnh viện hoặc lãnh đạo phòng kế hoạch tổng hợp, Kiểm tra thông tin hồ sơ bệnh án; tìm và dán giấy đề nghị hồ sơ bệnh án theo quy định; thực hiện việc tóm tắt hồ sơ bệnh án;
Bước 3: Ký duyệt kết quả:
Sau khi hồ sơ đã được xem xét kỹ càng, mục đích của việc yêu cầu là hợp lý thì Ban giám đốc bệnh viện hoặclãnh đạo phòng kế hoạch tổng hợp ký duyệt cấp hồ sơ bệnh án.
Bước 3: Trả kết quả cho chủ thể có yêu cầu
Khi hồ sơ đã được chấp thuận thì cơ sở khám chữa bệnh phải bàn giao kết quả theo giấy hẹn cho tổ chức, cá nhân; hướng dẫn người đề nghị sang phòng văn thư để đóng dấu.
Nhân viên văn thư tiếp nhận giấy trả kết quả của tổ chức, cá nhân; Kiểm tra biên lai thu lệ phí; đóng dấu và bàn giao kết quả cho tổ chức cá nhân có đề nghị.
4. Mẫu đơn xin cung cấp hồ sơ bệnh án:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
————–o0o————–
….., ngày ….. tháng ….. năm …..
ĐƠN XIN CUNG CẤP THÔNG TIN HỒ SƠ BỆNH ÁN
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
Kính gửi: Bệnh viện ……
Tôi là:… Sinh ngày:…..
Chứng minh nhân dân số: ..… Ngày cấp: …. Nơi cấp: ……
Hộ khẩu thường trú:…..
Chỗ ở hiện tại:…..
Điện thoại liên hệ: ….. Email:…..
Lý do xin cung cấp hồ sơ bệnh án:
Ngày … tháng … năm … đến ngày …. tháng …. năm …., tôi có thực hiện khám, chữa bệnh tại Bệnh viện …., cụ thể, tôi đã khám và điều trị tại khoa …… và nằm viện điều trị tại phòng … do bác sĩ …. và điều dưỡng ……. theo dõi, khám chữa. Nay vì lý do: … nên tôi muốn xem lại và xin thông tin về hồ sơ bệnh án của mình.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 11 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định về Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh quy định như sau:
“Điều 11.Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh
1.Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản
…”
Do vậy, bằng đơn này, tôi kính mong Bệnh viện xem xét và giải quyết đề nghị này của tôi và sớm cung cấp cho tôi những thông tin về hồ sơ bệnh án của mình.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.